Thứ Năm, 31/03/2011 22:40

Giá gas đang ở… trên trời

Giá vốn ở mức 264.000 đồng/bình 12 kg nhưng giá đến tay người tiêu dùng lên đến 343.000 - 375.000 đồng/bình, tùy hãng gas. Đầu tháng 4, giá sẽ tăng thêm khoảng 20.000 đồng/bình.

Với mức giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng từ 343.000 - 375.000 đồng/bình 12 kg, giá gas hiện đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân một phần là do giá thế giới tăng cao nhưng phần khác là do việc kinh doanh gas hiện nay qua nhiều tầng nấc nên giá bị đẩy lên khá cao, người tiêu dùng lãnh đủ.

Chia nhau “chém đẹp”

Theo tính toán từ giới kinh doanh gas, giá gas thế giới giao tháng 3 là 840 USD/tấn, cộng với các loại chi phí như vận chuyển, bảo hiểm, lợi nhuận của nhà cung cấp (70 - 80 USD/tấn), thuế nhập khẩu 2%, phí vận chuyển xe bồn (15 USD/tấn), thuế GTGT 10%... thì 1 kg gas về đến trạm chiết của nhà máy khoảng 22.000 đồng (khoảng 264.000 đồng/bình 12 kg). Tính ra giá gốc thấp hơn giá bán đến tay người tiêu dùng cả trăm ngàn đồng/bình.

Một đầu mối kinh doanh gas cho biết mức chênh lệch đó được phân chia cho nhiều tầng nấc. Cụ thể: Doanh nghiệp (DN) kinh doanh gas cộng thêm từ 25.000  - 30.000 đồng/bình gọi là chi phí nhân công, khấu hao vỏ bình. Khi giao gas cho đại lý, hãng gas còn hưởng thêm lợi nhuận từ 16.000 đồng - 30.000 đồng/bình, tùy đơn vị. Đến đại lý, họ đẩy giá lên thêm từ 40.000 - 50.000 đồng/bình để bán cho người tiêu dùng...

Giới chuyên môn cho biết điều đáng nói nữa là mức giá trên được tính theo giá gas nhập khẩu và tỉ giá USD thị trường tự do, trong khi đó, nhiều hãng gas lâu nay được mua nguồn gas khá lớn trong nước, được tính theo tỉ giá ngân hàng… nên mức giá thành còn thấp hơn khá nhiều so với mức trên. Hiện nguồn cung cấp gas trong nước từ Nhà máy Dung Quất chiếm 30%, Dinh Cố 20% và từ Tổng Công ty Khí Việt Nam 35%, tức thực tế các công ty kinh doanh gas thường chỉ nhập khẩu 15% -  20%...

Giá gas tăng thêm 20.000 đồng/bình

Theo tính toán từ các DN gas, hiện giá gas thế giới giao tháng 4 đã tăng thêm khoảng 40 USD/tấn. Phí cước vận chuyển, bảo hiểm, tiền lãi… từ nhà cung cấp cũng tăng từ 70 USD lên khoảng 100 USD/tấn. Do đó, giá gas bán lẻ trong nước từ đầu tháng 4 này sẽ tăng khoảng 20.000 đồng/bình 12 kg. Riêng những DN đã tăng giá 14.000 đồng/bình 12 kg vào ngày 26-3 vừa qua dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 5.000 - 6.000 đồng/bình...

Mức “ăn chia” như trên là đối với các hãng gas lớn, việc kinh doanh tương đối minh bạch hơn. Còn đối với các DN làm ăn theo kiểu chụp giựt, luôn tìm cách chiếm dụng vỏ bình của đơn vị khác, còn móc túi người tiêu dùng hơn nữa. Trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua, cơ quan chức năng tại TPHCM đã phát hiện gần cả chục vụ vận chuyển, kinh doanh gas “đểu”. Trong đó có nhiều bình gas bị rút ruột hơn 50% lượng gas. Riêng khoản rút ruột này họ đã bỏ túi  thêm 150.000 - 180.000 đồng/bình...

Có cớ là tăng giá

Trước đây, các công ty kinh doanh gas trong nước thường chỉ điều chỉnh giá bán lẻ vào thời điểm đầu tháng khi thị trường gas thế giới chốt giá tháng. Tuy nhiên, gần đây, bất kể thời điểm nào, mỗi khi giá thế giới rục rịch tăng,  ngay lập tức, DN kinh doanh gas trong nước đã điều chỉnh giá bán lẻ đón đầu. Và mới đây nhất, khi có thông tin nhà máy Lọc dầu Dung Quất tạm ngưng hoạt động khoảng 2, 3 tuần có thể thiếu hụt nguồn cung khoảng 15.000 tấn - 20.000 tấn gas, lập tức ngày 26-3, hàng loạt hãng gas đã tăng giá bán 14.000 đồng/bình 12 kg.

Những hãng gas tăng giá lý giải họ bị một số nhà cung cấp trong nước hủy lô hàng, cắt giảm lượng gas trong hợp đồng đã ký hoặc không giao hàng đúng tiến độ… buộc họ phải “chạy đầu này đầu kia” để kiếm nguồn hàng bổ sung nên chi phí bị đẩy lên cao…

Tuy nhiên, một số hãng gas khác như Petronas, Elf gas, Petrolimex, PetroVietnam… đã không tăng giá lúc đó vì cho rằng mức thiếu hụt trên là tạm thời và không ảnh hưởng đáng kể đến mặt bằng giá. Ông Đoàn Văn Nhuộm, Tổng Giám đốc Công ty CP Khí hóa lỏng miền Nam, cho hay không có cơ sở gì để điều chỉnh giá tăng khi nguồn cung gas Dung Quất tạm thời gián đoạn.

Ông Nguyễn Quyết Thắng, Giám đốc Công ty Kinh doanh Sản phẩm khí (đơn vị chuyên cung cấp gas nhập khẩu cho các DN kinh doanh gas trong nước), cũng quả quyết công ty vẫn bảo đảm nguồn cung ứng cho thị trường, thực hiện đúng hợp đồng đã cam kết với các DN. Trong hợp đồng có đầy đủ điều khoản về giá cả, số lượng hàng hóa (có thể tăng lên hoặc giảm xuống theo tỉ lệ nhất định). Do đó, DN cần tăng số lượng vẫn được đáp ứng theo điều khoản hợp đồng.

Gia Hưng

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Mừng vì xăng dầu... tăng giá (31/03/2011)

>   Đại lý gas ồ ạt gom hàng (30/03/2011)

>   Giá xăng dầu Việt Nam: Thấp hơn Lào, Campuchia nhưng cao hơn Mỹ (30/03/2011)

>   Khan hiếm nguồn cung gas (30/03/2011)

>   Giá xăng tăng lên 21.300 đồng/lít từ 22h00 ngày 29/03 (29/03/2011)

>   Giá dầu lên 150 USD/thùng ? (28/03/2011)

>   Bộ trưởng Iran: OPEC sẽ không tăng sản lượng dầu (27/03/2011)

>   Chống buôn lậu xăng dầu: Cần giải quyết từ gốc (26/03/2011)

>   Sẽ đóng cửa các hàng xăng dầu tiếp tay buôn lậu (26/03/2011)

>   TPHCM: Giá gas đồng loạt tăng 14.000 đồng/bình (25/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật