PN&HĐ: Giữ giá mười năm, bỏ... một ngày
Phát ngôn - Hành động tuần này là những lát cắt nhiều bi hài nhưng cũng đượm màu nhân văn.
Dũng cảm hay là nghĩ quẩn?
Tuần qua, chuyện số chẵn, số lẻ bỗng trở thành quan trọng, bởi kiến nghị của Sở Giao thông vận tải TPHCM, rằng xe ô tô biển số chẵn sẽ chỉ được vào trung tâm thành phố vào ngày chẵn, còn ô tô biển số lẻ thì vào ngày lẻ.
Rất tiếc, do thông tin quá vắn tắt, nên dư luận cũng chịu chết, không biết được khái niệm "trung tâm thành phố", rồi khái niệm "nội thành" trong kiến nghị trên sẽ được giải thích ra sao? Bao gồm những quận, huyện nào, để có thể phóng trí tưởng tượng cho... chính xác. Vì thông tin thì ngắn, nhưng rõ là... mù mờ. Hai khái niệm trung tâm thành phố và nội thành dường như được dùng lẫn lộn, vừa khẳng định "xe có biển số lẻ được đi vào nội thành các ngày thứ 3, 5, 7" thì đến đoạn giải thích lý do lại thành "Lãnh đạo sở GTVT cho rằng quy định trên nhằm hạn chế mức thấp nhất tình trạng xe ôtô cá nhân đi vào trung tâm TP.HCM giờ cao điểm vì khu vực này đã quá chật chội và quá tải do lưu lượng xe quá nhiều".
Không lẽ nội thành và trung tâm thành phố lại là một sao? Rồi nữa, nếu chỉ hạn chế xe đi vào trung tâm TP.HCM giờ cao điểm, thì vì sao lại phải cấm xe đi vào nội thành trong cả ngày?
Chưa kể, không biết quy định này sẽ áp dụng với những loại xe nào đây? Liệu có áp dụng với xe biển xanh, biển đỏ... không nhỉ? Nếu không áp dụng thì làm gương cho quảng đại quần chúng sao đây? Còn nếu áp dụng, có khi sẽ có lãnh đạo cấp nào đó phải "bấm bụng" có 2 xe, một biển chẵn, một biển lẻ thì nguy.
Nghĩ thêm một tý, tự nhiên lại thấy trách các nhà toán học, nghĩ ra khái niệm số chẵn, số lẻ làm chi, để các nhà làm chính sách về giao thông vin vào đó mà nghĩ ra những đề xuất, và tự nhiên những người mang số lẻ lại thiệt hơn đôi chút. Chẳng phải thế sao? Vì xe biển chẵn được đi vào các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 6, nghĩa là có tới 3 ngày làm việc nghiêm túc. Còn xe biển số lẻ lại "chỉ" được đi vào thứ 3, thứ 5, thứ 7, trong khi rõ ràng ngày nay không còn nhiều công sở hay tư sở hoạt động thứ bảy, có chăng cũng chỉ làm việc vào buổi sáng. Vậy là người "bị" có xe số lẻ thành không may mắn bằng người có xe số chẵn.
Kể cả khi những người có xe số lẻ đành "ngậm đắng nuốt cay" chấp nhận thiệt thòi hơn người có xe số chẵn để vì mục tiêu chung, thì câu hỏi tiếp theo phải đặt ra là, trong những ngày ô tô cá nhân không được lưu thông, những người lẽ ra phải đi ô tô vào nội thành sẽ đi vào nội thành bằng gì? Phương tiện công cộng thì vừa không đủ tiện nghi, vừa rõ là thiếu thốn, rồi đi lại cực kỳ bất tiện, không thể đáp ứng nhu cầu của những người "lẽ ra sẽ đi ô tô". Không lẽ lại mua thêm một xe máy để đi lại vào những ngày không được đi ô tô? Còn nếu tất cả những người đó chuyển sang đi taxi thì hỡi ôi, không dám tưởng tượng số tiền phải bỏ ra mỗi tháng sẽ nhiều hơn biết bao nhiêu với những người phải đi lại nhiều, rồi còn đưa đón con đi học chẳng hạn? Không đi ô tô mà lại đi taxi thì tình trạng giao thông cũng chẳng khá hơn là bao?
