Thứ Tư, 20/04/2011 17:41

SCIC tìm chỗ đứng

Đâu mới là chiến lược phát triển bền vững và lâu dài phù hợp với “siêu tổng công ty” SCIC?

Không giống như các công ty đầu tư vốn nhà nước trên thế giới, SCIC ngoài chức năng kinh doanh còn phải gánh thêm nhiệm vụ chính trị.

Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là Nghị định về tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ chính thức được ban hành. Có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề SCIC được tăng thêm quyền và tiền khi Nghị định được áp dụng.

Vị ngọt SCIC

Được thành lập theo Quyết định 151/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 20.6.2005, SCIC là tổ chức kinh tế đặc biệt, có chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Trong suốt thời gian hoạt động, SCIC đã phần nào đáp ứng được mong đợi của Chính phủ khi doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng cao qua từng năm.

Theo báo cáo tổng kết năm 2010, cho tới kết thúc năm, SCIC đã tiếp nhận vốn nhà nước tại 932 doanh nghiệp, bán vốn thành công tại 442 doanh nghiệp, trong đó có 399 doanh nghiệp được bán toàn bộ vốn nhà nước. Theo kế hoạch bán vốn công bố ngày 17.2.2011, trong năm 2011, SCIC sẽ bán vốn nhà nước của 329 doanh nghiệp và đến năm 2012 sẽ còn 95 doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp có vốn bàn giao về SCIC thuộc nhiều lĩnh vực và ngành nghề Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần. Các doanh nghiệp này chủ yếu có quy mô nhỏ, vốn điều lệ bình quân dưới 10 tỉ đồng (khoảng 85%), doanh nghiệp vốn trên 100 tỉ đồng chỉ chiếm khoảng 1,5%.

Chỉ nhìn vào biểu đồ ở bên cũng có thể thấy số doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào các năm 2006-2007, giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ. Bước sang giai đoạn 2008-2009, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu lan tới Việt Nam, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán đã làm cho hoạt động đấu giá cổ phần tại các sở giao dịch gặp nhiều khó khăn.

Nếu như năm 2008, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM thực hiện được 29 đợt đấu giá cổ phần và thu về hơn 7.350 tỉ đồng thì năm 2009 chỉ có 18 đợt đấu giá với hơn 567 tỉ đồng. Sang năm 2010, kinh tế có dấu hiệu hồi phục, 25 doanh nghiệp đã được cổ phần hóa và phía Nhà nước có 4 đợt rút vốn được thực hiện qua Sở. Giá trị số cổ phần bán được từ cổ phần hóa và rút vốn là hơn 4.300 tỉ đồng.

“Không chốn dung thân”

Dù có đạt được vị ngọt từ những thành quả trên, qua thời gian hoạt động, một số quy định tại Quyết định 151/2005/QĐ-TTg cũng như quy định hiện hành đã phát sinh một số bất cập, dẫn tới việc chưa phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của SCIC.

Đầu tiên là vai trò của SCIC. Cũng giống như các doanh nghiệp nhà nước khác, ngoài chức năng kinh doanh, SCIC còn mang thêm nhiệm vụ chính trị. Cách đây 3 năm, SCIC đã tung một khoản tiền lớn mua cổ phiếu để bình ổn thị trường nhưng không phát huy được tác dụng khi thị trường chứng khoán liên tục mất điểm. Trong bối cảnh nhà đầu tư hoang mang, mọi gánh nặng và hy vọng đều dồn vào SCIC. Có lẽ từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động, chưa bao giờ nhà đầu tư lại mong mỏi Chính phủ sử dụng biện pháp hành chính như ở thời điểm đó.

Đây cũng là khác biệt lớn nhất giữa mô hình của SCIC và các công ty dạng này trên thế giới như Future Fund của Úc hay Temasek của Singapore. Các công ty dạng này của nước ngoài hoạt động hoàn toàn vì lợi nhuận, không chịu bất kỳ sự can thiệp nào của chính phủ, nghĩa là không phải mang nhiệm vụ chính trị. Họ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, luôn minh bạch trong các hoạt động của mình, tự nguyện công bố báo cáo tài chính theo định kỳ dù đó không phải là nghĩa vụ.

