Khi Trung Quốc không còn là “công xưởng thế giới”
Ngày càng nhiều máy bay Mỹ, đậu tương Brazil, máy móc Đức và hoa quả nhiệt đới Thái Lan tìm đường vào thị trường Trung Quốc.
Ngày càng nhiều máy bay sản xuất tại Mỹ, đậu tương xuất xứ từ Brazil, máy móc chế tạo ở Đức và hoa quả nhiệt đới thu hoạch tại Thái Lan tìm đường vào thị trường Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã.
Và cũng ngày một có nhiều quốc gia phát hiện thấy Trung Quốc là một thị trường tiềm năng cho các mặt hàng xuất khẩu của họ. Dân số 1,3 tỷ người của Trung Quốc đang tiêu dùng nhiều hơn, nhờ thu nhập gia tăng và việc chính phủ nước này đặt ưu tiên cân bằng thương mại và thúc đẩy nhu cầu nội địa trong kế hoạch phát triển 5 năm tới.
Theo số liệu thống kê chính thức, trong quý 1/2011, Trung Quốc lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua bị thâm hụt thương mại. Một số nhà phân tích cho rằng, giá cả hàng hóa đang tăng lên kéo dãn chênh lệch thương mại, nhưng một số khác tin rằng, điều này thể hiện xu thế dài hạn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khi Trung Quốc đang dần chuyển từ công xưởng thế giới sang một thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, thặng dư thương mại tổng thể của Trung Quốc với các đối tác thương mại lớn cũng đã điều chỉnh giảm trong vài năm trở lại đây. Veronique Riches-Flores, Trưởng bộ phận nghiên cứu chuyên đề của hãng dịch vụ tài chính Societe Generale có trụ sở tại Pháp, cho rằng việc thặng dư thương mại của Trung Quốc suy giảm đồng nghĩa với việc nước này đang chuyển đổi từ một cỗ máy xuất khẩu sang tiêu thụ.
Và khi Trung Quốc trở thành một trung tâm thương mại, thế giới sẽ thu được nhiều. Đối với các nền kinh tế đang phát triển, Trung Quốc trở thành một thị trường thay thế quan trọng, trong bối cảnh xuất khẩu sang các nước phát triển bị chững lại do khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn nhất của các nước Đông Nam Á trong năm 2010.
Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bắt đầu có hiệu lực từ năm ngoái. Với việc người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng dùng hàng ngoại nhiều hơn, các nước Đông Nam Á có thể bán được nhiều hàng hóa hơn vào thị trường láng giềng phía bắc này.
Đối với các nền kinh tế mới nổi chủ chốt khác, thị trường Trung Quốc cũng đóng một vai trò quan trọng then chốt. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi vào Trung Quốc trong quý 1/2011 đã tăng tới 52,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 33,05 tỷ USD. Trung Quốc cũng đã chính thức thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, khi mua hàng tỷ USD sản phẩm nông nghiệp, dầu thô, quặng sắt từ quốc gia Nam Mỹ này.
Với châu Phi, thị trường Trung Quốc mang lại nhiều cơ hội thương mại hơn. Charles Robertson, chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu thuộc tổ chức nghiên cứu và đầu tư Renaissance Capital của Nga cho biết, năm 2000, thương mại giữa Trung Quốc và lục địa đen chỉ vỏn vẹn có 10,6 tỷ USD, nhưng tới năm 2010 đã tăng hơn 10 lần, chạm mốc 129 tỷ USD.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với Moneyweb, trang cung cấp thông tin đầu tư hàng đầu ở Nam Phi, ông Robertson bổ sung thêm rằng, một số nước châu Phi đã cải thiện được cơ sở hạ tầng yếu kém và thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhờ vào xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc không chỉ mang lại lợi nhuận cho các nước đang phát triển. Đối với các quốc gia phát triển, việc bán hàng hóa sang quốc gia phương Đông này cũng là điều hết sức ý nghĩa, nhất là khi họ vẫn đang phải vật lộn với tình trạng thất nghiệp cao và tăng trưởng kinh tế lờ đờ do tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama từ lâu đã tìm cách tăng lượng hàng hóa xuất khẩu của Mỹ ra bên ngoài, như một cách giúp nước này thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng. Và thị trường trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch đó. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc trong vài năm gần đây đã tăng trưởng nhanh hơn khi so với các thị trường khác trên thế giới. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner từng nói rằng, một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn nhất đối với hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.
Đối với các nước châu Âu, Trung Quốc, quốc gia từng là đối thủ nặng ký của các nhà sản xuất khu vực, cũng đang dần trở thành một đối tác thương mại quan trọng. Tờ Financial Times bản tiếng Đức số gần đây cho biết, sự bùng nổ thương mại với Trung Quốc giúp các công ty châu Âu có thể bán nhiều hơn các sản phẩm của mình tới người tiêu dùng Trung Quốc. Và điều này đã nâng giá trị cổ phiếu của nhiều tập đoàn công nghiệp ở lục địa già.
Khi Trung Quốc mua hàng hóa nhiều hơn, điều này có lợi cho phần còn lại của thế giới. Đó là điều chắc chắn, nhưng ngược lại, sự thay đổi này cũng mang lại lợi ích không nhỏ cho chính bản thân Trung Quốc.
Với việc ngày càng nhiều các loại hàng hóa sản xuất ở nước ngoài đổ vào thị trường Trung Quốc, người tiêu dùng nước này sẽ có cơ hội mua được những loại hàng hóa chất lượng cao trên thế giới, trong khi các công ty Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị và công nghệ nhập khẩu cho sự phát triển nội tại. Chưa hết, việc cân bằng hơn thương mại với phần còn lại của thế giới còn có thể giúp làm dịu những căng thẳng thương mại tồn tại lâu nay giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại chủ chốt, mở đường cho các mối quan hệ kinh tế và thương mại ngày càng cạnh tranh hơn.
Hồng Ngọc
TBKTVN
|