Không khéo lại xuất hiện tình trạng "chạy biển số xe" để mỗi gia đình có cơ may có đủ cả xe biển chẵn và biển lẻ, chứ ngộ nhỡ nhà nào không may toàn xe biển chẳn (hoặc biển lẻ) thì không biết phải xoay sở làm sao trong những ngày cả nhà không được đi ô tô? Còn nếu chạy được biển số xe chẵn hay lẻ, khéo những người có điều kiện lại mua luôn 2 ô tô để ngày nào cũng đi ô tô được, thì lợi bất cập hại, chẳng hạn chế được lượng xe lưu thông, mà còn phung phí nguồn lực vào việc mua 2 xe nhưng chỉ dùng mỗi xe một nửa.
Ấy là chưa kể khi quy định có hiệu lực, không biết sẽ triển khai lực lượng kiểm tra xe vào nội thành thế nào cho chuẩn xác, để đảm bảo ngày chẵn chỉ có xe biển chẵn, ngày lẻ chỉ có xe biển lẻ, chứ không có những người... đi lén?
Trong khi đó, đọc tiếp thông tin (vẫn ở bản tin khá vắn tắt đó), lại thấy lãnh đạo Sở GTVT cho biết, "mỗi ngày TP.HCM có hàng ngàn xe đăng ký mới, nhưng diện tích dành cho giao thông quá thấp, không có khả năng tăng lên". Khẳng định diện tích dành cho giao thông không có khả năng tăng lên, mà vẫn mỗi ngày cấp hàng ngàn xe đăng ký mới, thì tương lai giao thông của TPHCM sẽ ra sao? Quy định biển chẵn, biển lẻ, giả sử phát huy đúng tác dụng, cũng chỉ hiệu quả trong một thời gian ngắn (vì lượng xe tăng lên mỗi ngày), không lẽ sau đó lại tiếp tục cấm đoán kiểu "xe biển số kết thúc bằng số 0, 1 sẽ được vào thứ 2, biển số 2, 3 được đi vào thứ 3..." thì đúng là...
Nhớ lại từ năm 2002, Hà Nội cũng từng có đề xuất phân biệt xe biển chẵn, biển lẻ, thưở đó là với xe máy, nhưng đã bị dư luận phản đối kịch liệt, nên đề xuất vẫn chỉ hoàn đề xuất. Để gần 10 năm sau, TPHCM lại dũng cảm đưa ra một đề xuất tương tự, chỉ với loại phương tiện cao cấp hơn thôi.
Trong khi đó, từ khá lâu rồi, đã có ý kiến chuyên gia phân tích về cách "xử lý" lượng xe lưu thông rất thông minh của Singapore như một đề xuất để Việt Nam tham khảo. Theo đó, tùy thuộc vào điều kiện hạ tầng giao thông của mỗi thành phố, chính quyền sẽ quyết định lượng xe được lưu thông trên đường phố trong mỗi năm, và cung cấp đúng bấy nhiêu giấy phép. Những người nhanh chân mua được giấy phép mới được lái xe, còn người không có giấy phép thì xin mời cho xe nghỉ, khỏi phải quan tâm xe biển chẵn với biển lẻ, ngày lẻ hay ngày chẵn. Dĩ nhiên, điều kiện tiên quyết để những chính sách hạn chế xe cá nhân có thể phát huy là thành phố phải có hệ thống giao thông công cộng đủ công suất, hiện đại và thuận tiện cho mọi người dân. Tin rằng khi đó, chẳng cần cấm đoán, rất nhiều người dân cũng tự nguyện đi phương tiện công cộng để đỡ căng thẳng, mệt mỏi với tắc đường, lại đỡ được lo âu với chuyện xăng tăng giá - vốn cũng là một chủ đề nóng của tuần này.
