Thứ Ba, 08/03/2011 09:58

3 nội dung nổi cộm mùa đại hội

Đến hẹn lại lên, tháng 3, tháng 4 là cao điểm các DN niêm yết tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ). Mùa đại hội thường niên năm nay có thể không mấy êm ả, bình yên, nhiều nội dung sẽ trở nên nóng bỏng…

Phát hành thêm: Câu chuyện sẽ nóng

Phát hành huy động vốn là chủ đề nóng xuyên suốt của mùa đại hội năm ngoái. Sắp tới, câu chuyện cũ có thể một lần nữa “ấm” lên. Bởi lẽ, hiện tại, lãi suất vay ngân hàng đang dao động quanh mức 20%/năm, cao hơn nhiều so với mặt bằng lãi suất 12 - 14%/năm cùng thời điểm này năm 2010.

Chi phí vốn tăng cao, chắc chắn mùa đại hội sắp tới sẽ xuất hiện nhiều tờ trình của HĐQT các DN xin ý kiến cổ đông về việc huy động vốn. Tuy nhiên, ở góc độ cổ đông, năm 2010, hầu hết không hưởng lợi ích gì khi thực hiện quyền: sau ngày điều chỉnh kỹ thuật, giá các cổ phiếu đều tụt dốc mạnh. Tính ra, việc cổ đông trung thành thực hiện “lăn chốt” không khôn ngoan bằng việc NĐT “ngồi chơi xơi nước” túc tắc mua lại cổ phiếu giá rẻ trên sàn. Vì vậy, việc phát hành sẽ được mổ xẻ kỹ trong mùa đại hội năm nay.

Bên cạnh các hình thức huy động truyền thống, nét mới trong năm 2011 là xuất hiện hình thức huy động mới qua “hợp đồng hợp tác đầu tư”. Nhưng  hình thức này rất mới mẻ, có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây và chưa có văn bản hướng dẫn, nên cũng có thể tạo ra nhiều kẽ hở. Bởi vậy, đây có thể là một nội dung “thú vị” trong các phương án huy động vốn sắp tới.

Trước đây, năm nào cũng cũng xuất hiện sự căng thẳng trong ĐHCĐ xuất phát từ mức giá phát hành cho các cổ đông hiện hữu. Chẳng hạn, năm ngoái, ĐHCĐ của CTCP Licogi 16 (LCG) kéo dài quá trưa chủ yếu do thảo luận về mức giá chào bán cho các cổ đông hiện hữu. Cuối cùng, đại hội chỉ đi đến kết luận khi có sự nhượng bộ của ban điều hành. Năm nay, các DN đặt mục tiêu tham vọng phát hành ngang giá trị sổ sách khó có thể nhận được sự đồng thuận cao khi các cổ đông đang kiệt quệ về tài chính.

Năm 2010, kênh phát hành riêng lẻ đã vấp phải trở ngại đáng kể với quy định hạn chế chuyển nhượng vốn 1 năm. Để tạo sức hấp dẫn, một số DN đã đưa mức giá chào bán bằng mệnh giá, thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách. Tuy nhiên, đã có DN tận dụng điều này để phát hành cổ phiếu giá rẻ cho lãnh đạo. ĐHCĐ một DN ngành bán lẻ đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 2,5 triệu cổ phiếu với mức chiết khấu thấp hơn giá thị trường khoảng 30%. Ban điều hành đại hội giải thích về tiêu chí chọn lựa NĐT là nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho sự phát triển của công ty. Nhưng khi bản cáo bạch của đợt phát hành công bố, cổ đông mới được biết có 4/7 NĐT đang nắm các cương vị chủ chốt tại DN! Quá dễ dãi trong việc ủy quyền cho HĐQT về phương án phát hành riêng lẻ, các cổ đông hiện hữu có thể rơi vào tình huống “há miệng mắc quai”.

Huy động vốn bằng phát hành trái phiếu chuyển đổi có thể được lựa chọn nhiều hơn trong năm nay. Tuy nhiên, mới đây, sự kiện trái phiếu chuyển đổi của CTCK Sài Gòn được tính giá chuyển đổi cao hơn giá thị trường của cổ phiếu SSI (ngày 3/3) khoảng 40% khiến mùa đại hội sắp tới, nhiều DN và cổ đông có phương án phát hành có thể sẽ phải bàn thảo kỹ về lãi suất, thời hạn và mức giá chuyển đổi để vẹn toàn đôi đường: hiệu quả sử dụng vốn DN và lợi ích cổ đông.

Sử dụng vốn và chỉ tiêu kinh doanh

Năm 2010, nhiều cổ đông trung thành lâm vào cảnh dở khóc dở cười từ chiêu thức bán “bia hơi kèm lạc” của DN. Chiếc bẫy ngọt ngào được tạo ra khi DN chốt quyền trả cổ tức tiền mặt, chia thưởng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm trong cùng một ngày. Tuyệt chiêu móc túi cổ đông, cho 1 đồng lấy 10 đồng của DN có thể tiếp tục lặp lại trong năm nay. Để tránh tình trạng mang “tiền nhà” góp cho các DN niêm yết trả nợ hay gửi ngân hàng, điều cần thiết đối với các cổ đông là cần yêu cầu DN đưa hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cũng như các chỉ tiêu kinh doanh khác của DN ra mổ xẻ nghiêm túc trên bàn nghị sự.

Gần đây, khi hiện tượng lợi nhuận “bánh vẽ” xuất hiện, thì vẫn có nhiều DN kinh doanh hiệu quả duy trì truyền thống đặt kế hoạch “an toàn”. Mới nhất, ngày 28/2, ĐHCĐ CTCP Phân phối khí thấp áp dầu khí Việt Nam (PGD) đã thông qua chỉ tiêu lợi nhuận năm 2011. So với mức thực hiện năm 2010, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của PGD giảm gần 40%. Đây không phải là lần đầu tiên DN này thận trọng. Năm 2010, PGD cũng đặt kế hoạch lợi nhuận giảm gần 50% so với mức thực hiện năm 2009. Tuy nhiên, thực tế, PGD vượt 115% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế. Tương tự, là một DN tên tuổi, nhưng Đạm Phú Mỹ (DPM) cũng luôn xây dựng chỉ tiêu kinh doanh rất khiêm tốn. Lợi nhuận dự kiến luôn là nhân tố tham khảo quan trọng để NĐT quyết định giao dịch cổ phiếu của DN. Tuy nhiên, gần đây, chỉ tiêu này đã không còn phản ánh trung thực kỳ vọng thật của ban điều hành.

Năm 2010, một loạt DN rơi vào thua lỗ hay có kết quả kinh doanh nghèo nàn. Điều này hứa hẹn sẽ nóng ở nội dung chất vấn: CTCK Kim Long (KLS) lỗ và chuyển đổi mô hình hoạt động; Vạn Phát Hưng (VPH) hoàn thành 9,5% kế hoạch; MT Gas  (MTG) hoàn thành 4,1% kế hoạch…

Phân chia lợi nhuận: Đôi dòng quyền lợi

Năm trước, ĐHCĐ bất thường của CTCP Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam (PGS) thông qua việc phát hành ưu đãi gần 0,8 triệu cổ phiếu ưu đãi cho CBCNV. Điều đáng nói là số cổ phần này không bị hạn chế chuyển nhượng như các cổ phiếu ESOP khác. Một số cổ đông nhỏ coi đây là hình thức “thưởng khéo” cho CBCNV của PGS.

Ở một số công ty có gốc là công ty quốc doanh, các đại diện phần vốn nhà nước được hưởng lợi nhiều từ việc trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi song song với cổ tức, nên phương án phân chia lợi nhuận thường không có lợi cho cổ đông bên ngoài. Chẳng hạn, CTCP Domexco (DMC) mấy năm gần đây luôn trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi lên tới 15% lợi nhuận sau thuế (mức phổ biến mà các DN khác đang làm là trên dưới 5%). Tính ra, quỹ khen thưởng phúc lợi của DMC tương đương 1/3 số tiền hàng năm Công ty trả cổ tức cho các cổ đông. Tuy nhiên, các DN ngành than mới thực sự dẫn đầu với việc cổ tức tiền mặt hàng năm duy trì ở mức 15% nhưng trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi có thể lên tới 58% (Than Cao Sơn), 50% (Than Cọc Sáu)… Thực tế bất thường này có thể có nguyên nhân từ việc cổ đông nhà nước chiếm quá bán tại các DN này nên gần như người đại diện phần vốn nhà nước có thể đơn phương ra các quyết định trong đại hội.

Theo thông lệ, lợi nhuận sau thuế công bố là lợi nhuận thuộc về cổ đông đại chúng. Việc khen thưởng chỉ mang ý nghĩa khi DN hoàn thành vượt trội chỉ tiêu kinh doanh so với bối cảnh chung. Khi đó, cổ đông sẽ sẵn sàng chấp thuận trích một phần lợi nhuận sau thuế để thưởng cho ban lãnh đạo và CBCNV. Việc trích lập các quỹ theo kiểu “thưởng thêm” cho ban lãnh đạo hay CBCNV thực sự là một điểm trừ lớn đối với các DN này.       

Giang Thanh

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên 2011 (07/03/2011)

>   Áp lực giải chấp không lớn (07/03/2011)

>   Bất ổn vĩ mô đối với thị trường chứng khoán: Khó ta, dễ người? (07/03/2011)

>   Cổ phiếu treo: “Bóng” trong chân Bộ Tài chính! (07/03/2011)

>   Cần cơ chế thông tin minh bạch về CTCK (07/03/2011)

>   Chứng khoán đón sóng tái cơ cấu (06/03/2011)

>   Chủ tịch chứng khoán Kim Long: ‘Chúng tôi đang như bị ngộ tiền’ (06/03/2011)

>   Lịch Đại hội cổ đông thường niên tuần 07-13/03 (06/03/2011)

>   14/03, HRC chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên 2011 (05/03/2011)

>   DHT tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 1 không thành (05/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật