CTCK thời thắt chặt tiền tệ: "Prômêtê bị xiềng"
Cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm giảm lạm phát, hoạt động của thị trường chứng khoán cũng trở nên khó khăn khi dòng vốn đổ vào thị trường giảm kéo theo khối lượng giao dịch và thị giá của hầu hết các chứng khoán đang niêm yết giảm mạnh.
Theo thống kê từ Công ty chứng khoán APEC, tính đến hết trung tuần tháng Tư, trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) và Hà Nội (HNX) đã có tới 250 mã cổ phiếu có giá giao dịch từ giá tham chiếu trở xuống.
Tình hình này kéo dài đã gây ra thua lỗ cho hầu hết các thành viên tham gia trên thị trường khiến tâm lý bi quan, lo lắng bao phủ khắp nơi.
Trượt dài trong khó khăn
Điều kiện thị trường ảm đạm khiến bức tranh lợi nhuận của các công ty chứng khoán càng trở nên u ám hơn.
Mới đây, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đưa ra công bố lợi nhuận sau thuế quý I/2011 lỗ ròng lên tới 102 tỷ đồng. Tổng doanh thu quý này chỉ đạt 232 tỷ đồng, giảm 48% so với mức doanh thu 450 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do công ty đã trích dự phòng giảm giá chứng khoán hơn 181 tỷ đồng.
Trước đó, SSI được đánh giá như một người hùng trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán năm 2010 với mức lãi 687 tỷ đồng, trong khi hàng loạt các công ty tên tuổi lớn, nhỏ trên thị trường lên tiếng báo lỗ.
Cuối tháng Ba vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có thông báo chính thức đưa vào diện cảnh báo với bốn mã cổ phiếu ngành chứng khoán là Công ty Chứng khoán Kim Long (mã KLS), Công ty Chứng khoán Bảo Việt (mã BVS), Công ty Chứng khoán Hải Phòng (mã HPC), Công ty Chứng khoán Sao Việt (mã SVS) do các công ty này đều có kết quả kinh doanh năm 2010 thua lỗ..
Công ty chứng khoán Hải Phòng (HPC) cũng đã báo lỗ 6,23 tỷ đồng trong quý 1.2011, từ mức lãi trên 3 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. CTCP CK Rồng Việt (VDS) bị lỗ 25 tỷ đồng so với mức lãi 8 tỷ đồng vào cùng kỳ năm 2010.
Và gần đây nhất, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VND) cũng thông báo kết quả kinh doanh quý 1.2011 cũng cho thấy doanh nghiệp này bị lỗ 42,27 tỷ đồng. Công ty chứng khoán Âu Việt (AVS) cũng công bố con số lỗ gần 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái công ty này lãi hơn 6 tỷ đồng.
Hầu hết các công ty chứng khoán đều cho biết nguyên nhân thua lỗ là do doanh thu hoạt động đầu tư chứng khoán giảm mạnh do thị trường hoạt động kém hiệu quả, các nhà đầu tư dường như đã chán nản buông tay, bán tháo cổ phiếu để rời bỏ thị trường.
Ngay cả công ty chứng khoán cũng đang tính chuyện tháo lui. Một tên tuổi có "mã số, mã vạch" trên thị trường là Công ty Cổ phần Chứng khoán Vincom (VIX), từ 31/3 đã chính thức có chủ sở hữu mới khi Công ty Cổ phần Vincom (VIC) thông báo đã thoái hết vốn.
Công ty chứng khoán KLS đã từng phải đưa ra phương án chuyển đổi ngành nghề kinh doanh khi cho rằng về lâu dài hoạt động dưới pháp nhân công ty chứng khoán sẽ không có nhiều cơ hội tìm kiếm tỷ suất lợi nhuận cao. Tuy nhiên sau đó vì nhiều lý do, ban lãnh đạo KLS đã rút kế hoạch này lại.
Chấp nhận để giữ lửa thị trường
Tuy nhiên, không phải công ty chứng khoán nào cũng buông tay rời bỏ thị trường. Nhiều công ty đã chấp nhận phương án tồn tại bằng cách ăn thâm vào vốn chủ sở hữu để tiếp tục giữ "lửa" cho thị trường.
“Giai đoạn này nhiều công ty đang phải nỗ lực cầm cự, bằng cách giảm thiểu các chi phí có thể và một số công ty đã quyết định đóng cửa bớt các phòng giao dịch,” ông Nguyễn Tiến Hoàng, Trưởng phòng Marketing, Công ty Chứng khoán IRS trăn trở nói.
Nhiều công ty chứng khoán cho rằng, họ không được phép chán nản mà phải gồng mình chịu trận chung với nhà đầu tư và tìm mọi cách để vượt "qua cơn đại bĩ cực" chờ "hồi thái lai" của thị trường.
Theo ông Tiến Hoàng, “khó khăn nhất với các công ty chứng khoán trong hiện tại là duy trì được định hướng kinh doanh mà vẫn phải thực hiện sứ mệnh giữ ‘lửa’ cho khách hàng.”
Đại diện của nhiều công ty tỏ ra khá đồng tình với quan điểm này. Ông Ngô Quang Trung, Trưởng Bộ phận Môi giới, Công ty Chứng khoán Hòa Bình thẳng thắn nói: “Quan trọng nhất bây giờ là hoạt động tư vấn, sự chân thành sẽ là giải pháp hữu ích nhất để giữ chân khách hàng cho dù doanh thu của công ty có giảm sút.”
Ông Nguyễn Tiến Hoàng cũng chỉ ra, thời gian qua quá trình cạnh tranh khốc liệt nhằm thu hút khách hàng các công ty chứng khoán đã tung ra hết tất cả các món nghề như nâng cao công nghệ, gia tăng các điều kiện ưu đãi... Đến nay, đã đến lúc cần phải hướng tới chiến lược duy trì, chăm sóc hệ thống khách hàng truyền thống hơn là tìm mọi cách lôi kéo khách hàng mới. Hàng chục ngàn tài khoản được mở ra tại các công ty chứng khoán, sau đó lại nằm im không khác gì tình trạng ‘sim rác’ xảy ra trong ngành viễn thông di động.
“Thời điểm này, chúng tôi tập trung mạnh vào công tác đào tạo, nâng cao tính chuyên sâu trong các vị trí công việc, hoán đổi cán bộ các giữa các bộ phận, giúp các nhân viên có thể thấu hiểu thông cảm công việc của nhau. Đến khi thị trường phục hồi trở lại, công ty có thế đáp ứng ngay được guồng quay, giảm thiểu sự lúng túng, thiếu sót trong các hoạt động cung cấp dịch vụ cho khách hàng,” ông Hoàng nói.
Với thế mạnh trong lĩnh vực tư vấn tài chính doanh nghiệp, nhưng ông Dương Ngọc Dũng, Trưởng phòng Marketing, Công ty Chứng khoán Bản Việt cũng cho hay, nhiều khả năng quý I công ty sẽ bị âm về lợi nhuận. Song công ty vẫn trích một khoản ngân sách dành cho đào tạo. Như việc đưa cán bộ đi nâng cao nghiệp vụ trong và ngoài nước, đồng thời tranh thủ cơ hội tìm kiếm các chuyên gia giỏi từ nước ngoài, nhằm phát triển các dịch vụ của công ty theo tiêu chuẩn quốc tế.
“Trong lúc thị trường khó khăn, nhiều công ty thậm chí là cắt giảm cả quy mô môi giới, thì lại là điều kiện cho các công ty chứng khoán khác có thể đàm phán, tiếp cận nguồn khách hàng tiềm năng,” ông Trung nói./.
Linh Chi
Vietnam+
|