Sắp chốt khối lượng phát hành trái phiếu CP năm 2011
Khối lượng trái phiếu chính phủ (TPCP) dự kiến phát hành trong năm 2011 là khoảng 85.000 - 95.000 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này Bộ Tài chính vẫn chưa chốt con số cụ thể do còn phải cân nhắc thêm các yếu tố về bội chi ngân sách trong năm nay, cũng như quyết định của Quốc hội về tổng mức đầu tư từ nguồn TPCP giai đoạn 2003 - 2011…
Đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết như vậy tại hội thảo "Đào tạo các nhà báo về kiến thức và nghiệp vụ cơ bản về thị trường trái phiếu", do Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) phối hợp với Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức ngày 9/3, tại Hà Nội.
Ông Đỗ Việt Dũng, Phó trưởng phòng Thị trường tài chính, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính cho biết, dự kiến vào cuối tháng 3 này, Bộ Tài chính sẽ chính thức công bố khối lượng phát hành TPCP năm 2011, để làm căn cứ triển khai các kế hoạch chi tiết, nhằm huy động thành công khối lượng TPCP như mục tiêu đề ra. Với từng phiên phát hành cụ thể, Bộ Tài chính sẽ sớm thông báo kế hoạch phát hành, để các thành viên thị trường, NĐT chủ động lên kế hoạch tham gia.
Diễn biến kinh tế vĩ mô hiện tại, theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA, tác động không thuận lắm đến hoạt động phát hành TPCP. Điều này phần nào phản ánh trong các phiên đấu thầu TPCP trên Sở GDCK Hà Nội diễn ra gần đây, bởi khối lượng trúng thầu rất thấp. Trong bối cảnh như vậy, nếu Bộ Tài chính "chốt" khối lượng phát hành cao thì sẽ khó kỳ vọng đạt tỷ lệ phát hành thành công cao với mặt bằng lãi suất vừa phải. Bởi vậy, tín hiệu của kinh tế vĩ mô cần được các đơn vị phát hành bám sát, để tận dụng các thời điểm thuận lợi nhằm triển khai các đợt phát hành hiệu quả.
Chủ trương quyết liệt cắt giảm đầu tư công mà Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty triển khai sẽ góp phần quan trọng vào giảm chi ngân sách. Điều này ít nhiều sẽ làm giảm sức ép đối với hoạt động phát hành TPCP trong năm nay. Định hướng điều hành này, theo ông Quỳnh, Chính phủ nên theo đuổi trong năm 2011. Dĩ nhiên, khối lượng phát hành TPCP căn cứ vào rất nhiều yếu tố, nhưng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không thuận mà không có biện pháp giảm sức ép lên hoạt động phát hành, thì ở một góc độ nào đó sẽ tạo ra mâu thuẫn với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đang dồn sức thực hiện. Trong bối cảnh lạm phát còn cao, thì việc phát hành TPCP với mặt bằng lãi suất thấp là khó khả thi. Trong bối cảnh đó, nếu vì nhu cầu chi tiêu cao mà phải phát hành TPCP bằng mọi giá với lãi suất cao thì sẽ tác động không tích cực đến mặt bằng lãi suất, qua đó gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát.
Hữu Đạo
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|