Chứng khoán trong cơn bĩ kịch
Diễn biến teo tóp từng ngày của thị trường chứng khoán khiến nhà đầu tư lạc quan nhất cũng mất dần kiên nhẫn.
|
Thị trường đang lặp lại tình cảnh của năm 2008: Giá cổ phiếu giảm mạnh, nhiều công ty chứng khoán lỗ lã, nguồn cung cổ phiếu ngập tràn còn nhà đầu tư thì thờ ơ và bi quan. |
Ảm đạm và èo uột là những từ chính xác nhất để miêu tả thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay. Xét chỉ số, VN-Index đã giảm 5,3% so với cuối năm ngoái. HNX-Index giảm mạnh hơn, gần 27%. Tuy nhiên, nếu không có sự “đỡ giá” từ một số cổ phiếu có vốn hóa lớn như Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Masan (MSN), VN-Index đã rớt xuống mức 380-400 điểm, chứ không phải 460 điểm như hiện nay. Trên thực tế, biến động của VN-Index đã không còn phản ánh đúng hơi thở thị trường. Trong lúc VN-Index giảm 5,3% thì nhiều cổ phiếu đã giảm giá 50-70%. Thậm chí như Dược Viễn Đông (DVD) giảm trên 350%.
Thống kê sơ bộ trên cả 2 sàn cho thấy, trong tổng số 667 mã chứng khoán đang niêm yết, có khoảng 300 cổ phiếu có giá dưới mệnh giá (10.000 đồng), tương đương gần 45%. Nhiều chứng khoán có giá cực thấp. Chẳng hạn, giá của VTA (Vitaly) ngày 21.4 là 2.700 đồng/cổ phiếu, FPC (Full Power) là 3.200 đồng/cổ phiếu, VSG (Viconship Sai Gon) 3.700 đồng/cổ phiếu…
Với việc giá cổ phiếu liên tục lao dốc từng ngày, thị trường gần như mất hẳn thanh khoản. Chỉ tính từ đầu tháng 4 trở lại đây, chưa phiên nào khối lượng giao dịch cả 2 sàn vượt 50 triệu đơn vị/phiên. Và hầu như giá trị giao dịch mỗi phiên đều dưới 1.000 tỉ đồng.
Lui về phòng ngự
Công ty chứng khoán có lẽ là đối tượng thấm thía nhất nỗi bĩ cực của thị trường. Trong số 94 công ty chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh năm 2010 (tính đến ngày 9.4), đến 39 công ty có lợi nhuận sau thuế âm, với mức lỗ tổng cộng gần 1.800 tỉ đồng. Mới đây, kết quả kinh doanh quý I/2011 của các công ty chứng khoán Âu Việt, SSI, VNDirect, Rồng Việt đều lỗ. Vì thế, dù đang dẫn đầu thị phần môi giới nhưng Công ty Chứng khoán Thăng Long chỉ dám đặt mục tiêu kinh doanh khiêm tốn cho năm 2011: 690,4 tỉ đồng doanh thu và 9,1 tỉ đồng lợi nhuận, tức chỉ bằng 52,6% doanh thu và 18,7% lợi nhuận năm 2010.
Sự u ám của thị trường cũng khiến các quỹ đầu tư bế tắc trong huy động vốn. Từ đầu năm đến nay, chưa có quỹ mới nào với mục đích đầu tư vốn cổ phần tại Việt Nam được thành lập. Riêng về hoạt động, Dragon Capital (DC), nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng chịu lỗ trước biến động của thị trường và tỉ giá. Cuối tháng 3, giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ VEIL (thuộc DC) giảm 13,93% so với đầu năm, còn 356,89 triệu USD; NAV của Quỹ VGF cũng giảm 12,39% còn 199 triệu USD.
Quỹ đầu tư nước ngoài mạnh vốn, nhiều kinh nghiệm mà còn lao đao khiến giới đầu tư trong nước càng có lý do để đắn đo. Thế nên, dù nhiều cổ phiếu rớt giá mạnh, đủ hấp dẫn để mua vào nhưng chiến lược giữ tiền mặt, gửi tiết kiệm với lãi suất 16-17%/năm vẫn được nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn. Ngay các công ty chứng khoán cũng ra sức đảm bảo tỉ lệ tiền mặt lớn trong danh mục, không mua thêm cổ phiếu mà tìm cách cắt lỗ. Chẳng hạn, trong báo cáo tài chính quý I/2011, SSI đã giảm giá trị đầu tư ngắn hạn gần 600 tỉ đồng so với thời điểm 31.12.2010. Cùng đó, mức trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán của SSI cũng tăng từ 227 tỉ đồng lên 344 tỉ đồng.
Sự ảm đạm của thị trường chứng khoán cũng cản trở doanh nghiệp huy động vốn. Dầu khí Anpha (ASP), Văn hóa Phương Nam (PNC) đành để ngỏ kế hoạch tăng vốn, dù trước đó Ban Quản trị đã dự trù sẽ trình cổ đông thông qua vấn đề này. Những doanh nghiệp được cổ đông đồng ý kế hoạch tăng vốn như Pomina, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng phải cam kết sẽ chọn thời điểm thích hợp.
Huy động vốn đã khó khăn, doanh nghiệp còn phải chịu sức ép chia cổ tức. Hiện tại nhà đầu tư hầu như đều trông đợi vào cổ tức để vớt vát lại những thua lỗ do cổ phiếu rớt giá. Tại đại hội cổ đông của nhiều doanh nghiệp như PNC, Nhựa Tân Tiến (TTP), phần lớn thời gian là để bàn luận việc chia cổ tức. Nhà đầu tư muốn cổ tức bằng tiền mặt và tỉ lệ càng cao càng tốt. Doanh nghiệp lại băn khoăn, lợi nhuận đem chia cổ tức hết thì lấy đâu vốn đẩy mạnh hoạt động.
Chừng nào “thái lai”?
Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (4.2011), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết kinh tế toàn cầu đang “dần hồi phục”. Tuy vậy, IMF lo ngại kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đón nhận tác động tiêu cực từ khủng hoảng nợ ở châu Âu, khủng hoảng chính trị ở Trung Đông, biến động khó lường của giá dầu thô và thảm họa động đất - sóng thần - hạt nhân ở Nhật.
Vì thế, các thị trường chứng khoán chính trên thế giới từ đây đến cuối năm được dự báo sẽ đi ngang chứ không giữ được mức tăng trưởng như năm 2010. Và thông thường, nếu thị trường chứng khoán thế giới suy giảm, thị trường Việt Nam luôn “có cớ” giảm theo.
Nhìn từ trong nước, lạm phát, lãi suất và tỉ giá vẫn nóng từng ngày. Mặc dù các biện pháp hạ nhiệt đang được áp dụng nhưng sau nhiều lần chứng kiến sự “giật cục” của chính sách, doanh nghiệp và nhà đầu tư không còn dám kỳ vọng vào một sự chuyển biến tức thì.
Thị trường chứng khoán đang lặp lại tình cảnh của năm 2008. Đó là giá cổ phiếu giảm mạnh, nhiều công ty chứng khoán lỗ lã, nguồn cung cổ phiếu ngập tràn còn nhà đầu tư thì thờ ơ và bi quan. Trong cục diện xám xịt đó, không một chuyên gia nào dám dự đoán về đáy của thị trường.
Ngọc Thủy
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ
|