Chủ tịch SSI nói về xu hướng bóc tách tự doanh
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, từ ngày 1/7/2011, SSI sẽ không còn nghiệp vụ tự doanh. Đây có thể là bước khởi đầu cho một xu hướng mới trong việc tách các nghiệp vụ có tính xung đột lợi ích giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư.
Theo ông Hưng, SSI đang hoàn tất các thủ tục chuyển đổi các khoản tự doanh của SSI sang Công ty Quản lý Quỹ SSI - SSIAM (công ty mà SSI nắm 100% vốn điều lệ). Theo lộ trình, từ ngày 1/7/2011, SSI sẽ không còn nghiệp vụ tự doanh, mà chỉ còn các nghiệp vụ như môi giới, tư vấn, quản lý danh mục đầu tư và bảo lãnh phát hành.
Trong thời gian qua, một vấn đề lớn tồn tại trên thị trường chứng khoán là những xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư và công ty chứng khoán, đặc biệt là những công ty có hoạt động tự doanh lớn. Do đó, rất nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra thiếu lòng tin khi cho rằng, nhiều công ty chứng khoán đã tranh mua, tranh bán cả với nhà đầu tư. Trước đây, khi giao dịch trực tuyến chưa được ứng dụng rộng rãi, các nhà đầu tư còn đồn đoán về vấn đề các công ty chứng khoán “nhồi” lệnh tự doanh của mình vào trước, rồi mới đưa lệnh của nhà đầu tư vào sau.
Trong khi đó, các bản tin phân tích của công ty chứng khoán đưa ra hàng ngày, hàng tuần, liên quan đến thị trường và các cổ phiếu cũng bị các nhà đầu tư nghi ngờ về tính khách quan của các phân tích này. Lý do về sự nghi ngờ này cũng rất đơn giản, rất có thể, các công ty chứng khoán có quyền lợi liên quan đến các cổ phiếu mà họ đang phân tích.
Ngoài ra, khi công ty chứng khoán kiêm luôn cả hoạt động tự doanh, thì các thông tin giao dịch của nhà đầu tư cũng có thể bị “rò rỉ” từ bộ phận môi giới sang bộ phận tự doanh. Tương tự, các thông tin từ bộ phận tư vấn cũng rất dễ “chạy” sang bộ phận tự doanh. Tại các công ty chứng khoán, các chuyên viên tư vấn có điều kiện tiếp cận rất sâu các nguồn tài liệu, thông tin về các doanh nghiệp là khách hàng của họ. Chính vì vậy, nếu các thông tin này “rò rỉ” sang bộ phận tự doanh, thì công ty chứng khoán hoàn toàn có thể “chạy trước” các nhà đầu tư.
Theo ông Huy Nam, chuyên gia chứng khoán, ở một thị trường chuyên nghiệp, các công ty chứng khoán cần phải tách bạch rõ ràng bộ phận tự doanh với các bộ phận khác của công ty chứng khoán.
Trên thị trường chứng khoán, sự tách bạch này được thể hiện thông qua một khái niệm được gọi là “Bức tường Trung Hoa” (Chinese Wall), để nói lên các biện pháp có tính công cụ nhằm ngăn chặn sự lan truyền thông tin kín giữa các bộ phận trong cùng một công ty. Bức tường Trung Hoa do vậy chỉ là sự ước lệ, được dựng lên bằng các biện pháp quản lý, các quy chế, thủ tục có hiệu lực đủ mạnh như một công cụ nhằm cách ly hướng thông tin theo ý đồ và bảo vệ nguồn thông tin cần giữ kín.
Đánh giá về động thái tách hoạt động tự doanh của SSI sang SSIAM, để chỉ tập trung vào các nghiệp vụ còn lại là môi giới, tư vấn, quản lý danh mục đầu tư, bảo lãnh phát hành, phần lớn nhà đầu tư đều tỏ ra lạc quan.
Tuy nhiên, cũng vẫn có những ý kiến tỏ ra nghi ngờ về những hiệu quả sau khi nghiệp vụ tự doanh đã được tách bạch. Nhà đầu tư có nickname là iumoney trên Diễn đàn Trái tim Việt Nam Onlines cho biết, thực ra, chỉ chừng nào SSI dẹp luôn công ty quản lý quỹ tự doanh, để chỉ còn là công ty môi giới thuần túy, thì mới đảm bảo sự minh bạch.
Mặc dù vậy, trên đây, cũng chỉ là một ý kiến cá nhân, còn lại, đa phần nhà đầu tư đều cho rằng, việc tách bạch hoạt động tự doanh sang công ty quản lý quỹ là động thái tích cực, thể hiện xu hướng chuyên nghiệp hơn. Ít nhất là, việc thông tin “chạy” từ công ty chứng khoán sang công ty quản lý quỹ (nếu có) dù sao cũng vẫn khó hơn là “chạy” ngay trong cùng một công ty.
Chí Tín
đầu tư
|