Áp lực giải chấp không lớn
VN-Index lùi sâu xuống mốc quanh 450 điểm và “quả tạ” mang tên giải chấp lại treo lơ lửng trên đầu nhà đầu tư. Tuy nhiên, các khoản vay cầm cố hiện tại được dự báo là không lớn.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, chỉ số VN-Index đã giảm tới 70 điểm, trong khi đó, diễn biến sức cầu vẫn tỏ ra khá yếu, kèm theo khối lượng giao dịch lèo tèo, khiến tâm lý nhà đầu tư càng trở nên bi quan hơn.
Đánh giá về sự sụt giảm của thị trường trong thời gian qua, ông Nguyễn Đức Thi, chuyên viên phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan đến từ biến động vĩ mô, cũng như chính sách thắt chặt tiền tệ, yếu tố tâm lý là một trong những lý do chính đẩy thị trường giảm sâu. Sự bi quan thể hiện rõ trong tâm lý của nhiều nhà đầu tư sau giai đoạn sụt giảm đi xuống kéo dài hơn 1 năm của chỉ số VN-Index đã được cụ thể hóa bằng việc bán tháo và thoát khỏi thị trường.
Bên cạnh đó, áp lực chi phí lãi vay tăng cao, cũng như áp lực giải chấp do thị trường điều chỉnh quá nhanh chỉ trong một thời gian ngắn, cũng là những yếu tố làm tăng lượng cung cổ phiếu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hải, Trưởng phòng Nghiên cứu Phân tích (Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam) cho rằng, thị trường chứng khoán đã phản ứng với những thay đổi vĩ mô qua các phiên giao dịch gần đây. Bên cạnh đó, hiện các bước thắt chặt tài khoá đang được cơ quan chức năng triển khai bước đầu. “Trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng, các biện pháp triển khai sẽ còn mạnh mẽ hơn và vì vậy, thị trường chứng khoán sẽ còn khó khăn trong những tháng tới”, ông Hải nói.
Theo các nhà quan sát thị trường, qua diễn biến thị trường trong quá khứ, khi thị trường giảm điểm xuống một mặt bằng mới, thì thị trường chứng khoán sẽ lại phải đối mặt với một lượng cổ phiếu bị “xả hàng”, do đây là những cổ phiếu xuất phát từ nguồn gốc tiền vay cầm cố chứng khoán. Đợt giải chấp lớn nhất mà thị trường chứng khoán từng phải chứng kiến là thời gian năm 2008. Đây là giai đoạn số cổ phiếu bị “bán một cách bất đắc dĩ” do các hợp đồng vay cầm cố trước đó rất lớn và hệ quả là, thị trường tuột dốc trong 1 năm liền. Sau đó, thị trường cũng phải chứng kiến một số thời điểm cổ phiếu bị giải chấp, chẳng hạn như đợt sụt giá cuối năm 2009.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, nếu thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay giảm thêm, thì áp lực giải chấp cũng sẽ không nhiều như trong 2 lần trước. Lý do là, sau những “bài học” đắt giá từ những lần trước, nhà đầu tư và công ty chứng khoán đều đã thận trọng hơn, nên các hợp đồng vay cầm cố chứng khoán đã giảm rất nhiều.
Hơn nữa, các lần thị trường chịu áp lực giải chấp lớn trước đây thường diễn ra sau một thời điểm thị trường tăng “nóng”. Chính những thời điểm “nóng” của thị trường là những miếng mồi “nhử” nhiều nhà đầu tư phải học bài học giải chấp sau khi thị trường quay đầu giảm giá sau đó.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam trong suốt năm 2010 vừa qua hầu như không có sóng lớn đáng kể và điều này lại trở thành một điều may mắn cho giới đầu tư, vì thị trường không có một giai đoạn hấp dẫn nào để nhà đầu tư lao vào các khoản vay cầm cố.
Trở lại động thái của thị trường, các chuyên gia cho rằng, mặc dù khả nămg giảm điểm vẫn còn treo lơ lửng, nhưng đứng trên khía cạnh giá trị, phần lớn cổ phiếu trên thị trường đều có mức sụt giảm trên 15% trong thời gian qua, cá biệt có những mã đã giảm 50% giá trị. Vì vậy, ở góc độ đầu tư dài hạn, các chuyên gia thuộc Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết: “Chúng tôi không còn khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục bán giảm tỷ trọng tại thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, việc gia tăng tỷ trọng cũng không được chúng tôi khuyến khích, do bối cảnh hiện tại còn nhiều rủi ro”.
Chí Tín
đầu tư
|