Cổ phiếu “ăn theo” tỉ giá
Nhóm cổ phiếu cao su hưởng lợi kép từ việc tăng tỉ giá USD. Cổ phiếu những ngành ít nhập khẩu nguyên liệu cũng có nhiều lợi thế.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức điều chỉnh tăng tỉ giá 9,3%, dù không bất ngờ nhưng thị trường chứng khoán đã có những phiên giảm điểm vì nhà đầu tư đang chờ đợi thông tin chính thức về chỉ số CPI tháng 2-2011. Các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán thời gian tới sẽ có sự phân hóa theo nhóm ngành.
Cao su, dệt may hưởng lợi
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2010, xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt kim ngạch 2,39 tỉ USD, tăng 94,7% so với năm 2009. Chính yếu tố tăng giá bán đã giúp các doanh nghiệp ngành cao su hưởng lợi lớn. Theo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết ngành cao su năm 2010, hầu hết đều có mức lợi nhuận tăng đột biến từ 40%-90% so với năm 2009. Công ty CP Cao su Phước Hòa (PHR) chỉ trong tháng 1-2011, lợi nhuận ước đạt 95 tỉ đồng do giá bán tăng. Năm 2010, Công ty CP Cao su Đồng Phú (DPR) cũng đạt hơn 395 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng đến 87% so với năm trước. Cũng vượt mức lợi nhuận hơn 75% so năm 2009, năm 2010, Công ty CP Cao su Hòa Bình (HRC) đạt 98,14 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 50% so với năm 2009.
Ngoài yếu tố giá cao su thiên nhiên thế giới tăng đến 58% trong năm qua, việc điều chỉnh tăng tỉ giá USD cũng giúp doanh nghiệp xuất khẩu cao su được lợi kép. Giá cổ phiếu ngành cao su hiện nay được đánh giá thuộc nhóm hấp dẫn, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt bình quân cao (trên 6.000 đồng/cổ phiếu) và nhiều cổ phiếu có EPS đạt đến mức gần 10.000 đồng. Ông Lê Văn Thanh Long, Trưởng Phòng Môi giới cấp cao của Công ty Chứng khoán SME, cho rằng tỉ giá USD chính thức điều chỉnh tăng dù không quá bất ngờ nhưng cũng đã khiến nhà đầu tư thận trọng vì vậy thị trường sẽ có những phiên điều chỉnh giảm hoặc đi ngang. Tuy nhiên, nhìn về trung và dài hạn, các nhóm cổ phiếu có giá trị xuất khẩu ròng sẽ được hưởng lợi. Ngoài cao su, nhóm ngành liên quan đến dệt may cũng được hưởng lợi lớn...
Ngành thủy sản: Lợi nhuận kèm rủi ro
Theo thạc sĩ Lê Đạt Chí, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM, ngành thủy sản cũng là một trong những ngành hưởng lợi lớn từ việc điều chỉnh tỉ giá. Bởi các doanh nghiệp kinh doanh thủy sản có doanh thu xuất khẩu cao, chiếm tỉ trọng lớn trong ngành và chiếm đa số trên sàn. Tuy vậy, ngành này lại mang rủi ro đặc thù, phụ thuộc nhiều vào nỗ lực tìm kiếm thị trường cũng như bảo đảm chất lượng sản phẩm... Ngay kết quả kinh doanh trong năm 2010 của các doanh nghiệp ngành thủy sản cũng cho thấy đã có sự khác biệt lớn. Nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận tăng đến 60%-70% nhưng cũng có đơn vị lợi nhuận giảm. Trong khi FMC của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đạt lợi nhuận 25 tỉ đồng, tăng đến 81% so với năm 2009; cổ phiếu TS4 của Công ty CP Thủy sản 4 có lợi nhuận tăng 36% thì một số doanh nghiệp khác như Công ty CP Thủy sản Mekong (AAM), Công ty CP Thủy hải sản Minh Phú (MPC)... lại giảm lợi nhuận.
Ưu tiên chọn ngành ít nhập khẩu
Ông Nguyễn Trần Hải Đăng, chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán SBS, cho rằng trong thời gian tới, nhà đầu tư nên ưu tiên chọn cổ phiếu của ngành không phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu sẽ có lợi thế. Điển hình là các ngành có sử dụng nguyên vật liệu chủ yếu thuộc ngành nông sản như: cao su, sắn, cà phê, gạo, tiêu, điều... bởi cho dù thị trường có biến động thì những cổ phiếu ngành này thuộc dạng phòng thủ, ít rủi ro.
Riêng nhóm cổ phiếu ngành điện sẽ không có khả năng đột biến, dù giá điện có tăng thì khả năng tăng giá mạnh của nhóm ngành cổ phiếu ngành này không cao. Thực tế chứng minh là vừa qua, khi Chính phủ có quyết định tăng giá điện, lập tức một số cổ phiếu ngành điện tăng giá nhưng sau đó giảm trở lại. |
Sơn Nhung
Người lao động
|