Dân Trung Quốc sợ dùng sữa nội
Khoảng 70% cư dân Bắc Kinh ngại mua các sản phẩm sữa bột trẻ em sản xuất trong nước vì lo ngại an toàn thực phẩm, tờ China Daily hôm 1/3 dẫn một báo cáo điều tra gần đây cho hay.
Kết quả này cho thấy, người tiêu dùng Trung Quốc lo sợ chất lượng sữa nội, bất chấp các báo cáo xét nghiệm chính thức công bố “không có sự khác biệt nào đáng kể giữa hàng nội và hàng ngoại”.
Đây là cuộc điều tra thị trường do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) thực hiện. Mặc dù số lượng người tham dự không được công bố, nhưng thống kê cho hay, chỉ có một số nhỏ tin tưởng vào các nhãn hiệu nội địa.
Li Tong, nhân viên kinh doanh tại một cửa hàng sữa có trụ sở ở Bắc Kinh, nói rằng, các sản phẩm ngoại nhập chiếm hơn 70% doanh số của cửa hàng, phần còn lại là các sản phẩm sữa nội.
Theo China Daily, thực trạng này không chỉ diễn ra ở Bắc Kinh. Người tiêu dùng ở nhiều thành phố khác của Trung Quốc cũng tỏ ra thiếu tin tưởng vào sữa bột nội địa.
Wu Peiyuan, 27 tuổi sống ở thành phố Thiên Tân, đã nói rằng, anh sẽ chỉ cho đứa con trai 3 tuổi của mình uống sữa được sản xuất từ nước ngoài.
“Hầu như ngày nào, chúng tôi cũng được nghe những tin tức nói rằng các sản phẩm sữa nội có vấn đề về an toàn, như sữa bột nhiễm melamine”, Wu nói. Anh cho biết thêm, chính hàng xóm của anh đã thuyết phục Wu nên chọn sữa ngoại.
“Tại sao tôi phải để con mình gặp chuyện không may”, anh nói. “Mỗi tháng tôi chi khoảng 500 Nhân dân tệ để mua các sản phẩm sữa của Mead Johnson. Tuy rằng, dùng sữa ngoại đắt hơn sữa nội 350 Nhân dân tệ/tháng, nhưng tôi không có sự chọn lựa nào khác”.
Nhưng ít nhất là Wu còn có thể tìm thấy các sản phẩm sữa ngoại mà anh mong muốn. Theo báo cáo của giới truyền thông, các bà mẹ trẻ và nhà cung cấp ở Hồng Kông và Macau thì không được như vậy.
Trong suốt dịp tết âm lịch năm nay, người tiêu dùng từ đại lục đã đổ xô vào các cửa hàng địa phương và mua hầu hết các sản phẩm sữa bột ngoại nhập được bày trên các giá hàng.
Một người tiêu dùng giấu tên ở Bắc Kinh cho hay đã chi hơn 2.000 Nhân dân tệ/tháng cho sữa nhập khẩu bán ở Hồng Kông. Cô cho biết thêm rằng, cô sẽ chỉ tin tưởng vào hàng nhập ngoại.
Trong khi đó, theo một thông báo đăng trên trang web của Hiệp hội sữa Trung Quốc hôm 28/2, kết quả kiểm tra từ một trong những phòng thí nghiệm nổi tiếng nhất nước này cho thấy, chất lượng sữa trong nước tương đương sữa ngoại..
Trong số các mẫu sữa được lấy ở Bắc Kinh, 11 mẫu là hàng nội và 12 mẫu là hàng ngoại. Kết quả một số cuộc kiểm tra chất lượng cho thấy, hai nhóm không có sự khác biệt rõ ràng, bao gồm cả về hàm lượng dinh dưỡng.
Cuộc điều tra cũng không tìm thấy chất melamine hay đạm da thuộc trong các mẫu sản phẩm thu về.
Song Kungang, Chủ tịch Hiệp hội trên, nói rằng, kết quả kiểm tra thu được đã chứng minh rằng, sữa nội an toàn. Ông tỏ ra tin tưởng vào chất lượng các sản phẩm này.
Năm 2008, vụ scandal sữa nhiễm độc chất melamine ở Trung Quốc đã càn quét khắp quốc gia châu Á này, làm 6 trẻ sơ sinh thiệt mạng và hơn 300.000 bé khác bị ốm.
Vụ việc đã gây ra sự hoảng loạn trong xã hội, cũng như tạo nên những lo ngại không ngớt về chất lượng sữa bột nội địa.
Tuy nhiên, mới đây, Trung Quốc lại cảnh báo các nhà sản xuất sữa ở nước này rằng sẽ trừng trị nghiêm khắc những kẻ pha vào sữa những hóa chất độc hại nhằm tăng hàm lượng đạm, bao gồm melamine dùng trong hóa công nghiệp và chất đạm từ bột da.
Theo hãng tin AP, cả melamine và đạm da thuộc (thường được xử lý bằng acid sunfuric), khi cho vào sữa đều có tác dụng tăng hàm lượng chất đạm để có thể dễ dàng pha thêm nước, phương thức mà một số nhà sản xuất sữa sử dụng nhằm tăng mục đích lợi nhuận của mình.
Trong một thông báo trên trang web của Quốc vụ viện, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cảnh báo, các nhà chức trách nước này sẽ tiến hành 6.450 cuộc kiểm tra ngẫu nhiên sữa tươi trong năm nay.
Điều này cho thấy, các quan chức Trung Quốc thực sự lo ngại, các nhà sản xuất sữa ở nước này có thể vẫn cố dùng các phương pháp độc hại để tăng hàm lượng đạm trong sữa khi pha thêm nước loãng. Tất cả các cuộc thử nghiệm sẽ kiểm tra melamine và 30% trong đó là để tìm đạm da thuộc.
Hồng Ngọc
TBKTVN
|