Huy động vốn, cửa chỉ rộng với doanh nghiệp lớn
Trong khi nhiều DN lớn rảnh rang huy động vốn quốc tế với giá cao hơn giá thị trường, một số sử dụng không hết đem cất nhà băng, thì các DN nhỏ đang khá chật vật: nhiều tờ trình tăng vốn bị phủ quyết ngay tại ĐHCĐ, nếu được thông qua thì xác suất thành công rất thấp.
|
Một số doanh nghiệp lớn huy động vốn trên thị trường quốc tế sử dụng không hết đem gửi nhà băng |
Người ăn không hết
Rất có thể CTCP Kinh Đô (KDC) sẽ tiếp bước CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) xuất hiện tại TTCK London thời gian tới. Đó là thông tin mà ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KDC chia sẻ với ĐTCK. Ông Nguyên cho biết, trong ĐHCĐ cuối tuần này, Ban lãnh đạo KDC sẽ trình đại hội phương án phát hành riêng lẻ 20 triệu cổ phiếu, bên mua là Deutsche Bank. Đối tác nước ngoài sẽ dùng gói cổ phiếu này phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GPR). Với giá bán dự kiến 5 "chấm", cao hơn giá thị trường khoảng 25%, KDC ước thu về 50 triệu USD, tương đương 1.000 tỷ đồng. Số tiền này KDC dùng để đầu tư phát triển một số sản phẩm mới, nhưng một phần khá lớn sẽ nằm ở… nhà băng. Ông Nguyên lý giải, mỗi gói GPR có quy mô tối thiểu là 50 triệu USD. Vì vậy, dù chưa có nhu cầu vốn lớn, nhưng KDC vẫn tận dụng cơ hội gọi vốn quốc tế. Giải pháp phòng thủ đang khá thích hợp trong bức tranh thị trường có nhiều gam màu tối.
CTCP Bất động sản Phát Đạt (PDR) có thể nối tiếp KDC "xuất ngoại". Kế hoạch phát hành 18 triệu cổ phần để thực hiện một gói GPR vừa được ĐHCĐ thường niên của PDR thông qua.
Sắp tới, CTCP Vinamilk (VNM) sẽ phát hành 10,7 triệu cổ phiếu thông qua đấu giá cho NĐT nước ngoài. Trong quá khứ, ở các đợt phát hành tương tự, người mua không trả vượt giá thị trường. Tuy nhiên, nguồn tin từ đơn vị tư vấn cho biết, cổ phiếu VNM có thể tạo ra một ngoại lệ, NĐT nước ngoài nhiều khả năng chấp nhận mức giá cao hơn thị trường từ 20 - 25%.
Cách đây 1 năm, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) có kế hoạch phát hành 500 triệu USD chứng chỉ lưu ký (DR). 6 tháng sau, kế hoạch giậm chân tại chỗ do do cơ quan quản lý không "bật đèn xanh". Do đó, MSN đã xoay qua thực hiện các đợt phát hành riêng lẻ. Tất cả đều thành công. Mới đây nhất, Kohlberg Kravis Roberts & Co. L.P (Mỹ) đã đầu tư 159 triệu USD vào MSN để đổi lại 10% vốn trong Masan Food. Trước đó, vào tháng 1/2011, Tập đoàn Mỹ Mount Kellett đã đầu tư 2.100 tỷ đồng vào MSN đổi lấy 20% cổ phần của Dự án Núi Pháo. Điểm sáng về vốn ngoại trong quý I/2011 còn phải kể đến trường hợp CTCP Hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) được Goldman Sachs "rót" 40 triệu USD.
Từ cuối quý IV/2010, lãi suất đi vay phổ biến trong khoảng 19 - 22%. Chi phí vốn vay quá cao khiến con đường đến nhà băng không phải là sự lựa chọn hàng đầu của các DN. Nhưng cửa ngõ tại TTCK nội địa cũng vấp trở ngại từ sự mệt mỏi của thị trường "con gấu". Nhiều DN lớn như VNM, MSN, KDC, CII… hướng ra sân chơi lớn hơn. Họ đã và đang hứa hẹn thành công. Nhưng một chuyển động đáng lưu ý là việc huy động vốn không phải bao giờ cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế.
Chẳng hạn, ĐHCĐ của CTCP Bourbon Tây Ninh (SBT) vừa qua dự kiến phát hành trái phiếu chuyển đổi trị giá 30 triệu USD cho Quỹ Duxton (liên doanh giữa Deutsch Asia Pacific và Duxton Capital). Báo cáo tài chính năm 2010 của SBT cho thấy, Công ty đang khá dư dả với khoản tiền mặt 126 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối 346 tỷ đồng. Theo CTCK Bản Việt, kế hoạch phát triển vùng mía nguyên liệu và công suất của SBT vẫn còn trên giấy tờ, việc nâng công suất từ 8.000 tấn/ngày lên 9.000 tấn/ngày chỉ cần đầu tư khoảng 30 - 35 tỷ đồng. Liệu SBT có thực sự cần phải huy động thêm vốn ở thời điểm này để đầu tư?
… kẻ lần không ra
Trái ngược với hình ảnh các DN lớn hứa hẹn thu được nhiều vốn từ các đợt phát hành, bài toán huy động ngày càng trở nên nan giải với các DN nhỏ. Vừa qua, tại ĐHCĐ của 2 DN là Điện tử Tân Bình (VTB) và Kho vận Miền Nam (STG), đại diện phần vốn nhà nước không đồng ý với kế hoạch tăng vốn. Tại ĐHCĐ của CTCP Văn hóa Phương Nam (PNC), kế hoạch tăng vốn lên gấp đôi bị phủ quyết chính bởi lá phiếu của các cổ đông nhỏ hợp sức lại.
Tuy nhiên, có những kế hoạch tăng vốn vẫn được thông qua, nhưng cơ hội để triển khai trong năm 2011 không nhiều. ĐHCĐ của CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA) vừa thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu, nhưng trao đổi với báo giới bên lề đại hội, ông Nguyễn Đình Hiển, Chủ tịch HĐQT SMA nhận xét, phương án không khả thi. Lý do là thị giá cổ phiếu SMA đang thấp hơn mệnh giá. Lãnh đạo SMA chia sẻ, HĐQT sẽ nghiên cứu đi vay để phục vụ các nhu cầu trước mắt.
Khó khăn tương tự đến với CTCK SME. SME công bố chốt thời điểm tăng vốn diễn ra trong quý II/2011 (chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1). Tuy nhiên, phương án phát hành sớm trở nên lạc hậu khi giá cổ phiếu SME đã rơi xuống còn phân nửa mệnh giá. Trong khi đó, Công ty vừa báo lỗ 16,5 tỷ đồng trong quý I. Cổ phiếu của một số DN tầm trung như CTCP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI) thậm chí còn bị chính các cổ đông nội bộ quay lưng: đợt phát hành 3 triệu cổ phiếu cho CB-CNV thất bại, do không ai đăng ký mua.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự ngoảnh mặt với cổ phiếu phát hành thêm tại nhiều DN niêm yết hiện nay bắt nguồn từ năm 2010, khá nhiều DN huy động vốn "chữa cháy" cho các khoản nợ hay gọi vốn chỉ nhằm tận dụng cơ hội trong trào lưu chung, khiến thị trường nội địa "bội thực".
Giang Thanh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|