Thứ Bảy, 26/03/2011 10:32

Chống buôn lậu xăng dầu: Cần giải quyết từ gốc

Trong hai tháng đầu năm 2011, các ngành chức năng đã thu giữ hơn 26.000 lít xăng dầu buôn lậu qua biên giới Tây Nam. Trong đó, riêng tỉnh Tây Ninh đã tịch thu 12.545 lít, đóng cửa 2 cửa hàng xăng dầu tại gần biên giới do tái phạm.

Tuy nhiên, trao đổi với Vietnam+ ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương cho rằng, đây mới chỉ là phần nổi và thực tế số vụ xuất lậu xăng dầu qua biên giới vẫn "nóng" hơn rất nhiều và thủ đoạn cũng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.

Thực hiện bán hàng theo định lượng

Thưa ông, đâu là nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới và các đơn vị chức năng đã có những biện pháp gì để ngăn chặn tình hình trên?

Ông Nguyễn Lộc An: Trước tiên phải thấy rằng tình trạng  buôn lậu xăng dầu trên tuyến biên giới Tây Nam diễn ra phức tạp thời gian qua là do giá dầu thế giới có mức chênh lệch khá lớn với giá trong nước, có thời điểm đã lên đến 5.000- 6.000 đồng/lít.

Chỉ cần vận chuyển chót lọt qua biên giới một can xăng 30 lít thì đối tượng mang hàng thuê cũng được hưởng chênh lệch gần 2.000 đồng/lít rồi, gấp nhiều lần mức thu nhập từ nông nghiệp.

Do vậy, để giải quyết tình trạng này nhiều Tổng đại lý kinh doanh xăng dầu đã duy trì chính sách khống chế sản lượng bán của khối cửa hàng thuộc khu vực biên giới, chỉ đủ đảm bảo cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng thông thường của nhân dân, tránh việc lợi dụng để mua bán xuất lậu.

Trong khi đó, một số đầu mối khác đã thực hiện khoán sản lượng cố định hàng ngày/tuần/tháng cho cửa hàng để tổ chức bán trong phạm vi đó. Duy trì chính sách khống chế sản lượng bán của khối cửa hàng thuộc khu vực biên giới, chỉ đủ đảm bảo cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng  thông thường của nhân dân.

Với khách hàng vãng lai sẽ không bán qua can, phi mà chỉ bán bơm trực tiếp vào phương tiện vận chuyển và khi có dấu hiệu gia tăng sản lượng bất thường sẽ công bố công khai và thực hiện bán theo định lượng, kiểm soát người mua qua giấy tờ tùy thân.

Ví dụ: Công ty xăng dầu Tây Ninh đã khống chế sản lượng bán tương đối tốt tại một số cửa hàng vùng biên, năm 2008 là  121m3/ tháng thì năm 2011 chỉ là 100m3/ tháng...

Đối với các khách hàng thường xuyên, chỉ bán theo sản lượng đã đăng ký và kết hợp sản lượng bình quân theo 3 tháng liền kề để giao hàng làm nhiều lần trong tháng.

Riêng với khách hàng sử dụng trực tiếp trong sản xuất, các đại lý sẽ bán hàng theo nhu cầu thực tế theo mùa vụ có chứng minh cụ thể như yêu cầu xuất trình các giấy tờ của địa phương xác nhận, chứng minh  cho nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cho sản xuất để được mua phục vụ nhu cầu chính đáng...

Việc làm này cũng gây một số bất lợi, nhất là cho các hoạt động du lịch, nhưng thực tế là không nhiều, vì mọi nhu cầu chính đáng vẫn được giải quyết.

Nhưng thực tế có nhiều vụ nhân viên và đại lý tiếp tay cho buôn lậu thì các cơ quan chức năng sẽ tiến hành ra sao thưa ông?

Ông Nguyễn Lộc An: Biện pháp mạnh đang được áp dụng đó là thường xuyên cử các đoàn kiểm tra của Công ty xuống các vùng trọng điểm để kiểm tra giám sát hệ thống đại lý tại khu vực biên giới, nếu phát hiện buôn lậu sẽ không cung cấp xăng dầu cho các cửa hàng xăng dầu đã vi phạm buôn lậu.

Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện nhân viên cửa hàng nào vi phạm quy định hoặc có hành vi tiếp tay cho buôn lậu sẽ lập tức áp dụng chế tài xử phạt ở mức cao nhất là đuổi việc, thậm chí chuyển sang điều tra hình sự.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đầu mối sẽ phải trực tiếp ký hợp đồng hoặc yêu cầu Tổng đại lý ký hợp đồng trực tiếp với cửa hàng bán lẻ xăng dầu khu vực biên giới và các cửa hàng này sẽ không được nhập vượt định mức đề ra.

Cần tiến tới cơ chế thị trường

Đây là những việc làm trước mắt, nhưng về lâu dài Bộ Công thương sẽ có những biện pháp gì để có thể vừa hạn chế buôn lậu đồng thời vẫn có thể phục vụ chính đáng nhu cầu cùa người dân?

Ông Nguyễn Lộc An: Đúng vậy, việc quy hoạch đã giao cho các địa phương rồi nhưng cái mà các cơ quan chức năng đang làm là tập trung vào vấn đề xây dựng qui chế về kinh doanh xăng dầu biên giới.

Trong đó sẽ hạn chế việc phát triển xây dựng các cửa hàng xăng dầu dọc trên đường biên không nhằm mục đích cung cấp nhiên liệu cho phát triển sản xuất, tiêu dùng tại địa phương mà sẽ lấy các doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo.

Nhưng vấn đề gốc rễ ở đây cần được tháo gỡ đó là phải từng bước thực hiện việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo cơ chế thị trường như qui định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính Phủ về kinh doanh xăng dầu, một khi giá trong nước còn vênh quá cao so với các nước lân cận thì có đem hết lực lượng cũng không đủ để ngăn chặn được các đối tượng buôn lậu.

Tuy nhiên, việc tăng giá cũng phải gắn với những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo và cận nghèo như cách đang áp dụng với giá điện hiện nay.

Có như vậy thì người tiêu dùng mới có ý thức hơn trong việc sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn nguyên liệu này, trong khi đó những chính sách điều hành xăng dầu của nhà nước vẫn đạt được hiệu quả là thu được thuế, còn doanh nghiệp cũng không phải rơi vào cảnh liên tục kêu lỗ như thời gian qua.

Xin cảm ơn ông./.

Đức Duy

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Sẽ đóng cửa các hàng xăng dầu tiếp tay buôn lậu (26/03/2011)

>   TPHCM: Giá gas đồng loạt tăng 14.000 đồng/bình (25/03/2011)

>   Cả ngàn bình gas có vấn đề (22/03/2011)

>   Phải nhập thêm 300.000 tấn xăng dầu (22/03/2011)

>   Không lo thiếu xăng khi Dung Quất ngừng sản xuất (21/03/2011)

>   Sản lượng than tiêu thụ thấp (20/03/2011)

>   Kinh doanh xăng dầu: Ngóng cơ chế thị trường đầy đủ (16/03/2011)

>   Sẽ quy hoạch kinh doanh xăng dầu dọc biên giới (16/03/2011)

>   Giá than xuất khẩu tăng từ 8-22% (15/03/2011)

>   Đề xuất tăng giá xăng dầu để hạn chế xuất lậu (14/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật