Thị trường chứng khoán: Ánh sáng cuối đường hầm
Ông là dân tài chính, từng ngồi ở vị trí tổng giám đốc một ngân hàng lớn. Từ khi nghỉ hưu, ông đầu tư chứng khoán dài hạn và suốt những năm qua chưa bao giờ lỗ. Mấy tuần vừa rồi ông mua vào 500.000 cổ phiếu S, trở thành cổ đông lớn của công ty. Thanh khoản thị trường yếu, ông gom nhặt từng ngày, kiên nhẫn chỉ mua ở mức giá đã xác định.
Sống bằng cổ tức
Ông giải thích: “Cổ phiếu tôi mua có thị giá 25.000 đồng, chuẩn bị trả cổ tức năm 2010 30% bằng tiền mặt, tính ra 12%/năm trên mệnh giá. Cổ tức này gần bằng lãi suất tiết kiệm, đủ cho người sở hữu “sống” được với thị trường, chờ VN-Index phục hồi”. Ngày hôm sau ông thêm: “Vừa đại hội cổ đông, quyết định năm sau cũng trả cổ tức tiền mặt 30% nữa. Thế là khỏe!”.
Đúng là bây giờ có một lớp những nhà đầu tư như ông. Họ chọn những doanh nghiệp có chỉ số cơ bản tốt, thị giá đang thấp hơn giá trị sổ sách, vẫn làm ra lợi nhuận và chia sẻ, giữ chân cổ đông bằng cổ tức tiền mặt. Trong lớp đó, có những nhà đầu tư bảo thủ, kỹ tính. Họ lọc ra những doanh nghiệp có nhiều tiền mặt gửi ở ngân hàng cho chắc ăn. Giá trị vốn hóa của không ít công ty đang thấp hơn số tiền mặt gửi ở ngân hàng, chưa kể nhà xưởng, trụ sở, máy móc…Bất quá trong trường hợp thị trường “sập”, công ty giải thể, vẫn còn cục tiền mặt chia cho cổ đông, chắc chắn không lỗ.
“Ông có nghĩ rằng giá cổ phiếu sẽ còn rẻ hơn không? Lạm phát 3,32% của tháng 4 chắc gì đã ở đỉnh? Lãi suất đang cao…”. “Cái sự rẻ là vô cùng và không đoán định được. Với tôi giá hiện nay đã đủ rẻ và tôi chấp nhận nó. Nếu nó không rẻ hơn, tôi có lời. Nếu nó rẻ hơn chưa chắc tôi lỗ vì tôi đã có cổ tức để “sống” 12 -18 tháng và trong thời gian ấy thị trường không thể xuống mãi được” – ông suy tính. Đó phải chăng là sự đầu tư khôn ngoan của người đã từng 20 năm ngồi ở ngân hàng?
Những quầng sáng
Bất chấp sự lao dốc của chứng khoán trên cả hai sàn vẫn có những doanh nghiệp tăng trưởng mạnh về lợi nhuận. Công ty cổ phần nhà Từ Liêm (NTL-Hsx) năm ngoái đạt lợi nhuận trước thuế gấp 2,5 lần vốn điều lệ, năm nay dự kiến lợi nhuận cũng không thấp hơn mức đó. Những công ty bất động sản theo nguyên tắc hạch toán tài chính thận trọng đã bán sản phẩm, thu tiền của khách hàng, nhưng chưa đưa vào lợi nhuận, dẫu năm nay thị trường đóng băng, vẫn có lợi nhuận sẵn. Đơn giản hơn, có những công ty tận dụng giai đoạn thị trường bất động sản trầm lắng, đẩy nhanh việc đầu tư hạ tầng các dự án. Các quí trước mắt có thể họ không có lợi nhuận. Tuy nhiên khi dự án hoàn tất, họ đón đầu sự khởi sắc của thị trường và khả năng lợi nhuận đột biến không phải không có cơ sở. Chỉ cần nhìn giá trị cổ phiếu dài hạn hơn sẽ thấy chứng khoán không đến nỗi ảm đạm đến mức mất hết hy vọng.