Trong khi đó, SCIC chưa có công ty con theo hình thức trực tiếp góp vốn. Do vậy, trong dự thảo Nghị định quy định rằng SCIC không hợp nhất báo cáo tài chính đối với các doanh nghiệp nhận bàn giao. Và tất nhiên SCIC cũng không có nghĩa vụ phải công bố báo cáo tài chính hằng năm vì là tổ chức hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên với Nhà nước là chủ sở hữu duy nhất, chứ không phải công ty đại chúng.

Chính đặc thù của SCIC đã khiến ngay trong các văn bản pháp luật cũng bị vướng mắc, chồng chéo. Trong khoản 1 điều 68 Luật Đầu tư quy định, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước vào các tổ chức kinh tế được thông qua SCIC. Trong Luật Doanh nghiệp 2005 lại quy định, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, Nhà nước có trách nhiệm đầu tư đủ vốn cho doanh nghiệp này, không thể đầu tư qua SCIC. Và trên thực tế, Nhà nước vẫn đầu tư trực tiếp cho các tập đoàn, tổng công ty, công ty độc lập đang thiếu vốn điều lệ. Quy định trong các văn bản pháp luật không thống nhất nên khi hoạt động SCIC phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ chính sách cho đến thực tiễn.Vì thế, việc đề ra phương án tổ chức lại SCIC là rất cần thiết. Có nhiều ý kiến được đưa ra trong các buổi hội thảo họp bàn về tương lai SCIC trước khi dự thảo Nghị định về tổ chức hoạt động SCIC ra đời. Trong đó có 2 phương án được các chuyên gia đánh giá cao.

Phương án 1: Xác định SCIC là một tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu như hiện nay. Cụ thể là bổ sung thêm nhiệm vụ quản lý vốn nhà nước ở các công ty mẹ của tổng công ty, tập đoàn đã cổ phần hóa. Thứ 2 là bỏ việc Nhà nước giao cho SCIC nhiệm vụ đầu tư vào lĩnh vực, ngành kinh tế trọng điểm vì đã có các tập đoàn, tổng công ty đang hoạt động trong đó đảm nhận. Việc đầu tư của SCIC do SCIC tự quyết định theo phân cấp của Chính phủ. Cuối cùng là không giao cho SCIC quản lý Quỹ Hỗ trợ Sắp xếp Doanh nghiệp nhà nước vì đây là quỹ Nhà nước, không phải của doanh nghiệp

Theo phương án này, SCIC là một doanh nghiệp thuần túy. Nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để tách chức năng đại điện chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước?

Phương án 2: Giao cho SCIC là đại diện chủ sở hữu toàn bộ vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh, bao gồm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Khi chưa cổ phần hóa hết công ty mẹ của các tập đoàn và tổng công ty, SCIC được giao quản lý vốn nhà nước tại các công ty độc lập đã cổ phần hoặc chuyển sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Chức năng, nhiệm vụ và mô hình của SCIC sẽ tương tự như phương án 1.

Giai đoạn 2: Sau khi các công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty đã cổ phần hóa xong, giao cho SCIC là đại diện chủ sở hữu toàn bộ vốn nhà nước đầu tư vào để kinh doanh, không đóng vai trò của một doanh nghiệp, không chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Như vậy, mô hình tổ chức của SCIC lúc này không phải là mô hình tổ chức của doanh nghiệp mà là của tổ chức làm chức năng đại diện chủ sở hữu.

Người hùng hay mối đe dọa?

Với 2 phương án trên, các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp đã thảo luận sôi nổi và đưa ra nhiều ý kiến. Tựu trung lại, cả 2 phương án vẫn còn tồn tại 1 điểm, đó là dù áp dụng phương án nào thì Chính phủ cũng phải sửa luật và các văn bản dưới luật liên quan. Quan trọng hơn là ở các phương án đưa ra, chưa phương án nào có tính khả thi cao, nghĩa là có ưu điểm này lại mắc khuyết điểm kia. Có thể, dự thảo nghị định mới sẽ là sự kết hợp 2 phương án trên và dù còn nhiều quan ngại, việc Chính phủ quyết định nâng cao vai trò của SCIC sẽ trở thành hiện thực.

Theo nội dung trong dự thảo Nghị định, SCIC vẫn là một “siêu tổng công ty”, vừa có chức năng quản lý kinh quanh vốn nhà nước, vừa có nhiệm vụ chính trị rất rõ ràng là “thực hiện các giải pháp góp phần ổn định, phát triển thị trường vốn và các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”. Điều này cũng thể hiện ở việc đầu tư bằng nguồn vốn kinh doanh của SCIC và nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ Sắp xếp Doanh nghiệp Nhà nước. Đối với nguồn Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, SCIC thực hiện các dự án đầu tư theo ủy quyền của Chính phủ.

Có thể thấy, trong dự thảo Nghị định, Chính phủ vẫn giao quyền cho SCIC quản lý Quỹ Hỗ trợ Sắp xếp Doanh nghiệp dù quỹ này của Nhà nước, được sử dụng trong quá trình đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp chứ không được dùng vào mục đích kinh doanh. Trong khi đó, SCIC là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh về tiền và vốn.

Riêng đối với nguồn vốn kinh doanh, SCIC được chủ động sử dụng trong phạm vi mức vốn lên đến 50% tổng giá trị tài sản của mình cho đầu tư, trong khi dự kiến vốn điều lệ của SCIC sẽ được nâng lên 50.000 tỉ đồng. Tuy đây chỉ là quy mô trung bình so với một tập đoàn lớn của Việt Nam, nhưng đó cũng là con số lớn đủ gây tác động mạnh tới nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Hãy thử tưởng tượng, với số vốn như vậy, SCIC chỉ cần bỏ ra vài chục phần trăm để đầu tư vào thị trường chứng khoán như bao quỹ đầu tư khác thì không biết các công ty, nhà đầu tư trên thị trường sẽ cười hay khóc.

Việc cho ra đời nghị định mới là bước đi tốt cho SCIC hiện nay, nhưng để trả lời cho câu hỏi về những chiến lược lâu dài thì chắc còn phải chờ thời gian trả lời. Tuy nhiên, hy vọng vẫn được gửi vào tầm nhìn tổng quát của các nhà làm chính sách. Thà rằng chậm mà chắc còn hơn vội vã cho ra đời một nghị định để rồi tiếp tục bài ca cũ là luật luôn phải chạy sau doanh nghiệp, nghĩa là cứ vướng mắc ở đâu, giải quyết không được là đem luật ra sửa.

Suy cho cùng, luật và các văn bản dưới luật không thể cứ tùy tiện đem ra chỉnh sửa liên tục sau vài năm bị cho là lạc hậu. Điều này chẳng khác nào ngư dân suốt ngày đi vá lưới cũ bắt cá nhỏ, thay vì ngay từ đầu mua lưới tốt để bắt cá lớn.

Đỗ Lê Phương

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu bất động sản chuyển động (20/04/2011)

>   “Chơi” cổ phiếu lỗ: Cái giá của mạo hiểm (20/04/2011)

>   VNPT lo hụt vốn tại Mobifone (20/04/2011)

>   CTCK thời thắt chặt tiền tệ: "Prômêtê bị xiềng" (19/04/2011)

>   Lỗ nặng, VMG bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 20/04 (19/04/2011)

>   Thị trường sôi động hơn với sản phẩm phái sinh (19/04/2011)

>   Dấu hỏi về trách nhiệm các “ông lớn” (19/04/2011)

>   CTCK: Tham vọng trong gian khó (19/04/2011)

>   Lỗ gần 900 triệu đồng, MAC rơi vào diện cảnh báo (19/04/2011)

>   Bao giờ cơ quan quản lý khởi động? (19/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật