“Sóng ngầm” thâu tóm doanh nghiệp
|
TTCK sụt giảm đã thúc đẩy làn sóng thâu tóm doanh nghiệp |
Giấc ngủ đông khá dài của thị trường con gấu đã khiến nhiều chứng khoán trở nên khá rẻ trên cả hai sàn. Tính ra, chưa kể đến yếu tố cơ hội, mua các cổ phiếu này bây giờ còn có lợi hơn những người góp vốn, cổ đông sáng lập ban đầu. Các NĐT lớn đang tận dụng cơ hội này. Không phải tất cả, nhưng một làn "sóng ngầm" thâu tóm DN đang diễn ra.
ĐHCĐ mới đây của doanh nghiệp xây lắp X đã thông qua kế hoạch tăng vốn từ hơn 300 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng bằng phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Sự việc đáng quan tâm bởi phương án phát hành với mốc thời gian khá mơ hồ và mục đích huy động vốn không thể chung chung hơn: Việc phát hành dự kiến tiến hành trong vòng 1 năm kể từ ngày ĐHCĐ thông qua và số tiền thu về được đầu tư cho máy móc thiết bị, các công ty thành viên, bổ sung nguồn vốn lưu động... Đâu là động cơ thực sự phía sau động thái này?
Thâu tóm và tự vệ
Theo báo cáo tài chính mới nhất của X, vào ngày 31/3 vừa qua, Công ty đang có gần 320 tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng và 562 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn, 446 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần, 200 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển, 325 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối… Tổng các khoản vay nợ ngắn và dài hạn của Công ty chỉ là 600 tỷ đồng. Với nhu cầu và kế hoạch sử dụng vốn chưa rõ ràng, đặc biệt thị trường đang ở giai đoạn không chiều lòng người bán, tại sao X vẫn quyết tâm huy động vốn?
Ngược dòng thời gian về cách đây 1 năm, X đang là nhà thầu chính cho dự án BĐS lớn của một Công ty BĐS lớn (Y). Một ngày, X bỗng phát hiện đối tác đang thu gom cổ phiếu của chính công ty mình từ hai nguồn, CBCNV và trên sàn! Sự việc đáng quan tâm bởi lẽ Y đã từng thâu tóm thành công 2 DN niêm yết khác và cũng đang có các động thái tương tự ở một DN thứ 3. Sau một thời gian, các "ăng-ten" của X cũng thu được tín hiệu đáng lưu tâm. Đối tác muốn thâu tóm một số DN xây lắp trong đó có thể có X nhằm khép kín chu trình kinh doanh xây lắp BĐS. Cảnh giác, X bắn tin tung hỏa mù: Y đang có khó khăn lớn về tài chính nên khó có thể tiếp tục đeo đuổi dự án "căn hộ triệu đô". Mũi tên hướng tới hai mục tiêu: chặn đầu vào vốn vay ngân hàng của Y và ngăn cản các khách hàng tiềm năng của dự án này. Mục đích chính nhằm làm đối tác suy yếu về tài chính.
Tuy nhiên, sự việc trở nên đáng lo ngại khi trước thềm ĐHCĐ, Y và nhóm NĐT liên quan chính thức sở hữu trên 10% cổ phần và công khai bày tỏ ý định muốn nâng tỷ lệ sở hữu lên 35% (điều này đồng nghĩa với việc nhóm Y có thể kiểm soát các quyết định tại ĐHCĐ nếu tỷ lệ cổ phần tham dự đạt 65%).
Nghiêm trọng hơn, khi câu chuyện bắt đầu lan rộng trong Công ty, cổ đông nội bộ cũng bắt đầu diễn ra sự phân hóa. Một số lãnh đạo cương quyết chống lại sự thâu tóm bên ngoài, số khác tỏ vẻ ủng hộ các nhân tố mới.
Mối nguy bị thâu tóm càng hiện hữu khi mới đây, một quỹ đầu tư nước ngoài bất ngờ công bố thoái vốn tại X, lượng cổ phiếu trôi nổi bắt đầu tăng lên. Với quyết tâm chống lại sự thôn tính từ bên ngoài, lần này, Công ty X giơ "tấm khiên" lên chống đỡ: trình ĐHCĐ phương án chào bán riêng lẻ 10 triệu cổ phần. Động thái này nhằm hạ tỷ lệ sở hữu của Y để ngăn các bước chân tham vọng của công ty BĐS này, đồng thời tìm một đối tác mới đủ mạnh làm đối trọng. Song song, X cũng phát hành cổ phiếu ưu đãi cho CBCNV và vận động một số cổ đông lớn khác không bán ra. Cuộc đấu trí, lực đối tác - đối thủ hiện vẫn chưa ngã ngũ!
Cổ phiếu mất giá: cơ hội để thâu tóm
Giấc ngủ đông khá dài của thị trường con gấu đã khiến nhiều chứng khoán trở nên khá rẻ trên cả hai sàn. Chẳng hạn, CTCP Vimeco (VMC) niêm yết trên sàn HNX, vốn hóa thị trường hiện tại chỉ vào khoảng 250 tỷ đồng, bằng 1/4 so giá trị thị trường của một miếng đất Công ty đang sở hữu trên trục đường Phạm Hùng, đối diện Trung tâm Hội nghị quốc gia. Điều tương tự cũng xảy ra với một loạt DN niêm yết khác trên HOSE như Tanimex, Sotran... Nghịch lý hiện nay cũng đang xuất hiện với việc một số DN vẫn làm ăn có lãi, vẫn trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn nhưng giá cổ phiếu đã lùi sâu dưới mệnh giá. Trong số DN mà cổ phiếu bị thị trường rẻ rúng có cả các tên tuổi lớn như CTCP Xi măng Hà Tiên (HT1), CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC)… Tính ra, chưa kể đến yếu tố cơ hội, mua các cổ phiếu này bây giờ còn có lợi hơn những người góp vốn, cổ đông sáng lập ban đầu. Các NĐT lớn đang tận dụng cơ hội này. Không phải tất cả, nhưng một làn "sóng ngầm" thâu tóm DN đang diễn ra.
Bên cạnh xu hướng thâu tóm nhằm làm tăng tính hiệu quả mở rộng thị trường, tăng nguồn lực sẵn có như X và Y, có một xu hướng khác đang diễn ra nhắm vào khối tài sản của DN. Mới đây, một DN niêm yết trên HOSE đã xin ý kiến cổ đông tăng vốn thêm 50%, mục đích chính là nhằm phát triển 2 dự án BĐS trên quỹ đất hiện có. Điều đáng quan tâm là cổ đông lớn khởi xướng ý định này chỉ nắm 10% số vốn cổ phần tại DN niêm yết, nhưng lại có khả năng thuyết phục lôi kéo một số cổ đông lớn khác.
Quá trình thâu tóm thân thiện và chuyển giao quyền lực đang diễn ra từ từ thì bất ngờ vấp phải sự phản đối của cổ đông lớn nhà nước. Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại, nguồn tin từ công ty này cho biết, kế hoạch tăng vốn để phát triển dự án BĐS sẽ được tái khởi động lại trong quý II khi phương án và nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Khách quan nhìn nhận, "viên đạn bọc đường" là hành động thông minh khi chỉ cần bỏ ra một số tiền khá nhỏ nhưng có thể kiểm soát một công ty với một khối tài sản lớn.
Một số ý kiến cho rằng, đây là phương thức mới tìm kiếm siêu lợi nhuận tinh vi. Số khác cho rằng đây là tiếng chuông cảnh báo với độ ì hiện nay của một số DN niêm yết khi có tài sản lớn, tiềm năng phát triển nhưng không khai thác hiệu quả. Dù các quan điểm có thể trái chiều nhưng nhìn nhận trên góc độ hiệu quả xã hội, không thể phủ nhận lợi ích phát huy tối đa khi các tư liệu sản xuất đến tay những người có khả năng quản lý và sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Giang Thanh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|