Và dưới đống lá mục của “mùa đông” chứng khoán đã thấy những quầng sáng thắp lửa cho mùa xuân. Những doanh nghiệp tầm cỡ nhất trên sàn thuộc ngành ngân hàng và ngân hàng hàng đầu Vietcombank có kết quả kinh doanh quí 1-2011 ngoạn mục. Nguồn tin từ Vietcombank nói với TBKTSG ba tháng đầu năm ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 1.775 tỉ đồng sau khi đã trích dự phòng rủi ro 450 tỉ đồng. Đây là mức lợi nhuận quí cao nhất của Vietcombank trong vòng 50 năm qua. Kinh doanh ngoại hối đang được cải thiện và ngay cả khi tăng trưởng tín dụng chậm lại, Vietcombank vẫn có thể vươn tới mức 6.000 – 7.000 tỉ đồng lợi nhuận năm nay.
Các ngân hàng cổ phần cũng có lợi nhuận khả quan. Lợi nhuận quí 1 của Eximbank tới 1.057 tỉ đồng (so với kế hoạch năm 3.000 tỉ đồng), của ACB khoảng 900 tỉ đồng. Lợi nhuận của Quân đội, Techcombank, Sacombank, Đông Á đều đạt trên 25% kế hoạch năm. Với thước đo lợi nhuận như vậy, trước sau thị giá cổ phiếu ngân hàng cũng sẽ có biến chuyển bởi loại cổ phiếu này đang ở vùng giá thấp nhất kể từ khi có thị trường chứng khoán.
Nhấp nháy tín hiệu giảm lãi suất
Điều kiện đầu tiên để vực dậy chứng khoán là lãi suất. Lãi suất chưa giảm và có thể đứng ở mức cao thêm một thời gian, nhưng tín hiệu để lãi suất hạ nhiệt đã được nhìn thấy. Từ cuối tuần trước lượng ngoại tệ ngân hàng mua được từ doanh nghiệp và dân cư tăng vọt, đồng thời lượng tiền đồng gửi vào ngân hàng cũng tăng lên. Sự chuyển dịch tiết kiệm từ ngoại tệ sang đồng Việt Nam đã diễn ra nhanh hơn dự kiến và cũng mạnh hơn dự kiến. Từ tháng 5-2011 có thể tốc độ chuyển dịch còn mạnh hơn một khi văn bản pháp qui về việc ngân hàng ngưng huy động và cho vay vàng được ban hành. Tiền đồng vào nhiều trong khi đầu ra không theo kịp vì đã có ba ri e tăng trưởng tín dụng tối đa 20%, lãi suất giảm là chuyện sẽ phải xảy ra.
Như vậy tiền đồng trong lưu thông sẽ được hút vào ngân hàng. Để tiếp tục chống lạm phát, giảm cung tiền đồng, lãi suất trái phiếu Chính phủ có thể được tăng lên và dự trữ bắt buộc tiền đồng cũng có thể lên thêm một vài phần trăm. Tuy nhiên điều này không thể kéo quá dài, và cũng sẽ không ảnh hưởng đến thanh khoản các ngân hàng một khi vốn huy động tiền đồng đã ở một trạng thái khác.
Ở một góc độ khác, giá xăng, giá điện có thể còn tăng, nhưng điểm nhấn là giá xăng đã được chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường. Giá điện cũng sắp theo cơ chế thị trường từ tháng 6-2011. Chúng ta đã đi qua thời điểm của sự tác động mạnh vào lạm phát của việc chuyển đổi cơ chế vận hành những hàng hóa thiết yếu đó.
Chứng khoán luôn đi trước nền kinh tế. Không có lý gì chứng khoán không thể phục hồi một khi nhà đầu tư nhìn thấy phía trước tín hiệu giảm lãi suất đang nhấp nháy. Vào lúc chỉ số CPI chính thức đi xuống, lãi suất tiết kiệm trên bảng điện tử của các ngân hàng về mức 10-12%/năm, có thể thị giá cổ phiếu đã ở cuối đường hầm, nơi cửa mở là ánh sáng!
Hải Lý
TBKTSG
|