Giữ giá 10 năm bỏ... một ngày!
TPHCM tuần qua không chỉ "nóng" hơn Hà Nội về thời tiết, mà còn nóng hơn vì đề xuất xe biển chẵn biển lẻ và "cuộc chiến" giữa trường học với cao ốc. Theo thông tin trên báo Sài Gòn tiếp thị, Sở Xây dựng đã cấp phép cho chi nhánh Ngân hàng Công thương tại TPHCM xây cao ốc 6 tầng tại khu đất vàng 112 Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3, TPHCM) trước đó đã được UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan chức năng lên phương án di dời tổng thể (cả các hộ dân và ngân hàng) để mở rộng trường Lê Quý Đôn. Giấy phép tưởng vô lý của Sở Xây dựng sau đó đã được chính UBND thành phố đồng ý, tuy có "hạ độ cao" thành 4 tầng và kèm thêm yêu cầu rất "lý thuyết" là "không được phá vỡ cảnh quan đô thị".
Câu hỏi đầu tiên phải đặt ra là, vì sao UBND TPHCM lại "tiền hậu bất nhất", thay đổi chính quyết định rất đúng đắn của mình trước đó? Trong suốt những năm 2003, 2005, 2007, UBND và HĐND thành phố đã luân phiên có những chỉ đạo kiên quyết thu hồi các diện tích đất thuộc khuôn viên các trường học bị chiếm dụng vào các mục đích ngoài giáo dục. Cuối năm 2010, UBND thành phố còn xếp trường Lê Quý Đôn trong danh sách 168 công trình, địa điểm đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa. Kiên cường trong cả một thập kỷ, vì lý do gì mà sang năm 2011, TPHCM lại thay đổi quan niệm?
Lý do được UBND thành phố đưa ra là "Nguyên nhân một phần là do hiện nay TP.HCM không còn vốn ngân sách để giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng trường tại khu đất trên. Khi nào TP.HCM có đủ nguồn kinh phí sẽ thu hồi và tiến hành mở rộng trường Lê Quý Đôn".
|
Khu đất vàng 112 Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3, TPHCM). |
Không thể không băn khoăn về nguyên nhân rất kỳ lạ này. Nếu TPHCM thật sự không còn đủ ngân sách để giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng trường tại khu đất trên, vì sao lại cho ngân hàng được quyền phá đi xây cao ốc? Chưa có ngân sách để di dời, thì ngân hàng cứ tiếp tục làm việc trong tòa nhà cũ, chờ đến khi thành phố có tiền thì di dời, chứ giờ cho họ phá đi xây cao ốc, sau này TPHCM có tiền để thu hồi lại phải trả thêm tiền xây cao ốc thì sao?
TPHCM cho ngân hàng công thương xây trụ sở mới trên mảnh đất lẽ ra phải di dời để trả lại cho trường học, vậy còn 4 hộ dân đang ở tại tòa biệt thự hai tầng cũng thuộc khu đất 112 Nguyễn Thị Minh Khai thì sao? Thành phố có tiền để di dời họ chưa, hay cũng vì chưa có tiền nên họ vẫn tiếp tục ở, và tới đây họ cũng lại "theo gương" ngân hàng công thương để sửa sang lại nhà ở của mình, chờ khi nào thành phố có tiền sẽ thu hồi sau?
UBND bảo khi nào có đủ nguồn kinh phí sẽ thu hồi, xin hãy nói rõ hơn là khi nào? và kinh phí là bao nhiêu? để xem người dân thành phố sẽ "hiến kế" gì cho thành phố có thể thu hồi sớm hơn, trả lại đất cho ngôi trường đã là một trong những điểm nhấn đẹp của thành phố.
Chưa kể, theo ý kiến của KTS Nguyễn Trường Lưu trên Sài Gòn tiếp thị, mảnh đất này thuộc đất của thành phố, nên việc giải tỏa đền bù sẽ không mấy khó khăn. KTS Nguyễn Trường Lưu cũng đưa ra một đề xuất rất cụ thể, hãy để chính trường Lê Quý Đôn thuê khu đất trên, thay vì cho Ngân hàng công thương thuê.
Thay vì điều chỉnh lại quyết định chưa đúng của Sở Xây dựng, tiếc thay, UBND lại đi ngược lại với định hướng của chính mình suốt gần chục năm qua.
Về phía Ngân hàng công thương, dù tòa nhà ngân hàng đang sử dụng không phải là nhà biệt thự cần bảo tồn, nhưng ngân hàng không thể không biết khu đất mà mình đang tọa lạc thuộc khuôn viên trường Lê Quý Đôn, trước sau gì cũng phải trả lại, sao còn "cố đấm ăn xôi" để xây cao ốc trên đó? Vẫn biết với ngân hàng, lợi ích kinh tế là quan trọng nhất, nhưng xin đừng vì lợi ích trước mắt mà làm xấu hình ảnh lâu dài khi bị "gắn mác" không coi trọng chủ trương của thành phố, không coi trọng giáo dục, trong mắt người dân.
Rộng hơn, câu chuyện cụ thể của sự tranh chấp giữa một ngôi trường và một cao ốc dành cho ngân hàng, nếu thành phố vẫn giữ quyết định bênh vực ngân hàng như hiện tại, nghĩa là bênh vực người làm ra nhiều tiền hơn (trước mắt), sẽ gián tiếp phát ra thông điệp của một thành phố coi trọng phát triển kinh tế hơn sự đầu tư lâu dài cho giáo dục, và sự bảo tồn một không gian văn hóa - lịch sử có ý nghĩa.
Không thể không liên tưởng đến Hà Nội với kế hoạch di dời các trường đại học ra khỏi nội thành, và nỗi lô âu của nhiều người có tâm, liệu những khu đất vàng ấy sẽ được sử dụng cho mục đích gì?
Bài văn nổi tiếng bất đắc dĩ và cái nhìn nhân văn
Sự kiện thứ ba được chọn để bình luận tuần này là bài văn lạc đề của nữ sinh đất Cảng, học sinh lớp 12 của trường Ngô Quyền khi tham gia cuộc thi thử môn văn tại trường THPT Năng khiếu Trần Phú. Một tuần sau khi gây xôn xao đất Cảng, toàn văn bài viết đã được đưa lên một vài báo mạng, khiến độ lan truyền còn rộng hơn.
Được viết ra trong 3 tiếng của một môn thi, dài hơn 2.800 chữ, tràn kín 10 trang giấy, gây ấn tượng mạnh nơi người đọc, bấy nhiêu thông số đã cho thấy tác giả phải là người viết văn rất giỏi, dù có là viết ra câu chuyện của chính mình. Mỗi người khi đọc câu chuyện sẽ có những cảm nhận riêng của chính mình về hay - dở, thật - giả, đáng trách - đáng tôn trọng và thông cảm.
Những người có khuynh hướng bảo thủ sẽ bị "sốc", phê phán tác giả là "đặc tả tình thầy trò quá mức cho phép", "trái với đạo đức thầy - trò", "vi phạm thuần phong mỹ tục"... thậm chí họ sẽ có thêm một dịp để phê phán lớp trẻ nói chung, thậm chí gán ghép cho các em là mong được nổi tiếng nên tạo scandal...
Nhưng thật may mắn vì bên cạnh những người bảo thủ, vẫn còn rất nhiều độc giả ở đủ các lứa tuổi nhìn câu chuyện khách quan hơn, cởi mở hơn, để chia sẻ sự thông cảm với cô bé. Với họ, đây là một câu chuyện hết sức cụ thể, những nhìn nhận các vấn đề cuộc sống của một cô bé ở tuổi 18. Những người hoàn toàn tin câu chuyện có thật thì thấy xót xa vì một số phận đã trải qua tuổi thơ nhiều nỗi đau tinh thần, khiến em bước vào tuổi 18 chông chênh và trống vắng, và họ mong em hãy đứng lên để vượt qua nỗi đau. Những người đọc bài văn như một câu chuyện hư cấu thì khen khả năng viết văn của tác giả.
Nhà văn Trần Thùy Linh thì đánh giá "một câu chuyện tràn đầy cảm xúc và đau đớn", và cách bà cảm nhận câu chuyện cũng là cách rất nhân văn: không đánh giá về người thầy, không đặt giả thiết "giá mà - nếu như" để có một cái kết khác, mà chỉ đồng cảm và chia sẻ với tác giả của câu chuyện. Chính bản thân cô bé cũng đã mong được "giấu mình" khi trải lòng viết ra câu chuyện, khi em thi với tên giả, em viết trong những dòng mở đầu rằng "Em thay lời cô bạn thân nhất của em viết nên".
Em chỉ không ngờ bài thi mà em đã ngẫu nhiên viết ra trong một kỳ thi thử ấy lại được phát tán, và lại gây xôn xao đến thế, lại bị dư luận mổ xẻ một cách "nghiêm trọng" đến vậy. Nhưng đúng như nhà văn Thùy Linh chia sẻ, "Nếu chúng ta đọc với con mắt của yêu thương, chia sẻ, không phê phán thì có thể sẽ thấy một câu chuyện thật sự đã xảy ra mà cô bé muốn tâm sự với chúng ta... Còn khi chúng ta mang theo kinh nghiệm, hiểu biết riêng, quan niệm riêng, ứng xử riêng của mình khi đọc thì sẽ khiến câu chuyện bị méo mó đi theo chiều hướng mà chúng ta muốn, chúng ta nghĩ...".
Em không may mắn vì dư luận vẫn quen với việc mổ xẻ chuyện của người khác theo quan niệm ứng xử của riêng mình - dù chỉ là quan niệm về mặt lý thuyết, chứ bản thân người đọc chưa trải qua hoàn cảnh sống như thế.
Nhưng em lại may mắn vì là học sinh của trường THPT Ngô Quyền, nơi các giáo viên đều là những người tâm lý. Cách cô hiệu trưởng Nguyễn Hồng Thúy xử lý câu chuyện, hỏi kỹ nữ sinh để phân biệt những gì là thực, những gì là hư cấu trong câu chuyện (trong đó có chi tiết có quan hệ với thầy giáo rồi có bầu), để dư luận hiểu và có cái nhìn khách quan hơn với một nữ sinh vốn giỏi viết văn, đã có nhiều truyện được đăng báo. Rõ ràng, chính chi tiết hư cấu ấy đã là tâm điểm khiến em bị một luồng dư luận phê phán, cách hư cấu "táo bạo" như cô Cao Tố Nga, hiệu phó nhà trường, giáo viên dạy văn của em cho biết "Chẳng phải đây là lần đầu, một số truyện mình biết, em cũng viết kiểu "táo bạo" như vậy".
Rồi nữa, cách các giáo viên trong trường cùng nhau giúp cô bé đang bị sốc vượt qua nỗi đau, ngăn cản học sinh trong trường phát tán bản photo bài văn thêm nữa. Đọc những chia sẻ của các giáo viên trong trường trên VietNamNet, thấy ấm lòng và tin rằng em sẽ sớm bình tâm trở lại. Cũng mong sau câu chuyện nổi tiếng bất đắc dĩ này, dư luận sẽ có cái nhìn khách quan hơn với từng câu chuyện, từng tình huống của từng cá nhân cụ thể.
Khánh Linh
TUẦN VIỆT NAM
|