Nỗi niềm Kim Long
Có lẽ 28.000 cổ đông của Công ty chứng khoán Kim Long (HNX: KLS) là những người đau đầu hơn cả những ngày này. Không đau đầu sao được khi giá cổ phiếu KLS họ đang nắm giữ cứ giảm dần và nguy cơ cổ phiếu bị thị trường bán tháo vẫn chưa dừng lại.
Cuộc dạo qua các sàn chứng khoán và tiếp xúc với nhà đầu tư của chúng tôi thu được toàn những câu hỏi mà nhiều người cho biết sẽ mang đến chất vấn tại đại hội cổ đông Kim Long ngày 19/03/2011 tới đây.
Không là công ty chứng khoán, anh là ai?
Khi nhà đầu tư bỏ vốn vào KLS, hình ảnh đậm nét nhất trong tâm trí họ đó là một công ty chứng khoán. Với đầy đủ năm chức năng hoạt động, trong đó có tự doanh, lợi nhuận của công ty chứng khoán thông thường biến động theo mức lên xuống của thị trường. Có thể công ty lỗ năm nay, nhưng sang năm có lời bởi thị trường không thể xuống mãi hay lên mãi. Còn bây giờ chuyển đổi mô hình, bỏ bớt một số chức năng, thêm vô một số ngành nghề kinh doanh mới, không là công ty chứng khoán nữa, vậy anh là ai? Khi mua cổ phiếu của KLS, nhà đầu tư đặt niềm tin vào mô hình công ty chứng khoán. Ở mô hình ấy, Kim Long đã không đáp ứng được niềm tin của giới đầu tư. Nay chuyển đổi, cái gì đảm bảo mô hình mới sẽ mang lại lợi nhuận và không lỗ như khi KLS còn là công ty chứng khoán?
Trả lời báo chí, KLS giải thích mô hình mới sẽ giúp công ty tiếp cận các cơ hội đầu tư mà không bị một số qui định pháp lý ràng buộc như khi là công ty chứng khoán. Lật ngược lại vấn đề: giả sử không có các qui định tỷ lệ hạn chế đầu tư, khả năng Kim Long lỗ nhiều hơn mức của năm ngoái là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra. Biết đâu nhờ có những qui định hạn chế mua cổ phần của một doanh nghiệp niêm yết mà Kim Long đã tránh khỏi lỗ nặng. Thí dụ KLS chỉ được mua tối đa 15% cổ phiếu của một doanh nghiệp, nên mức lỗ nếu có cũng chỉ là giới hạn. Nếu không còn là công ty chứng khoán, KLS có thể mua 50% doanh nghiệp ấy. Trong cùng một điều kiện thị trường đang thoái trào, thì càng mua nhiều, càng lỗ nhiều.
Đầu tư thành công (hoạt động tự doanh) không phải là mức độ đầu tư nhiều ít, mà là đầu tư đúng. Ba từ ngắn gọn “đầu tư đúng” ấy năm ngoái Kim Long đã không làm được!
Nhìn từ Kinh Đô và Vinamilk
Năm 2009 công ty Kinh Đô (HOSE: KDC) chuyển nhượng phần đầu tư trong dự án bất động sản Kim Cương cho đối tác khác và hạch toán lợi nhuận đột biến. Lãnh đạo Kinh Đô hiểu rằng nghề chính, thế mạnh chủ yếu của họ là sản xuất kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát, bất động sản là tay trái. Khi thị trường bất động sản trầm lắng, họ đã nhanh chóng bước chân ra khỏi lĩnh vực này hoặc ít nhất là tạm ngưng, không tiến sâu hơn.
Cũng năm đó, Công ty sữa Việt Nam (Vinamlk) chuyển nhượng nhà máy bia. Năm ngoái, Vinamlk chuyển nhượng nhà máy cà phê cho Trung Nguyên. Vinamilk rất ít khi vay vốn ngân hàng và luôn có nguồn tiền nhàn rỗi vài ngàn tỉ đồng trong tay. Nguồn tiền ấy cùng với kênh phân phối rộng khắp cả nước, công ty có khả năng kinh doanh bia, cà phê. Nhưng rất nhanh, Vinamilk nhận ra bia hay cà phê không phải là lợi thế của họ. Họ quay về với sữa, là mặt hàng họ am hiểu nhất, có sức cạnh tranh nhất. Thực tế đã chứng minh lợi nhuận ròng Vinamilk có được từ sữa là không có đối thủ xứng tầm.
Vinamilk, Kinh Đô hay nhiều công ty niêm yết khác không thiếu tiền mặt, họ thậm chí có nhiều, nhiều hơn cả Kim Long ở một số thời điểm. Tuy nhiên, họ không chuyển đổi mô hình hoạt động vì có quá nhiều tiền. Trước đây đã có những công ty như SAM, Gemadept “khổ vì lắm tiền” do có nguồn thặng dư từ phát hành cổ phiếu và họ đã vất vả tìm ra hướng đầu tư đúng cho số tiền đó. Những công ty chiến thắng thị trường (thị trường trong nhiều lĩnh vực, không phải chỉ chứng khoán) thường là những doanh nghiệp đầu tư trung, dài hạn đi kèm chiến lược được hoạch định bài bản. Nếu chỉ cần nhiều tiền là chiến thắng thị trường, hẳn nhà đầu tư đã đô xô đi mua chứng chỉ các quỹ đầu tư!
Cuộc chơi do nhà đầu tư xác lập
Với 1.800 tỉ đồng tiền mặt gửi ngân hàng và 200 tỉ đồng cổ phiếu niêm yết, 250 tỉ đồng cổ phiếu chưa niêm yết, Kim Long hiện nay chẳng khác gì một quỹ đầu tư. Cổ đông quỹ đầu tư phải trả phí quản lý hàng năm cho công ty quản lý quỹ, trả phí giám sát cho ngân hàng giám sát, còn cổ đông KLS phải trả gì? Họ trả chi phí hoạt động của công ty, từ trụ sở, máy móc thiết bị đến nhân lực. Chi phí ấy liệu có thấp hơn phí quản lý và giám sát mà một quỹ đầu tư phải trả?
Cuộc chơi của quỹ đầu tư khá đơn giản: tôi trả tiền cho anh quản lý tiền để tiền đẻ ra tiền, nay anh có nhiều tiền mặt mà không biết làm gì, giá chứng chỉ quỹ bị chiết khấu cao, tôi bắt buộc phải thoái vốn lấy tiền về. Giá cổ phiếu KLS cũng đang bị chiết khấu và mức chiết khấu có thể còn biến động mạnh và công ty có nhiều tiền, cổ phiếu nắm giữ tương đối ít. Con đường thoái vốn như một quỹ đầu tư đang rộng mở trước Kim Long!
Cổ đông Kim Long hoàn toàn có đủ quyền xác lập một cuộc chơi mới thông qua thoái vốn bằng cách giải thể, trả lại tiền cho nhà đầu tư. Nếu thanh lý hết số cổ phiếu đang nắm giữ, KLS có thể thu về 300-400 tỉ đồng tiền mặt và chia đều ra, giá trị mỗi cổ phiếu khoảng 10.000 – 11.000 đồng, cao hơn hẳn giá KLS giao dịch vào ngày 8-3-2011 là 9.900 đồng/cổ phiếu. Chưa kể bằng cách này nhà đầu tư không phải đóng thuế 0,1% cho Nhà nước khi bán cổ phiếu. Với những người muốn tái đầu tư, trên sàn đang có hàng trăm cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách, chia cổ tức xung quanh 10%-15%/năm. Hay đơn giản là nhà đầu tư gửi ngân hàng lãi suất 14%/năm.
Hải Lý
Lao Động
|