Chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ tăng cao, nhưng hãy đừng “bay”
Người Mỹ đang trở nên hào hứng hơn so với những gì họ từng cảm nhận về nền kinh tế trong vòng 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, có nhiều lý do nhắc nhở người Mỹ không nên để sự hào hứng này “bay” cao.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng đã tăng lên mức 70,4 vào tháng này từ mức 64,8 vào tháng 1 vừa rồi, khi mà người Mỹ thể hiện sự lạc quan nhiều hơn về triển vọng thu nhập của mình và những định hướng của nền kinh tế trước mắt, theo báo cáo của một nhóm các nhà nghiên cứu. Đó là mức tăng mạnh nhất kể từ những ngày đầu của cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất mà nước Mỹ từng chứng kiến những năm 1930.
Một thị trường chứng khoán mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp suy giảm đang vực dậy tinh thần của người Mỹ, bất chấp giá cả lương thực và năng lượng tăng cao và khu vực nhà ở vẫn còn yếu kém. Thêm vào đó, một sự cắt giảm đối với thuế an sinh xã hội đã cho thấy người Mỹ bắt đầu nhận được nhiều hơn trong tài khoản lương của mình, việc mà có thể đã thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng.
Các nhà bán lẻ bao gồm Macy's Inc., Home Depot Inc. và VF Corp, hãng sản xuất quần Lee và giày Vans, cũng vừa báo cáo mức thu nhập tốt hơn so với dự kiến. Home Depot lần đầu tiên tăng doanh thu hàng năm kể từ trước vụ phá sản năm 2006, trong khi Macy's, nhà bán lẻ lớn thứ 2 đất nước, có mức doanh số bán hàng tăng ít nhất 4,3% một năm.
Tuy vậy, nhiều người vẫn thận trọng với các thông tin nói trên, một số còn bày tỏ sự hoài nghi.
"Kể từ tháng 11, đã có một sự cải thiện dần dần trong tâm trạng của người tiêu dùng, nhưng nó không có nghĩa là những ngày hạnh phúc đã quay trở lại đây một lần nữa", ông Chris Christopher, nhà kinh tế tai IHS Global Insight cho biết và đưa thêm: “Tài sản ròng của các hộ gia đình vẫn ở dưới mức đỉnh cao của nó, khoảng 10.000 tỷ USD, và với những gì đang xảy ra đối với thị trường nhà ở hiện nay, có vẻ như tình hình này sẽ chưa được sớm cải thiện”.
Chỉ số S&P/Case-Shiller về giá trị nhà ở tại 20 thành phố của Mỹ đã giảm 2,4% vào năm ngoái, một nhóm nghiên cứu cho biết, và các nhà kinh tế dự đoán tình trạng nhà bị tịch thu sẽ còn tăng lên trong năm nay.
Theo Conference Board, tổ chức thực hiện các cuộc khảo sát về niềm tin người tiêu dùng, số lượng các gia đình có kế hoạch mua nhà ở trong vòng 6 tháng tới sẽ giảm đến 4,4% vào tháng 2 từ mức 5,2% vào tháng 1.
Trong khi niềm tin người tiêu dùng đang tăng lên, thì những khó khăn vẫn tiếp diễn tại thị trường nhà ở và các hiệu ứng kéo dài khác của cuộc suy thoái kinh tế đang giữ các chỉ số kinh tế dưới mức 90 để có thể báo hiệu một nền kinh tế ổn định. Niềm tin đã trược dốc sau khi bong bóng nhà đất ở Mỹ phát nổ, gây nên cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007.
Các chỉ số đã giảm dưới mức 90 vào tháng 1/2009 và đạt mức thấp kỷ lục là 25,3 một năm sau đó. Trong khi niềm tin và chi tiêu đã nhích trở lại nhờ những điều kiện kinh doanh được cải thiện, người Mỹ vẫn còn cảm giác thận trọng, nhất là khi nó đến từ thị trường việc làm.
Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm 0,4% điểm vào tháng 1 sau khi giảm một lượng như vậy vào tháng 12, tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn duy trì ở mức 9%, một mức cao trong lịch sử.
Henry Snyder, một người dân tại Charleston, S.C, cho biết, công việc còn trống trong lĩnh vực tư vấn mà ông đang làm vẫn còn hạn chế, đặc biệt là đối với những người trẻ. Nhiều người trong số bạn bè của Henry đã ra trường một vài năm nhưng vẫn phải làm công việc với mức lương thấp như khi còn là sinh viên. "Họ không muốn bỏ việc, dù là bất kể việc gì, nếu không có lòng tin rằng họ sẽ có thể kiếm được một chỗ mới”, Henry nói.
“Tôi hoàn toàn cảm thấy tốt hơn về những gì đang diễn ra", ông David Liang của Manhattan phát biểu. "Với những thứ tôi đang hướng đến, thất nghiệp không phải là quá tồi tệ và lạm phát vẫn còn khá thấp. Tôi không có xe hơi, vì vậy tôi không cần lo lắng về giá cả khí đốt”, ông Liang nói thêm. Suy nghĩ của Liang điển hình cho những người lạc quan nhưng có vẻ hời hợt và bàng quan với những vấn đề khác.
Những người sâu sắc hơn có thể nhận thấy rằng, việc làm và thu nhập được cải thiện là do chính sách kích cầu của chính phủ Mỹ, nhưng những gì đạt được là không nhiều so với quy mô của các gói kích thích. Điều đó dẫn đến nguy cơ lạm phát và tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng. Khi đó, thuế có thể sẽ tăng trở lại và việc làm sẽ lại mất đi.
"Chúng tôi mong đợi được chứng kiến những cải tiến đáng kể về niềm tin của người tiêu dùng trong năm nay", ông Scott Hoyt, Giám đốc cấp cao về kinh tế học tiêu dùng của Moody Analytics cho biết. Tuy nhiên, Hoyt cảnh báo việc tin tưởng quá nhiều vào những khảo sát về niềm tin trong tháng này, bởi Conference Board gần đây đã bắt đầu sử dụng một nhà cung cấp dữ liệu mới, và các báo tháng 2 lần đầu tiên sẽ theo hệ thống mới. "Chúng ta không chắc chắn việc tăng lên bao nhiêu là thật, vì vậy chúng ta nên bớt hào hứng hơn với tình hình này", ông này khuyến nghị.
Hợp Trang (Theo báo chí nước ngoài)
Đầu tư chứng khoán
|