Thứ Năm, 17/02/2011 16:01

Vietcombank: Thời và thế

Cuối tháng 1-2011, hai ngày trước khi các ngân hàng đóng cửa nghỉ Tết Nguyên đán, lãi suất tiền đồng qua đêm trên thị trường liên ngân hàng vọt lên 20-23%/năm. Sau khi Vietcombank và một số tổ chức tín dụng cam kết khả năng tiền sẽ quay trở lại ngân hàng sau Tết, Ngân hàng Nhà nước “bơm” tiền ra mạnh. Ngay lập tức lãi suất qua đêm tụt xuống 13%/năm. Cũng ngày hôm đó, Vietcombank là ngân hàng bán đô la Mỹ nhiều nhất khi tỷ giá có dấu hiệu căng thẳng. Vai trò dẫn đầu và khó có thể thay thế của Vietcombank trong hệ thống ngân hàng một lần nữa được khẳng định!

Có lãi trong tất cả các nghiệp vụ

Năm 2010 Vietcombank là ngân hàng lớn duy nhất có lãi trong tất cả các mảng hoạt động, kể cả kinh doanh chứng khoán và ngoại hối. Trong khi không ít ngân hàng lỗ vì kinh doanh ngoại tệ – một điều không khó hiểu trong bối cảnh điều hành tỷ giá còn nhiều điểm chưa hoàn hảo – Vietcombank vẫn lãi từ nghiệp vụ này 570 tỉ đồng. Thị trường chứng khoán èo uột, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư của ngân hàng vẫn đạt 281 tỉ đồng. Sau khi trích dự phòng rủi ro tín dụng 1.471 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế cả năm của Vietcombank lên đến 5.426 tỉ đồng, cao nhất trong các ngân hàng (Nguồn: Báo cáo tài chính 2010). Tỷ lệ lợi nhuận trước thuế trên vốn điều lệ gần 45% (vốn trước khi tăng là 12.100 tỉ đồng-NV) là mục tiêu mà không một tổ chức tài chính nào không mơ ước.

Đang có những ý kiến nền kinh tế và doanh nghiệp còn khó khăn, nhưng các ngân hàng lãi nhiều, trong đó có Vietcombank. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận của Vietcombank do Nhà nước hưởng bởi Nhà nước đang nắm giữ 90,72% cổ phần ngân hàng này. Hai năm 2008-2009 Vietcombank chia cổ tức tiền mặt 12%/năm và Nhà nước được nhận 1.317 tỉ đồng/năm. Chưa kể khi cổ phần hóa, Vietcombank đã nộp ngân sách Nhà nước số thặng dư hơn 9.000 tỉ đồng. Từ trước đến nay, chưa có doanh nghiệp cổ phần hóa nào nộp cho ngân sách mức thặng dư cao như thế. Trong khi đó đa số cổ đông Vietcombank, kể cả cán bộ công nhân viên, mua cổ phần khi ngân hàng IPO với giá đấu giá bình quân hơn 100.000 đồng/cổ phiếu và qua hai lần nhận cổ tức, đến nay so với giá giao dịch trên sàn, vẫn chưa hòa vốn!

Sự bất cập ấy chịu tác động rất lớn của yếu tố khách quan: Vietcombank phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng đúng vào thời điểm thị trường chứng khoán đang ở đỉnh cao thăng hoa. Cái đáng nói là bản thân Vietcombank nhận ra điều ấy và ngân hàng đã nỗ lực trong kinh doanh, mang lại lợi ích tối đa có thể cho cổ đông  – những người vẫn đang chịu thiệt thòi khi đầu tư vào ngân hàng (trừ Nhà nước). Nhìn từ đây, mới thấy hết giá trị cũng như ý nghĩa của mức lợi nhuận mà Vietcombank đã đạt được trong năm qua.

Đã gần cập bến

Tiến trình cổ phần hóa ở Vietcombank chưa thể xem là hoàn tất khi ngân hàng chưa tìm được đối tác chiến lược nước ngoài. Sau một thời gian dài tìm kiếm, cuối cùng “con thuyến” đối tác chiến lược của Vietcombank đã gần cập bến khi hiện ngân hàng đã chọn được bốn nhà đầu tư, là các định chế tài chính tên tuổi của Nhật, Úc, Singapore, vào “chung kết”. Sẽ còn những cuộc thương lượng, những cuộc khảo sát toàn diện (due diligence) của các bên trước khi đi đến thỏa thuận cuối. Nhưng mục tiêu của các bên đều khá rõ ràng và các cuộc đối thoại là sòng phẳng.

Vietcombank, như khẳng định của hội đồng quản trị trong các đại hội cổ đông hàng năm, sẽ chỉ bán cổ phần cho một đối tác chiến lược nước ngoài với mức tối đa theo luật định (có sự đồng ý của Chính phủ) là 20% vốn điều lệ. Sở dĩ như vậy là do Vietcombank muốn một sự đồng thuận cao nhất có thể trong hội đồng quản trị. Lãnh đạo Vietcombank xác định rõ bên cạnh việc hỗ trợ công nghệ, đào tạo nhân lực, kinh nghiệm, việc mua cổ phần của đối tác chiến lược là đầu tư tài chính. Do đó giá bán sẽ phải tương đối cạnh tranh, bởi một khoản đầu tư, cho dù dài hạn đến đâu, cũng phải đến lúc chốt lời trong tương lai.

Đợt tăng vốn vừa qua đã giúp Vietcombank nâng vốn điều lệ lên 17.580 tỉ đồng. Bán 20% vốn cho nước ngoài tương đương hơn 3.500 tỉ đồng. Vietcombank sẽ phát hành thêm số cổ phiếu tương đương 3.500 tỉ đồng và giữ nguyên số cổ phần của Nhà nước. Như thế lợi ích của cổ đông Nhà nước vẫn được đảm bảo. Toàn bộ thặng dư trong đợt phát hành này sẽ thuộc về ngân hàng. Đó là khoản tiền không nhỏ, có thể lên tới cả chục ngàn tỷ đồng, cải thiện đáng kể năng lực tài chính ngân hàng. Nó cũng tạo điều kiện nâng giá trị sổ sách của cổ phiếu. Ngoài ra Vietcombank đang dự kiến xin ý kiến đại hội cổ đông sắp tới chia cổ tức năm 2010 12% bằng cổ phiếu. Tính ra trong năm 2011 vốn điều lệ của Vietcombank có khả năng tăng lên 23.200 tỉ đồng.

 Mối quan tâm của giới tài chính là Vietcombank sẽ bán cổ phần cho nước ngoài với giá bao nhiêu? Phía nước ngoài sẽ thuê tổ chức định giá độc lập và họ có nhiều thông số để tham khảo như giá cổ phiếu ngân hàng trong khu vực nói chung, Việt Nam nói riêng; giá các thương vụ của ngân hàng nội địa bán cho nước ngoài vừa qua; giá IPO và nhất là giá đang giao dịch của Vietcombank trên sàn. Cộng với đó là mức chiết khấu của những rủi ro, thuận lợi của môi trường tài chính. Tất nhiên giá chào bán của Vietcombank cũng phải tính đến các yếu tố trên để có mức hợp lý.

Các quỹ ETF và cổ phiếu Vietcombank

Sẽ là không đầy đủ nếu không cập nhật mối quan tâm của các ETF (quỹ đầu tư chỉ số VN-Index) đến cổ phiếu Vietcombank gần đây. Trong vòng sáu tháng qua các quỹ ETF liên tục mua vào cổ phiếu Vietcombank. Đến nay chỉ riêng Market Vectors VN ETF đã sở hữu khoảng 13 triệu cổ phiếu VCB. Số lượng sở hữu của DB X-trackers FTSE VN cũng ngang ngửa. Hiện nước ngoài nắm giữ khoảng 39% lượng cổ phiếu VCB niêm yết trên sàn (số lượng niêm yết hiện hành xấp xỉ̀ 122,7 triệu cổ phiếu). Nhà đầu tư trong nước nắm giữ phần còn lại, khoảng 75 triệu cổ phiếu. Trong số 75 triệu này, tổ chức sở hữu 44%, cá nhân 56%. Tổ chức trong nước đang có cổ phiếu VCB chủ yếu là các quỹ đóng, các công ty tài chính, ngân hàng. Ngân hàng Quân đội, Á châu đang có trong tay lượng lớn cổ phiếu VCB. Chẳng hạn ACB đang sở hữu 12 triệu cổ phiếu VCB. Đây là những khoản đầu tư lâu dài. Như vậy, lượng cổ phiếu thực sự đang lưu hành của Vietcombank chỉ còn khoảng 40 triệu. Một lượng không nhỏ trong số 40 triệu đó được đầu tư từ ngày IPO.                

Hơn một tháng rưỡi trước Vietcombank đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước xin được niêm yết số cổ phiếu do Nhà nước nắm giữ. Đề nghị của Vietcombank đang chờ NHNN chấp thuận. Khi Vietcombank bán cổ phần cho nước ngoài, nhu cầu niêm yết toàn bộ cổ phiếu càng trở nên cần thiết. Từ đây, đã rõ Vietcombank mới thực sự là doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất thị trường, vượt cả BVH (tập đoàn Bảo Việt). Dễ hiểu vì sao các quỹ ETF chú trọng đến cổ phiếu VCB đến vậy trong danh mục đầu tư của họ. Giao dịch cổ phiếu VCB của các ETF đang gây hiệu ứng lan tỏa trong các quỹ đầu tư khác một khi các quỹ này không muốn giá trị tài sản ròng (NAV) của họ có khoảng cách quá xa so với mức tăng trưởng chung của thị trường. Còn xét về đầu tư giá trị, năng lực tài chính cũng như tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hàng năm và vị thế dẫn đầu ngành của Vietcombank hoàn toàn đủ sức thuyết phục các nhà đầu tư khó tính. Để minh chứng cho lợi thế của Vietcombank, có thể dẫn một con số: số dư vốn huy động đến cuối năm ngoái của ngân hàng đạt 205.486 tỉ đồng, trong đó có 48.967 tỉ đồng tiền gửi không kỳ hạn (lãi suất thấp). Liệu có bao nhiêu ngân hàng có thể cạnh tranh với Vietcombank về điểm này?   

Hải Lý

Lao động

Các tin tức khác

>   DVD: 01/03 chốt danh sách tham dự ĐHĐCĐ bất thường (17/02/2011)

>   Năm 2010, doanh thu các CTCK đạt trên 10,000 tỷ đồng (17/02/2011)

>   Thị trường dưới tác động của tỷ giá (17/02/2011)

>   23/02, OPC, PHT, DRC, NSC chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên 2011 (17/02/2011)

>   Nhiều quỹ đầu tư rút vốn qua niêm yết (17/02/2011)

>   Cổ phiếu “ăn theo” tỉ giá (16/02/2011)

>   Cần câu hay con cá? (16/02/2011)

>   VietABank chuyển đổi 1.6 triệu trái phiếu thành cổ phiếu (16/02/2011)

>   HDC, VNM, DNY, PHS chốt danh sách dự ĐHĐCĐ 2011 (16/02/2011)

>   FPT, VTB, DPM và VNI: Chốt quyền tham dự ĐHĐCĐ 2011 (16/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật