Trung Quốc dẫn đầu thế giới về đầu tư xây dựng
Với số vốn đầu tư xây dựng lên tới 1.000 tỷ USD trong năm 2010, đây là lần đầu tiên Trung Quốc “qua mặt” nước Mỹ trong lĩnh vực này.
Tốc độ phát triển bùng nổ của ngành xây dựng tại Trung Quốc đã đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lên vị trí đầu bảng trong lĩnh vực này trên phạm vi toàn cầu, tờ Financial Times cho biết. Với số vốn đầu tư xây dựng lên tới 1.000 tỷ USD trong năm 2010, đây là lần đầu tiên Trung Quốc “qua mặt” nước Mỹ để chiếm vị trí này.
Financial Times dẫn số liệu từ một báo cáo do hãng nghiên cứu thị trường xây dựng Global Construction Perspectives phối hợp cùng trung tâm Oxford Economics và hãng kiểm toán Price Waterhouse Coopers (PwC) thực hiện cho thấy, chi tiêu cho các công trình xây dựng tại Trung Quốc đã tăng vọt trong năm 2010 do chương trình kích cầu xây dựng của Bắc Kinh đẩy giá vật liệu và nhân công tăng cao.
Trong khi đó, đầu tư cho xây dựng tại Mỹ đã liên tục đi xuống trong bối cảnh suy thoái, giảm còn 983 tỷ USD trong năm ngoái, từ mức 1.500 tỷ USD vào năm 2005.
Việc Trung Quốc vươn lên vị trí đầu bảng thế giới về đầu tư xây dựng diễn ra cùng lúc với việc nước này thế chân Nhật Bản ở vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thành tích này của Trung Quốc cũng phản ánh sự dịch chuyển sức mạnh đã kéo dài cả thập kỷ trong lĩnh vực xây dựng từ những thị trường đã chín muồi như Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu sang Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nền kinh tế mới nổi có quy mô nhỏ hơn khác.
Báo cáo nói trên còn dự báo, Trung Quốc sẽ chiếm 1/5 giá trị của ngành công nghiệp xây dựng toàn cầu vào năm 2020, từ mức 14% hiện nay. “Đây thực sự là một cột mốc chuyển biến trong lịch sử của ngành xây dựng thế giới”, ông Graham Robinson, Giám đốc của Global Construction Perspectives, nhận xét.
“Những cường quốc trước đây về xây dựng đã bị gạt sang bên và sẽ phải mất nhiều thập kỷ nữa thì Trung Quốc mới có nguy cơ mất vị trí nước đầu tư nhiều nhất vào xây dựng, cho dù đó là đầu tư vào nhà ở, nhà thương mại hay các dự án cơ sở hạ tầng”, ông Robinson nói thêm.
Tuy nhiên, tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng nhà ở - lĩnh vực chiếm 57% tổng chi tiêu trong ngành xây dựng nói chung của Trung Quốc trong năm ngoái - được dự báo sẽ giảm tốc trong thập kỷ này, khi mà Bắc Kinh nỗ lực ngăn chặn sự hình thành của bong bóng bất động sản. Thay vào đó, tăng trưởng của ngành xây dựng tại Trung Quốc được nhận định là sẽ được thúc đẩy nhờ Chính phủ nước này tăng chi tiêu vào các dự án mới về đường sắt, đường bộ và cơ sở hạ tầng năng lượng.
Cũng theo báo cáo, Trung Quốc sẽ chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng chi tiêu xây dựng toàn cầu trong thập kỷ này - con số dự báo lên tới 97.700 tỷ USD. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng được cho là sẽ đầu tư mạnh vào xây dựng và sẽ sớm vượt qua Nhật Bản để trở thành nước có mức chi tiêu cho xây dựng lớn thứ ba thế giới.
Tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành xây dựng tại Trung Quốc và Ấn Độ đã tạo ra những cơ hội lớn cho các công ty xây dựng của hai nước này. Các công ty vật liệu xây dựng quốc tế cũng mạnh tay đầu tư vào hai thị trường này để tăng thị phần. Hai nhà sản xuất xi măng hàng đầu thế giới về sản lượng là Holcim của Thụy Sỹ và Lafarge của Pháp đều có hơn một nửa tổng doanh thu xuất phát từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế đang phát triển khác.
Trong khi đó, ba hãng sản xuất thiết bị xây dựng lớn nhất của Trung Quốc là Xugong Zoomlion và Sany Heavy được dự báo là đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức 60-100% trong năm 2010, đồng thời đang nhanh chóng trở thành những đối thủ tầm quốc tế trong lĩnh vực này.
Trong năm 2009, Trung Quốc chiếm gần 43% doanh thu thị trường máy xây dựng toàn cầu, so với mức 18% vào năm 2002.
An Huy
TBKTVN
|