Thứ Tư, 13/04/2011 06:57

Cổ phiếu ngân hàng nhỏ… bế tắc

Nhiều ngân hàng nhỏ hiện nay khó bán cổ phần vì không biết sẽ chia cổ tức ra sao khi kinh doanh không có lợi nhuận.

Kênh chứng khoán ảm đạm, tăng trưởng tín dụng năm 2011 bị hạn chế, bị các ngân hàng lớn cạnh tranh… là những áp lực lớn đối với các ngân hàng nhỏ khi chuẩn bị bán cổ phần để tăng vốn điều lệ.

Đua nhau tăng vốn

Không hẹn mà gặp, trong mùa đại hội cổ đông năm nay hầu hết các ngân hàng thương mại đều có phương án tăng vốn. Các ngân hàng lớn dẫn dắt thị trường như Agribank, Viettinbank, ACB, Sacombank… đều trình cổ đông phương án nâng vốn điều lệ. Cụ thể, Agribank dự kiến tăng thêm vốn khoảng 10.000 tỉ đồng lên 31.000 tỉ đồng, Viettinbank dự kiến tăng lên 20.000-25.000 tỉ đồng dù trước đó đã chào bán riêng lẻ 10% vốn điều lệ cho tổ chức IFC nâng vốn lên gần 17.000 tỉ đồng. Thông tin từ chủ tịch HĐQT ngân hàng này ở buổi gặp nhà đầu tư cuối năm 2010 cho biết sắp tới Viettinbank sẽ thương thảo bán tiếp cổ phần cho tổ chức Bank of Nova Scotia.

Không chỉ có ngân hàng lớn mà các ngân hàng hạng trung bình cũng có kế họach tăng vốn. Một loạt các ngân hàng dạng này như Phương Đông, Đại Tín, Đại Dương… đều cho biết sẽ tăng vốn lên 3.000-5.000 tỉ đồng trong năm 2011. “Chúng tôi đang chờ Chính phủ duyệt cho Tập đoàn BNP Paribas nắm giữ 20% vốn điều lệ của Ngân hàng Phương Đông” - ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông, nói.

Giải quyết vốn đầu ra

Trước việc các ngân hàng thương mại chạy đua tăng vốn trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm, thị trường tài chính khó khăn, các chuyên gia nhận định là do áp lực về nguồn vốn đầu ra.

Chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí nhận định ngân hàng tăng vốn lúc này là cách huy động vốn đơn giản nhất. Ngân hàng có tính đại chúng càng lớn thì càng dễ hút vốn.

“Thay vì đi huy động vốn từ dân cư với lãi suất cao (có ngân hàng thỏa thuận mức lãi 17%/năm - PV) thì bằng cách bán cổ phần tăng vốn ngân hàng chỉ trả cổ tức 10%-15%. Phần trả cổ tức này quá rẻ vì chỉ tính trên mệnh giá” - ông Chí phân tích.

Còn một cách hút vốn nữa là phát hành thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu bằng mệnh giá. Nôm na như ép buộc cổ đông phải mua. Nếu cổ đông không mua số cổ phần phát hành thêm thì xem như đã lỗ về giá trên số cổ phần nắm giữ.

Trước tình thế này, có nhiều cổ đông buộc phải bán bớt ra số cổ phần nắm giữ để có tiền mua vào số cổ phần phát hành thêm. Thực tế ở sàn chứng khoán TP.HCM cho thấy những lần Ngân hàng STB tăng vốn là y như rằng tổ chức Dragon Capital thông tin đăng ký bán bớt một phần vốn.

Theo các chuyên gia về chứng khoán, hai cách hút vốn trên sẽ làm nguồn cung cổ phiếu ngân hàng ra thị trường lớn và tác động khiến kênh chứng khoán giảm điểm.

Chia cổ tức sao đây?

Tăng vốn điều lệ là việc ngân hàng muốn tìm vốn giá rẻ nhưng không phải ngân hàng nào cũng gặp thuận lợi vì các ngân hàng nhỏ vướng việc chia cổ tức. Ngoài ra, những ngân hàng nhỏ còn bị áp lực tăng vốn lên 3.000 tỉ ở năm 2011 theo quy định từ Nghị định 141 của Chính phủ cũng là một bài toán nan giải.

14 là số ngân hàng thương mại cổ phần chưa nâng vốn lên 3.000 tỉ đồng theo quy định của Nghị định 141. Số liệu tính đến tháng 12-2010.

Nguồn Ngân hàng Nhà nước

Tổng giám đốc một ngân hàng tiết lộ rằng, ngân hàng muốn tăng vốn điều lệ bằng bán cổ phần cho đối tác chiến lược thì thời điểm này có nhiều trở ngại, nhất là về giá bán và các phương án hợp tác. “Họ không bán được giá thấp vì cổ đông trong nước không đồng ý, mặt khác chọn đối tác ngọai nhưng phải chọn đơn vị nào có uy tín để vào còn hỗ trợ về quản trị, kinh nghiệm hoạt động…” - vị này cho biết.

Phải nói thêm là bối cảnh thị trường tài chính thế giới hiện nay, muốn tìm đối tác ngoại là điều khá khó khăn. Thậm chí một số ngân hàng có tên tuổi nhiều năm tìm hiểu cùng đối tác ngoại nhưng vẫn chưa hợp tác được. Trường hợp này rơi vào hoàn cảnh Ngân hàng Đông Á khi trong đại hội cổ đông vừa qua HĐQT bị cổ đông chất vấn về vấn đề này.

Không chỉ vướng ở khâu đồng thuận mà nhiều ngân hàng nhỏ hiện nay còn khó bán cổ phần ở chỗ… sẽ chia cổ tức ra sao. Vì với việc siết tín dụng năm 2011 và một số khó khăn khách quan về thị trường tài chính thì rất khó cho các ngân hàng nhỏ năm nay kinh doanh có lợi nhuận.

“Khi lợi nhuận không lớn thì làm sao chia được cổ tức tỉ lệ cao để hút nhà đầu tư rót tiền mua cổ phiếu” - tổng giám đốc một ngân hàng có trụ sở ở TP.HCM chia sẻ.

Bùi Nhơn

Pháp luật

Các tin tức khác

>   Vì sao FPT "nhả miếng mồi" EVN Telecom? (12/04/2011)

>   VTC sẽ góp 800 tỉ đồng vào EVN Telecom? (11/04/2011)

>   Ai hưởng lợi trong kế hoạch hợp nhất của FPT? (11/04/2011)

>   Để có thương vụ M&A thành công: Luôn luôn lưu ý tới 5 điểm lớn (09/04/2011)

>   HIPC được chào bán 24 triệu cổ phiếu (08/04/2011)

>   Vicotex sẽ phát hành thêm 6 triệu cổ phiếu (08/04/2011)

>   CSG dự kiến mua lại gần 6 triệu cổ phiếu quỹ (08/04/2011)

>   Thương vụ giữa FPT và EVN Telecom: Dễ đến và... dễ đi (08/04/2011)

>   NVN nộp hồ sơ phát hành hơn 5.1 triệu cổ phiếu (07/04/2011)

>   Ngân hàng chọn cổ đông chiến lược nước ngoài không còn dễ (07/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật