Phát hành trái phiếu quốc tế: Cuộc chơi không dễ
Phát hành trái phiếu quốc tế có thể giúp doanh nghiệp huy động được lượng vốn lớn với kỳ hạn dài để phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh lãi suất ngân hàng cao như hiện nay. Đây là những động lực chính khiến nhiều “ông lớn” lên kế hoạch phát hành trái phiếu trong năm nay.
Kế hoạch phát hành tới hàng tỷ USD
Từ nay đến cuối năm, nhiều DN lớn của Nhà nước và tư nhân đều có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế do nhu cầu vốn lớn. Đơn cử như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện đang triển khai xây dựng 15 dự án điện, với tổng công suất 10.581 MW. Tổng vốn đầu tư cho 15 dự án là 9 tỷ USD. Ngoài ra, EVN còn có 11 dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, với tổng công suất 7.285 MW và đang thực hiện các thủ tục đầu tư 5 dự án nguồn điện khác, dự kiến khởi công trong giai đoạn 2011 - 2015 gồm 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1&2 (hơn 4.000 MW) và 3 dự án thuỷ điện tích năng (Bắc Ái, Hàm Thuận Bắc, Mộc Châu, tổng công suất 3.600 MW). Với những dự án lớn như vậy, khó có thể chỉ trông chờ vào vốn nội địa.
Để đảm bảo nguồn vốn cho các dự án điện, EVN có kế hoạch phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu trong nước và 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế năm 2011. Bên cạnh đó, kế hoạch phát hành 1 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dự kiến phát hành từ năm 2009, nhưng gần 2 năm trôi qua, kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện. Năm 2011 này, PVN đã có kế hoạch đầu tư khoảng 5-6 tỷ USD cho nhiều dự án của mình và mục tiêu hướng tới là không vay ưu đãi mà sẽ phát hành trái phiếu quốc tế để giải quyết nhu cầu về vốn. Đối với Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng vừa trình lên Chính phủ xin phép được tái phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế. Thời điểm phát hành trái phiếu quốc tế thuận lợi nhất sẽ là vào khoảng giữa năm 2011 khi các báo cáo quyết toán đã hoàn thiện, nguồn tài chính trên thế giới dồi dào. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự kiến sẽ làm việc với các cơ quan Nhà nước để phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế, nhằm tăng vốn cấp 2 khi điều kiện thị trường cho phép.
Không chỉ các tập đoàn Nhà nước cần đến dòng vốn quốc tế, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường nhằm thông qua kế hoạch phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế. Trái phiếu sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore.
Làm gì để thành công?
Rõ ràng, chủ động trong huy động vốn đầu tư qua kênh phát hành trái phiếu quốc tế thay vì phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư công hoặc dựa vào các khoản vay của Chính phủ sẽ là xu hướng của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã đi theo cách này từ rất lâu. Thậm chí, tại các nước phát triển, chính quyền các thành phố hay Chính phủ có thể chủ động đứng ra bảo lãnh phát hành trái phiếu quốc tế cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, trái phiếu quốc tế Việt Nam huy động, có thể thấy, giá vốn chúng ta huy động cao hơn khá nhiều so với các nước có hệ số tín nhiệm cao. Cụ thể: giá vốn huy động cao hơn các nước trong khu vực như Indonesia, Philippin, trong khi kinh tế của họ chưa hẳn tốt hơn Việt Nam, chất lượng tăng trưởng ở mức tương tự… Như vậy, các nhà đầu tư quốc tế sẽ nhìn thấy những yếu tố rủi ro tại Việt Nam lớn hơn. Ngoài ra, một đợt phát hành trái phiếu thành công phụ thuộc vào các yếu tố khách quan (như điều kiện thị trường tại thời điểm phát hành) cũng như các điều kiện chủ quan như: tính hấp dẫn của trái phiếu, sự chuẩn bị của doanh nghiệp trong việc đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư quốc tế.
Phát hành trái phiếu quốc tế là xu hướng cần thiết và tích cực trong hoàn cảnh các nguồn vốn khác ngày càng nan giải. Do vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tinh thần làm việc chuyên nghiệp theo phong cách quốc tế, hướng tới sự minh bạch thông tin cung cấp cho nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ cũng nên khuyến khích doanh nghiệp tự phát hành chứ không nên đứng ra bảo lãnh. Nếu có, chỉ làm “bà đỡ” đối với DN, với việc tìm giúp DN nhà tư vấn, bảo lãnh nước ngoài.
Nhật Quang
công thương
|