Thứ Bảy, 05/03/2011 10:16

Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công

“Bà đỡ” không có nghĩa là nhà đầu tư vốn lớn

“Phải cơ cấu lại các nguồn vốn để làm sao việc sử dụng vốn đạt hiệu quả cao nhất. Nhà nước phải làm đúng vai trò “bà đỡ” trong nền kinh tế để đạt các mục tiêu tăng trưởng và phúc lợi xã hội, đồng thời xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư, thay vì Nhà nước là nhà đầu tư vốn lớn nhất, chi phối của cải xã hội như hiện nay” - đó là khẳng định của ông Hà Văn Hiền - Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội. Ông cho biết:

Ông Hà Văn Hiền - Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội

- Phải khẳng định rằng đầu tư của Nhà nước đã là động lực quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt phát huy trong những giai đoạn nền kinh tế khó khăn, đầu tư từ những khu vực khác suy giảm. Tuy nhiên, trong nhiều năm, chúng ta đã duy trì mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào vốn, vào sử dụng lao động giá trị thấp, khai thác tài nguyên đã dẫn đến nhiều hạn chế mà đến giờ nền kinh tế phải gánh chịu.

Đó là sự mất cân đối vĩ mô, nợ công gia tăng, bội chi ngân sách ở mức cao, nhập siêu cao nhiều năm chưa được kiềm chế, lạm phát cao, mất cân đối cán cân thanh toán lớn, dự trữ ngoại tệ mỏng... Đặc trưng rõ nét  của mô hình tăng trưởng này là khả năng tiết kiệm của nền kinh tế và nguồn vốn đầu tư mất cân đối, phải dựa nhiều vào nguồn vốn bên ngoài. Một số năm gần đây, bội chi ngân sách ở ngưỡng vượt mức cho phép (5% GDP) khá cao. Việc tăng huy động từ các nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay ODA và các nguồn khác cho đầu tư dẫn đến bội chi ngân sách, nợ công tăng cao. Năm 2011, Uỷ ban Kinh tế đã kiến nghị Chính phủ cần giảm bội chi ngân sách xuống 5%.

Nhưng khi QH thảo luận, lại đưa ra mức bội chi cao hơn mức này (5,6%). Thực tế là Quốc hội cũng chưa kiên quyết và Chính phủ cũng chưa quyết tâm để quyết liệt giảm bội chi trong bối cảnh nhiều lĩnh vực đầu tư công chúng ta hoàn toàn có thể cắt giảm và giữ bội chi ở mức cho phép.

Việc quá tập trung đầu tư cho kinh tế, trong khi đầu tư thấp hơn cho các lĩnh vực xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục, đầu tư phát triển con người mà các yếu tố này được xem là then chốt cho một nền kinh tế tri thức, ông có cho rằng trong thời gian tới, mô hình tăng trưởng của VN cần có những chuyển biến mạnh mẽ tập trung vào các lĩnh vực này không?

- Theo tôi, cơ cấu lại tỉ trọng vốn đầu tư công để làm sao sử dụng vốn đạt hiệu quả cao nhất chính là vấn đề mấu chốt hiện nay. Chỉ có xác định được tối ưu cơ cấu vốn đầu tư thì việc sử dụng vốn mới đạt hiệu quả, từ đó mới có các tiêu chí để xác định đầu tư vào các lĩnh vực nào, nhiều hay ít, lúc nào cần đầu tư... Chẳng hạn nói đầu tư cho các lĩnh vực xã hội ít, chỉ đúng một phần trên thực tế là việc đầu tư vẫn năm sau cao hơn năm trước, vấn đề là mối tương quan giữa đầu tư cho các lĩnh vực xã hội với các lĩnh vực khác thì chưa lớn, phải cơ cấu lại để tăng cường hơn.

Tuy nhiên, muốn cơ cấu hợp lý để mang lại hiệu quả tối ưu thì phải dựa trên cơ sở có chiến lược, quy hoạch phát triển hợp lý. Vì sao đầu tư kém hiệu quả? Nguyên nhân sâu xa là do chưa có một quy hoạch, chiến lược phát triển đúng đắn. Tình trạng có quy hoạch nhưng chất lượng quy hoạch thấp; có quy hoạch, nhưng không thực hiện theo quy hoạch, hoặc điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện, đều dẫn đến việc sử dụng vốn kém hiệu quả, dàn trải, lãng phí...

Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, các biện pháp được nêu trong Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm giảm tổng cầu và giảm lượng cung tiền của nền kinh tế, từ đó chống lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô là những biện pháp rất hữu hiệu. Bên cạnh đó, chủ trương cắt giảm số lượng các dự án đầu tư không hiệu quả, tập trung nguồn vốn cho các dự án phát huy sớm hiệu quả đầu tư là chủ trương đã được thực hiện.

Chính phủ cũng vừa giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư thành lập các nhóm công tác làm việc với các địa phương, các ngành để rà soát, cắt giảm dự án. Tôi cho đây là những giải pháp rất mạnh mẽ. Song để quyết liệt hơn, Chính phủ cần giao chỉ tiêu trực tiếp cho các tỉnh, các ngành đăng ký cắt giảm số lượng dự án. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát. Về lâu dài, Nhà nước cần thực hiện đúng vai trò là bà đỡ, không phải là nhà đầu tư lớn như hiện nay.

Vốn đầu tư công được sử dụng như nguồn vốn mồi để khuyến khích các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư. Đặc biệt, vốn nhà nước phải giảm dần đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tập trung cho đầu tư cơ sở hạ tầng; đồng thời, tăng cường huy động các hình thức thu hút vốn như mô hình hợp tác công - tư (PPP) đã được nhiều địa phương triển khai hiệu quả thời gian qua.

“Trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn thì việc đầu tư không theo một quy hoạch đúng đắn mang tính dài hạn đã dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, hệ số ICOR cao. Lĩnh vực cần đầu tư thì không được tập trung, trong khi nhiều lĩnh vực khác lại “rải mành mành”.

- Xin cảm ơn ông.

Hồng Quân

lao động

Các tin tức khác

>   Tập trung sức cao nhất kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô (04/03/2011)

>   Nhật Bản tài trợ 6 tỷ USD cho cảng Lạch Huyện và sân bay Long Thành (04/03/2011)

>   Thắt chặt chi tiêu công : Bài học từ EU (04/03/2011)

>   Ông John Hendra “Tăng trưởng kinh tế là cần nhưng chưa đủ” (04/03/2011)

>   Thuốc nào trị lạm phát “đặc thù” của Việt Nam? (04/03/2011)

>   Thắt chặt đầu tư cũng mang đến cơ hội (04/03/2011)

>   Mekong Capital đầu tư 3,4 triệu USD vào Hóa chất Á Châu (03/03/2011)

>   Hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô (03/03/2011)

>   Doanh nghiệp tư nhân Mỹ muốn rót vốn vào Việt Nam (03/03/2011)

>   Tác động của tăng giá điện, xăng dầu (03/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật