Nhật đầu tư vào ngành nông nghiệp ở nước ngoài
Ngày 28/2, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Seiji Maehara cho biết nước này có thể sẽ tăng cường đầu tư của cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân vào ngành nông nghiệp ở nước ngoài để giúp đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định trong nước.
Phát biểu tại một diễn đàn ở thủ đô Tokyo, Bộ trưởng Maehara cho rằng việc ứng dụng các công nghệ sản xuất lương thực an toàn, đáng tin cậy và chất lượng cao sẽ giúp tăng sản lượng ở nước ngoài.
Một phần nông sản thu hoạch được có thể xuất khẩu trở lại Nhật Bản. Đây là một việc làm "đôi bên cùng có lợi.”
Theo ông Maehara, Nhật Bản có thể xuất khẩu mô hình “nông trang sản xuất rau sử dụng năng lượng Mặt Trời” sang các khu vực khan hiếm nước như Trung Đông và châu Phi.
Các nông trang này có thể trồng các loại rau bằng ánh sáng nhân tạo, qua đó giúp giải quyết tình trạng khan hiếm nước và thiếu hụt lương thực cũng như các vấn đề môi trường.
Đối với ngành nông nghiệp trong nước, ông Maehara cho biết Nhật Bản sẽ tiến hành cải cách nông nghiệp theo hướng đền bù trực tiếp cho các hộ nông dân để giúp tăng khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp đồng thời thúc đẩy tự do hóa thương mại.
Nhật Bản sẽ vừa theo đuổi thương lượng về hiệp định thương mại tự do với các đối tác kinh tế vừa khuyến khích phát triển nông nghiệp và nông thôn trong nước.
Về vấn đề nhân lực trong ngành nông nghiệp, ông Maehara cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ tích cực tiếp nhận các lao động có kiến thức và kỹ năng tốt cũng như các sinh viên từ các nước khác để bù đắp thiếu hụt lao động nghiêm trọng ở nước này do tình trạng dân số đang lão hóa nhanh.
Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu việc tiếp nhận thêm các y tá và nhân viên chăm sóc y tế từ nước ngoài theo các hiệp định thương mại tự do.
Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ công bố chính sách cơ bản về cải cách ngành nông nghiệp vào khoảng tháng 6/2011, cùng thời điểm quyết định liệu nước này có tham gia các cuộc thương lượng hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không.
Hiện nay, Nhật Bản đang bảo hộ các sản phẩm nông nghiệp như gạo, đường, bột mì và các sản phẩm sữa bằng mức thuế suất cao. Trong đó, thuế suất đối với gạo đã xay sát nhập khẩu lên tới 778%./.
Vietnam+
|