VN nhận chiến hạm "Đinh Tiên Hoàng" thuộc dự án Gepard 3.9
Ngày 05/3/2011, tại căn cứ hải quân Cam Ranh đã diễn ra buổi lễ trang trọng treo quốc kỳ Việt Nam lên chiến hạm thuộc dự án Gepard 3.9.
|
Hình ảnh buổi lễ treo cờ Việt Nam trên chiến hạm "Đinh Tiên Hoàng" |
Thông tin này đã được đăng tải trên trang tin nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên Gorki. Đây là trang tin của nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên Gorki, thuộc nước cộng hòa Tartarstan, Liên bang Nga. Chính nhà máy này chịu trách nhiệm đóng chiến hạm “Đinh Tiên Hoàng” cho Hải quân Việt Nam theo hợp đồng đã kí vào tháng 12/2006.
Tham gia buổi lễ kéo cờ có lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, lãnh đạo Công ty xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport và đại diện nhà máy đóng tàu Zelenodolsk cũng như đại diện của các đơn vị lực lượng vũ trang Việt Nam. Tư lệnh Lực lượng Hải quân Việt Nam đánh giá cao chiến hạm mang tên Đinh Tiên Hoàng - vị hoàng đế đặt nền móng sáng lập nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam.
“Đinh Tiên Hoàng” là chiến hạm dùng để thực hiện các nhiệm vụ như tìm kiếm, theo dõi và chống lại các mục tiêu trên không, ngầm và nổi; tiến hành các chiến dịch hộ tống và hoạt động tuần tiễu, cũng như bảo vệ các đặc khu kinh tế ở biên giới quốc gia trên biển. Lượng choán nước toàn phần của tàu khoảng 2100 tấn, cự ly hoạt động – khoảng 5000 hải lý.
Qua quá trình cải tiến, tàu đã đạt được vận tốc vượt chỉ số vận tốc khi thiết kế (21 hải lý thay vì 18 hải lý).
Theo thông tin trong bài “Tìm hiểu chiến hạm "Đinh Tiên Hoàng" vừa về Việt Nam” của Báo Khoa học Đời sống online (Bee.net) ngày 16/3/2011, chiến hạm “Đinh Tiên Hoàng” có thể trang bị các loại vũ khí sau:
Vũ khí tên lửa: “Đinh Tiên Hoàng” của Việt Nam có thể lắp đặt tổ hợp tấn công Uran với cự ly bắn đến 130km, gồm 2 ống phóng tên lửa có cánh chống hạm loại Kh-35E. Để đáp trả các đòn tấn công từ các mục tiêu trên không tầm thấp của đối phương, “Đinh Tiên Hoàng” có thể được trang bị tổ hợp tên lửa phòng không Osa-MA với cơ số tên lửa là 20 quả. Khi cần, tổ hợp này có thể dùng để tiêu diệt các mục tiêu tàu nổi kích thước nhỏ.
Vũ khí pháo: Vũ khí pháo của tàu gồm tổ hợp pháo AK-176M cỡ nòng 76,2mm (152 quả) và bệ pháo kép tự động AK-630M cỡ nòng 30mm (2000 quả) bảo đảm tiêu diệt các mục tiêu trên không bay thấp, các mục tiêu mặt đất và dưới biển. Tốc độ bắn của AK-176M từ 60-120 phát/phút, bảo đảm tiêu diệt các mục tiêu trong khu vực với phạm vi lớn hơn 15km và độ cao 11,5km. Tốc độ bắn của AK-630M đến 5000 phát/phút với xác suất tiêu diệt các mục tiêu tầm thấp cao (trong đó gồm các loại tên lửa chống hạm) và ở cự ly đến 4000m (các mục tiêu nổi hạng nhẹ đến 5000m). Cự ly tiêu diệt máy bay từ 11,5km -10km, tên lửa chống hạm từ 1,2-35 km và độ cao từ 15-6000m.
Vũ khí chống ngầm: Để chống ngầm trên tàu lắp đặt 2 ngư lôi 533mm trang bị 2 ống phóng, còn để chống ngư lôi tàu trang bị 1 thiết bị thả bom phản lực RBU-6000, trạm thủy âm loại MGK-335. Để tạo nhiễu chủ động có thể sử dụng 4 ống phóng loại PK-16. Ngoài ra, tàu còn được trang bị 12-20 quả mìn rải dưới nước.
Trực thăng: Tàu còn có 1 sân đỗ cho một trực thăng Ка-27, Ka-28, Ка-31. Nhiệm vụ chính của các loại trực thăng này là chống ngầm.
Hệ thống điều khiển: Việc sục sạo và nhận biết mục tiêu được thực hiện theo thông tin của trạm radar dùng chung lắp đặt trên tàu loại “Poziv-ME1” và trạm radar thông thường (ở cự ly đến 30km) của tổ hợp phòng không. Việc điều khiển vũ khí được thực hiện bởi hệ thống điều khiển thông tin tác chiến “Trebovanie-E”. Tất cả các loại vũ khí có thể được sử dụng khi sóng biển mạnh cấp 5.
Huy Linh
VITINFO
|