Tránh lãng phí vốn trái phiếu Chính phủ
Về thực chất, trái phiếu Chính phủ (TPCP) là khoản đầu tư thường không tính đến lợi nhuận của Nhà nước nhằm vào các lĩnh vực “đói” vốn như giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục,… và như dạng vốn mồi để thúc đẩy sự phát triển tại những địa bàn khó khăn. Tuy nhiên, từ trước đến nay, các cơ quan có trách nhiệm thường chủ yếu tập trung vào việc làm sao phân bổ, giải ngân hết chỉ tiêu của từng năm. Chính vì vậy, hiệu quả của đầu tư TPCP đến đâu vẫn chưa được đánh giá kỹ lưỡng.
|
Đường Hồ Chí Minh được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ |
Còn lãng phí
Con số mới nhất được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố hôm qua về việc phát hành, quản lý và sử dụng vốn TPCP cho biết, giai đoạn 2006-2009, kế hoạch vốn TPCP là 117.169 tỷ đồng, trong đó giải ngân được 107.344 tỷ đồng cho khoảng 2.000 công trình, dự án và tính đến 31-8-2010 đã có 1.410 công trình, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng (chiếm 68%), trong đó có dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1; 250 dự án đường ô tô đến trung tâm xã; gần 33.500 phòng học… Các công trình hoàn thành giao thông, thủy lợi, giáo dục,… tại các vùng khó khăn đưa vào khai thác, sử dụng đã thúc đẩy sản xuất phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần cải thiện đời sống vật chất tinh thần của người dân.
Tuy nhiên, bức tranh về đầu tư công trình, dự án vẫn bộc lộ không ít hạn chế mà đáng chú ý trong đó là chuyện “đội” vốn và giải ngân (ngoại trừ năm 2010 giải ngân hoàn thành 100%, năm 2009 khoảng 95%). Theo tính toán, trong giai đoạn 2003-2010, tổng mức đầu tư của các danh mục, dự án sử dụng TPCP là khoảng 247.400 tỷ đồng, nhưng qua thống kê của Bộ KH-ĐT, tổng số tiền đầu tư bằng vốn TPCP trong giai đoạn này lên đến gần 558.600 tỷ đồng (tăng hơn 2 lần).
Điểm đáng lo ngại là dù theo quy định, vốn TPCP không bố trí cho phần điều chỉnh quy mô, mở rộng dự án (chỉ điều chỉnh tổng mức đầu tư do thay đổi các quy định của pháp luật về đơn giá nhân công, nguyên nhiên vật liệu, tiền đền bù giải phóng mặt bằng,…) nhưng không ít dự án lại không hề tuân thủ theo quy định này. Đó chính là nguyên nhân, tổng số tiền đầu tư phụ trội lên gấp hơn 2 lần (theo nhìn nhận của thành viên UBTV Quốc hội khi đề cập đến TPCP tại một cuộc họp gần đây).
Việc điều chỉnh vốn quy mô dự án, tổng mức đầu tư một cách vô tội vạ (thậm chí nhiều địa phương còn chuyển toàn bộ sang nguồn vốn TPCP đối với những công trình đáng ra phải sử dụng ngân sách địa phương) tại các dự án thời gian qua trong khi ngân sách phải trả một khoản lãi suất không nhỏ (khoảng 9% năm 2009 và khoảng 11% năm 2010).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc từng thốt lên: “TPCP đang được cấp phát như thời bao cấp, do đó, việc sử dụng quá bừa bãi và không hiệu quả”.
* Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2011 với ngành tài chính trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách cũng như các nguồn tài chính công khác là các bộ, ngành, địa phương cần tập trung bố trí vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách, hoàn thành trong năm 2011-2012, nhất là ở các địa phương nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đảm bảo đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm. Các dự án, công trình đầu tư từ nguồn TPCP phải nằm trong trong danh mục được duyệt và không bố trí vốn cho các dự án, công trình không đúng đối tượng, không đủ thủ tục đầu tư, không hiệu quả; không chuyển nguồn vốn TPCP chưa sử dụng hết sang năm sau. |
Kết quả chuyên đề của KTNN cũng chỉ ra, bên cạnh các mặt tích cực, việc quản lý, sử dụng nguồn vốn TPCP còn không ít hạn chế, thiếu sót, bất cập làm giảm hiệu quả, hiệu lực của việc phát hành TPCP. Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương lập kế hoạch vốn TPCP còn nhiều hạn chế, xét duyệt thiếu chặt chẽ; công tác thẩm định, phê duyệt dự án sử dụng vốn TPCP còn nhiều sai sót, xác định tổng mức đầu tư, dự toán sơ sài, thiếu chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần với mức tăng cao làm vỡ kế hoạch vốn. Đến 2009, đã giải ngân vượt tổng mức vốn TPCP của cả giai đoạn 2010 nhưng chỉ có 50% dự án được hoàn thành; nhiều dự án để hoàn thành cần có số vốn tăng 2-3 lần mức vốn đăng ký. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng vốn không đúng nội dung, mục đích, bố trí vốn ngoài danh mục dự án khá nhiều; tình trạng không bố trí vốn đối ứng theo đúng cơ cấu được duyệt mà trông chờ hoàn toàn vào vốn TPCP diễn ra ở hầu hết các bộ, ngành, địa phương.
Một điểm đáng lưu ý khác, vốn TPCP là vốn vay của Chính phủ nhưng đầu tư còn dàn trải, tiến độ thực hiện quá chậm. Có những dự án chưa thực sự cấp bách, không thuộc đối tượng sử dụng vốn TPCP nhưng vẫn được bố trí vốn.
Những kiến nghị xử lý tài chính của KTNN công bố đã cho thấy sự lãng phí của nguồn vốn này là rất đáng lo ngại chỉ trong giai đoạn 2006-2009. Cụ thể, KTNN kiến nghị phải thu hồi 509 triệu đồng; bố trí hoàn trả vốn TPCP hơn 171,6 tỷ đồng do đã sử dụng cho các dự án không đúng đối tượng, mục đích, ngoài danh mục, vượt quy mô, tiêu chuẩn; giảm trừ giá trị của các gói thầu gần 9,5 tỷ đồng; hủy bỏ số vốn không được phép sử dụng 192,3 tỷ đồng; ngừng triển khai, không thực hiện thanh toán kế hoạch vốn đã bố trí từ vốn TPCP cho các dự án không đúng đối tượng 33 tỷ đồng; không thực hiện bố trí vốn TPCP để đầu tư cho các hạng mục của dự án không đúng mục tiêu, mục đích sử dụng 9,8 tỷ đồng; giảm tổng mức đầu tư, dự toán các dự án 45,9 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền cần xử lý khoảng 462,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, hiện nay, do chính sách thắt chặt tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nên mặt bằng lãi suất tăng cao, do đó, việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn. Năm 2010, Kho bạc Nhà nước chỉ huy động được 71% so với kế hoạch. Còn theo thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong các đợt huy động TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành 2 tháng đầu năm chỉ đạt 13.358 tỷ đồng trong tổng số 20.000 tỷ đồng gọi thầu.
Siết, nâng cao hiệu quả
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ổn định kinh tế vĩ mô được Chính phủ xác định trong năm 2011 là rà soát các công trình dự án từ vốn ngân sách, TPCP đã được bố trí vốn, xác định các công trình cần ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ để bổ sung vốn cho các dự án hoàn thành trong năm 2011. Năm 2011, Chính phủ dự kiến phương án phân bổ vốn TPCP là 45.000 tỷ đồng (giảm 20% so với năm 2010). Trong đó, các dự án giao thông 23.000 tỷ đồng; các dự án thủy lợi 12.000 tỷ đồng; các dự án bệnh viện tuyến huyện, tỉnh 4.000 tỷ đồng; các dự án giáo dục 4.500 tỷ đồng; các dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc huy động vốn 2 tháng đầu năm không như kỳ vọng đã đặt ra không ít thách thức cho Chính phủ trong việc cân đối nguồn vốn cho các dự án nằm trong kế hoạch đầu tư năm 2011.
Để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách, TPCP, Bộ KH-ĐT cho biết đã lên kế hoạch và thành lập các đoàn kiểm tra để rà soát và điều chỉnh kế hoạch đầu tư nguồn vốn nhà nước năm 2011. Theo đó, việc điều chỉnh kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước và TPCP tới đây sẽ theo nguyên tắc không bố trí vốn cho các dự án khởi công năm 2011 (trừ dự án phòng chống khắc phục thiên tai cấp bách và sử dụng vốn vay, viện trợ nước ngoài); các dự án chưa đủ thủ tục theo pháp luật; dự án đầu tư kém hiệu quả. Bộ KH-ĐT cũng dự kiến việc đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện có thể sẽ được áp dụng đối với các dự án được bố trí kế hoạch vốn nhiều năm nhưng thực hiện hiệu quả chậm; dự án không có khả năng thực hiện trong năm 2011 do khó khăn trong triển khai thực hiện. Số vốn ngân sách nhà nước, TPCP cắt giảm sẽ điều chuyển, bổ sung cho các dự án quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm 2011.
Thị trường ngoại hối sẽ sớm ổn định
Chiều 3-3, sau khi đạt mức kỷ lục mới 1.440 USD/ounce trong phiên giao dịch trước một ngày, giá vàng thế giới trở về mức 1.429,5 USD/ounce. Cùng lúc, giá vàng trong nước tăng nhẹ vào đầu ngày sau đó giảm chậm hơn so với giá vàng thế giới. Vàng miếng SJC, SBJ trong nước sau 15 lần đổi giá, cuối ngày chốt ở mức giá 37,67 triệu đồng/lượng (thu vào), 37,75 triệu đồng/lượng (bán ra) tăng 50.000 – 70.000 đồng/lượng so với mức giá chốt chiều 2-3.
Trong khi đó, tỷ giá USD trên thị trường tự do liên tục hạ nhiệt sau khi có tin Ngân hàng Nhà nước thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, thực hiện 7 giải pháp trong đó yêu cầu tất cả tập đoàn, tổng công ty nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng. Theo nhận định của giới kinh doanh, với các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước, tình trạng găm giữ USD sẽ giảm bớt, nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn, thị trường ngoại hối sẽ sớm ổn định.
L.M.Thi |
Ngọc Quang
Sài Gòn Giải phóng
|