Cả ngàn bình gas có vấn đề
Cơ quan chức năng phát hiện vụ chiếm dụng, hoán cải khoảng 2.000 vỏ bình gas rất nguy hiểm nhưng sau cả tháng trời vẫn chưa xử lý.
Ngày 22-3, Chi hội Gas miền Nam (Hiệp hội Gas Việt Nam) tổ chức họp báo thông tin về tình hình buôn bán gas “dỏm” và tình trạng chiếm dụng vỏ bình đang rất nghiêm trọng hiện nay.
Chiếm dụng vỏ bình để hoán cải
Theo báo cáo từ các công ty gas, sau nhiều tháng theo dõi, họ đã phát hiện có nhiều xe tải chở vỏ bình của nhiều thương hiệu gas đưa vào Nhà máy Đông Phương thuộc Công ty CP SX TM DV Cơ khí Đông Phương (Khu Công nghiệp Nhị Xuân, huyện Hóc Môn - TPHCM). Trước hiện tượng không bình thường này, ngày 22-2, các công ty gas đã liên hệ với QLTT huyện Hóc Môn để đơn vị này tiến hành kiểm tra và phát hiện tại nhà máy này đang có khoảng 2.000 vỏ bình gas của hàng chục thương hiệu gas lớn. Tuy nhiên, vụ việc đến nay đã trọn một tháng nhưng vẫn chưa được xử lý...
Cũng theo Hiệp hội Gas, ngày 24-2, đại diện các công ty gas liên quan đã được QLTT huyện Hóc Môn mời đến để xác minh số vỏ bình phát hiện tại nhà máy Đông Phương. Tại hiện trường, hàng ngàn vỏ bình gas bày la liệt, trong đó, rất nhiều vỏ bình đã bị đốt cháy đen lớp sơn bên ngoài; nhiều vỏ bình cũng đã bị cắt đầu, cắt đế để xóa nhãn hiệu, kiểu dáng. Tại một nhà kho trong khu vực nhà máy, đại diện các công ty gas còn phát hiện nhiều vỏ bình mang thương hiệu của doanh nghiệp mình nhưng đã bị cắt đôi, mài cả logo dưới chân đế…
Với bằng chứng rõ ràng tại hiện trường, ông Lý Hứa Bình, Giám đốc Công ty CP SX TM DV Cơ khí Đông Phương (gọi tắt là Công ty Đông Phương), cho rằng hàng ngàn vỏ bình hiện diện tại nhà máy là do hàng hợp đồng gia công cho các doanh nghiệp hoặc hàng do công ty TBD, công ty NV… gửi. Tuy nhiên, đại diện Công ty Gas Thủ Đức (đơn vị có nhiều vỏ bình bị chiếm dụng) cho rằng Thủ Đức Gas không hề có bất cứ hợp đồng hay ủy quyền gì cho công ty TBD gửi hàng vào kho của Công ty Đông Phương. Nhiều vỏ bình của Thủ Đức Gas cũng bị tháo van đầu bình để chuyển thành sản phẩm của hãng khác.
Còn tiếp tục điều tra, xác minh...
Để tìm hiểu tiến độ giải quyết vụ việc hoán cải và chiếm dụng vỏ bình gas nói trên, chiều 22- 3, chúng tôi liên hệ với Cơ quan QLTT huyện Hóc Môn - TPHCM. Ông Lê Văn Pho, Phó đội trưởng Đội QLTT huyện Hóc Môn, cho biết vụ việc đang được tiến hành điều tra tiếp, chưa thể xác định bên nào đúng hoặc sai. Sở dĩ chưa có kết quả là do vụ việc liên quan đến quá nhiều nhãn hiệu gas nên phải mất khá nhiều thời gian để điều tra, xác minh vụ việc giữa các bên liên quan. |
Tương tự, đại diện Công ty CP Năng lượng Đại Việt (chủ sở hữu thương hiệu Vinagas), đại diện Công ty Cội Nguồn (thương hiệu Origin Gas) cũng cho rằng không có bất cứ hình thức hợp đồng, liên kết nào liên quan đến Công ty Đông Phương. Đại diện Công ty TNHH Total Gas Việt Nam (sở hữu thương hiệu Total Gas, Saigon Gas) cũng khẳng định: “Total Gas Việt Nam không dính líu gì đến Công ty Đông Phương hay TBD hoặc NV. Nhiều bình gas của công ty đang bị đốt cháy lớp sơn là do bị chiếm dụng, hoán cải thành thương hiệu khác là vi phạm pháp luật”...
Nhiều hãng gas cho rằng số bình gas của họ bị đưa vào kho của Công ty Đông Phương là hành vi chiếm dụng vỏ bình, hoán cải thành bình gas của thương hiệu khác. Bà Lê Thị Anh Mẫn, Chủ tịch Chi hội Gas miền Nam đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, cho biết vụ việc đã được chi hội gửi văn bản đến cơ quan chức năng đề nghị sớm điều tra và truy tố các đối tượng có liên quan ra trước pháp luật.
Những “trái bom” nổ chậm
Cũng theo bà Lê Thị Anh Mẫn, tính đến thời điểm này, các công ty kinh doanh gas đã đưa ra thị trường khoảng hơn 10 triệu vỏ bình nhưng trong đó có đến hơn 3 triệu vỏ bình bị các đơn vị, cá nhân khác chiếm dụng. Đặc biệt, số vỏ bình bị chiếm dụng này (đã bị hoán cải thành thương hiệu khác) đã không được kiểm định trong nhiều năm qua nên chất lượng không còn bảo đảm, rất nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Để hoán cải vỏ bình gas, đơn vị chiếm dụng thường mài bỏ logo, cắt tai xách, cắt đế vỏ bình, sau đó hàn tai xách, đế khác làm vỏ bình bị mỏng và biến dạng kết cấu. Một thủ đoạn khác đang rất phổ biến là đốt nóng vỏ bình, sau đó dùng thiết bị ép để xóa bỏ logo đắp nổi hoặc cưa đôi vỏ bình để xóa logo đắp nổi bên trong thành bình rồi hàn lại... Các cách làm này là vi phạm kỹ thuật an toàn, làm thay đổi kết cấu chất liệu hợp kim vỏ bình, có thể gây nổ bình gas bất cứ lúc nào.
Nguyễn Hải
người lao động
|