Tăng giá than sẽ tác động dây chuyền
Giá than vừa được điều chỉnh tăng từ 20%-40%, tùy loại nhưng theo Vinacomin, phải tăng khoảng 55% mới tiệm cận giá thị trường.
Từ ngày 1-4, Bộ Tài chính đã cho phép giá than được điều chỉnh tăng từ 20%-40%, tùy loại. Nhận được yêu cầu ký phụ lục hợp đồng tăng giá than, nhiều doanh nghiệp (DN) là khách hàng của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) không bất ngờ nhưng tỏ ra lo lắng.
Nhiều mặt hàng tăng theo
Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho biết từ ngày 1-4, các DN sản xuất xi măng đã tăng giá từ 10%-12%, mỗi tấn sản phẩm tăng thêm 120.000 đồng. Nguyên nhân tăng giá do các chi phí đầu vào đồng loạt tăng, gồm điện, xăng dầu, tỉ giá, lãi suất…
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thiện, tính chung từ năm 2008 đến nay, giá than bán cho xi măng tăng gấp 4 lần, nhiều chi phí đầu vào khác đều tăng liên tục nhưng giá xi măng chỉ tăng 30% để giữ sức cạnh tranh. Việc tăng giá từ ngày 1-4 là không thể tránh khỏi vì nếu tiếp tục giữ giá bán, DN xi măng sẽ bị lỗ và căng thẳng nhất là không có tiền trả nợ nước ngoài trong khi các khoản vay đầu tư đều đã đến hạn.
Tuy nhiên, mức tăng giá 120.000 đồng/tấn xi măng trong đợt điều chỉnh này chưa bao gồm tác động của việc tăng giá than từ ngày 1-4. Nếu tính toán đủ tác động các chi phí đầu vào, bao gồm cả giá than tăng 40%, giá thành sản xuất xi măng sẽ phải tăng thêm 22%-30%.
Trong tuần đầu tiên tăng giá, sức mua đối với mặt hàng xi măng vẫn tương đối ổn định nhưng tính chung cả năm 2011, dự báo sản lượng tiêu thụ sẽ dừng ở 53-54 triệu tấn, thậm chí có thể chỉ tiêu thụ được khoảng hơn 50 triệu tấn như năm ngoái.
Đối với ngành sản xuất giấy, ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, cho biết giá giấy cũng đã tăng khoảng 5%-7% từ ngày 1-3. Hiện nay, giá giấy in, giấy viết định lượng trên 70 g/m2 ở mức 23,1 triệu đồng/tấn, giấy in báo ở mức 14,5 triệu đồng/tấn. Giá than bán cho ngành giấy năm nào cũng tăng nhưng năm nay có biên độ điều chỉnh lớn, chắc chắn gây tác động mạnh đến DN giấy.
Ông Vũ Ngọc Bảo thông tin: Hiện nay, chỉ duy nhất Tổng Công ty Giấy Việt Nam được hưởng giá bán than cho hộ giấy, tức là giá còn bao cấp của Chính phủ do chưa điều chỉnh giá than tiệm cận giá thành, còn các DN khác đã phải mua than theo giá thị trường từ nhiều năm nay. Vừa qua, mặt hàng giấy mới chỉ điều chỉnh tăng nhẹ 5% vì nếu tăng cao hơn sẽ ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ. Do mới tăng giá nên trước mắt, khả năng tiếp tục tăng giá trong tháng 4 là khó xảy ra nhưng không thể kiềm chế được trong thời gian tiếp theo.
Mới chỉ là “bước 1”…
Theo Vinacomin, việc tăng giá than lần này mới chỉ là “bước 1”, chưa đủ bù đắp chi phí đầu vào. Nhiều năm nay, giá than bị kiềm chế không tăng nên lãi của các ngành sản xuất có tiêu dùng than đang ăn vào lợi nhuận của Vinacomin. Nếu tiệm cận giá thị trường, giá than bán cho sản xuất trong nước phải bằng 90% giá than xuất khẩu, tức là tăng 55%. Riêng giá than bán cho điện vẫn chỉ tăng 5%.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho rằng hậu quả của tăng giá than sẽ tác động xấu đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhưng vấn đề này đã được lường trước nên năm 2010, Chính phủ đã đặt mục tiêu chấp nhận giảm tăng trưởng để kiềm chế lạm phát, ổn định an sinh xã hội. Đây có thể coi là năm thực hiện giá thị trường đối với hàng loạt mặt hàng nên chi phí sẽ tăng rất mạnh.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, việc điều chỉnh giá dồn dập những tháng đầu năm gây lo ngại sẽ xảy ra một cú sốc. Nếu tăng giá chậm, điều chỉnh thành nhiều đợt sẽ tránh được sốc. Nhưng khả năng này là khó vì giá cả các mặt hàng điện, xăng dầu, than đã kiềm chế quá lâu, quá sức chịu đựng của nền kinh tế, buộc phải bung ra.
Phương Anh
Người lao động
|