Chủ Nhật, 27/02/2011 23:55

Trợ lực nào cho thị trường gạo?

Trong cuộc họp ngày 10/2/2011với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khẳng định thị trường gạo 2011 sẽ không có khó khăn lớn. Nhận định này được trợ lực trong một xu thế lo ngại đang gia tăng của các tổ chức và giới kinh doanh Quốc tế về giá lương thực leo thang và nỗi ám ảnh khủng hoảng lương thực quay trở lại như năm 2008. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại tình thế xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp phải những thách thức không hề nhỏ. Thời điểm này cũng cần Chính phủ có vai trò mạnh mẽ hơn thúc đẩy xuất khẩu gạo trong một cách tiếp cận mới.

Philippines thay đổi cuộc chơi

Vào thời điểm cuối 2010 và trong tháng 1 năm 2011, một tâm lý lạc quan bao trùm xuất khẩu gạo Việt Nam với các con số ấn tượng xuất khẩu đạt kỷ lục 6,88 triệu tấn với kim ngạch 3,2 tỷ USD, các hợp đồng tập trung với khối lượng lớn của Bangladesh và Indonesia từ năm 2010 chuyển sang đầu năm 2011 tạo cho Việt Nam một “lượng vốn giắt lưng” khá an toàn, và đích kế tiếp sẽ là Philippines một bạn hàng “lâu năm”. Thời điểm này thậm chí còn có sự lo ngại Việt Nam không có nhiều gạo để bán, và nếu có ai ngỏ lời với lượng lớn thì cũng đành chịu vì chỉ trông chờ vào nguồn hàng từ CamPuChia. Có vẻ như năm 2011 sẽ giúp VFA hoàn thành được hai mục tiêu kép thành tích xuất khẩu và thu mua lúa với giá cao cho nông dân.

Nhưng mọi chuyện đang trở nên không dễ dàng, ít nhất là vào thời điểm hiện nay. Có lẽ mấu chốt ở chỗ Việt Nam đã quá kỳ vọng vào Philippines. Việt Nam có lý do để yên tâm về Philippines như mọi năm. Philippines là bạn hàng lớn của Việt Nam, hàng năm nước này nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn gạo của Việt Nam, ngoài ra có một sự đảm bảo ở cấp quốc gia giữa hai nước trong một biên bản ghi nhớ ký kết từ năm 2008 về việc cung ứng gạo của Việt Nam cho Philippines với con số lên đến 1,5 triệu tấn, và biên bản này mới được tiếp tục gia hạn đến năm 2013.

Tuy nhiên, Chính phủ mới của Philippines lại đang hành động không theo như nếp cũ. Kể từ cuối năm 2010, thay vì đưa ra kế hoạch nhập khẩu gạo 2011 như mọi năm, phát biểu của lãnh đạo Philippines trên báo chí đã nói bóng gió về sự điều chỉnh trong chính sách nhập khẩu gạo. Xu hướng này ngày càng mạnh thêm với những chỉ trích của Chính phủ nước này với Cơ quan Lương thực Philippines (NFA) dưới thời Chính phủ tiền nhiệm khi nhập khẩu quá lớn ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và với mức giá quá cao so với thị trường quốc tế. Rất có thể đây là những chí trích mang tính chính trị, nhưng lại đang định hình đến kế hoạch nhập khẩu gạo của nước này. Mặc dù chưa có quyết định cuối cùng nhưng nếu những gì đang hé mở trở thành kịch bản nhập khẩu gạo của Philippines sẽ là điều không thuận lợi đối với Việt Nam trong năm 2011 ở các khía cạnh, (i), lượng nhập khẩu sẽ giảm; (ii), khu vực tư nhân tham gia nhập khẩu mạnh hơn; (iii), Thái Lan và CamPuChia cũng là nguồn cung cấp gạo cạnh tranh với Việt Nam. Phát biểu của Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines cũng tạo ra những phản ứng thị trường bất lợi cho Việt Nam “chúng tôi cũng đang đánh giá tình hình. Chúng tôi có thỏa thuận (MOU) với Việt Nam nhưng chúng tôi không lệ thuộc vào thỏa thuận đó. Chúng tôi có thể hoặc không đối với nguồn gạo từ Việt Nam. Chúng tôi vẫn có lựa chọn/khác”.

Thế khó của thời điểm hiện tại

Một điều bất lợi mà giới kinh doanh đang cảm nhận rất rõ ràng đó là khi Philippines trì hoãn đưa ra kế hoạch nhập khẩu gạo như mọi năm trong khi thị trường gạo trầm lắng đã đẩy Việt Nam vào một tình thế khó khăn. Thị trường gạo trong suốt tháng 1 giao dịch trầm lắng. Ở Trung Đông, Iraq đang chào các gói thầu. Bangladesh vẫn tiếp tục nhập khẩu để tăng dụ trữ để đối phó với giá lương thực leo thang. Trong khi đó các tin tức về lũ lụt ở Srilanka mới ở dạng tiềm năng..

Trong khi đó, suốt từ cuối năm 2010 đến nay Việt Nam đã duy trì mức giá sàn khá cao so với mặt bằng giá thế giới. Đây là lựa chọn hợp lý khi nguồn cung gạo Việt Nam cuối năm hạn hẹp và tạo cho Việt Nam một thế mặc cả thuận lợi đối với Philippines. Tuy nhiên, khi vụ Đông Xuân đang bắt đầu rậm rịch, Philippines vẫn chưa có quyết định cuối cùng và liên tục trì hoãn kế hoạch nhập khẩu 2011, thì giá sàn cao lại là một trở ngại cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các hợp đồng thương mại. Và đến cuối tháng 1 thị trường đã bị rúng động khi Indonesia bất ngờ thỏa thuận mua 820 ngàn tấn gạo của Thái Lan, một lượng lớn chưa có tiền lệ với Thái Lan.

Mặc dù đang có sự điều chỉnh giảm của Indonesia trong nhập khẩu từ Thái Lan, song đã làm thị trường gạo Việt Nam phản ứng theo chiều hướng đi xuống nhanh. Trong khi đó, diễn biến của thị trường xuất khẩu cho thấy thị trường vẫn đang đi xuống, giá gạo xuất khẩu Việt Nam theo nguồn tin của Bộ Tài chính loại 5% tấm ở mức 495 USD/tấn, 25% tấm ở mức 464 USD/tấn. Tuy nhiên, giới thương mại cho rằng mức giá 5% tấm ở mức 475 USD/tấn, 25% tấm 435 USD/tấn, thậm chí một số nguồn tin còn cho biết các tập đoàn thương mại Quốc tế còn ép giá đến mức xấp xỷ 400 USD/tấn cho loại gạo 5% tấm. Giá xuất khẩu tụt xuống kéo theo giá lúa gạo nguyên liệu đang tụt sâu và với một tốc độ nhanh. Giá IR 50404 ở An Giang hiện đang ở mức 5400 đồngkg, giảm khoảng 100 đồng/kg so với mức đỉnh của tháng 12. Giá gạo nguyên liệu ở Tiền Giang ở mức 8500 đồngkg, so với mức xấp xỷ 9500 đồng/kg vào giữa tháng 12/2010. Ở Đồng Tháp giá gạo thành phẩm cũng giảm mạnh 1000 đồng/kg so với tháng 12.

Giá lúa và gạo nguyên liệu đang tụt dốc không thể đảo ngược với áp lực của thu hoạch vụ Đông Xuân và trợ lực của xuất khẩu còn yếu. Trong cuộc họp 10/2, VFA đã cam kết mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ, nhưng chúng ta sẽ chờ xem thực tế hành động của Vinafood 2 và các doanh nghiệp đến đâu trong bối cảnh tiếp cận vốn đang gặp trở ngại với lãi suất ở mức quá cao. Liệu rằng tình trạng ảm đạm những tháng đầu năm 2010 sẽ lặp lại trong năm 2011 với giá lúa giảm sâu gây tác động tiêu cực cho người nông dân?

Cần thêm vai trò của Chính phủ

Thời điểm hiện nay rất cần vai trò của Chính phủ không chỉ để cải thiện tình hình hiện tại mà với một cách tiếp cận mới. Cách hỗ trợ của Nhà nước từ trước đến nay chủ yếu hướng vào trợ giúp nông dân thông qua cánh tay doanh nghiệp thu mua lúa gạo tạm trữ. Tuy nhiên đó là cách tiếp cận “chữa cháy”, đã đến lúc vai trò Chính phủ hướng mạnh hơn vào khai thông thị trường xuất khẩu, tìm đầu ra bằng con đường hỗ trợ thương mại kinh doanh, qua đó hỗ trợ gián tiếp nông dân. Có thể có một số hàm ý như sau:

Một số thị trường tập trung đem lại lượng gạo xuất khẩu ổn định cho Việt Nam trong nhiều năm qua. Nhưng, thay chỉ nhắm đến một vài thị trường tập trung có thể gặp rủi ro, nên mở thêm các thị trường mới.

Chính phủ có thể tham gia tích cực trong công tác xúc tiến thương mại mở đường và mở rộng thị phần như bài học của Thái Lan. Năm 2010, khi gạo của Thái Lan bị Việt Nam và Trung Quốc cạnh tranh mạnh và mất thị phần ở thị trường HongKong, phái đoàn Chính phủ Thái Lan đã sang HongKong để tiến hành làm PR, quảng bá hình ảnh gạo Thái trên các phương tiện giao thông ở thị trường này, gặp gỡ các nhà nhập khẩu HongKong, thuyết phục các nhà hàng kinh doanh tiêu dùng gạo Thái.

So với lúa gạo, ngành thủy sản nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước không chỉ ở lĩnh vực sản xuất mà ở lĩnh vực thương mại và xúc tiến xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp thành lập đơn vị hỗ trợ xuất khẩu với lãnh đạo Bộ trực tiếp chỉ đạo đi khai thông các thị trường trọng điểm.

Đối với ngành lúa gạo rất có lợi thế để Chính phủ thúc đẩy xúc tiến thương mại bởi tầm quan trọng của hạt gạo không chỉ như một sản phẩm thương mại thông thường mà là một mặt hàng “chính trị”, tạo cho Việt Nam có một hình ảnh tích cục hơn trên trường quốc tế.

Phạm Quang Diệu

Agromonitor

Các tin tức khác

>   Bất cập cơ chế điều hành xuất khẩu gạo (27/02/2011)

>   Giá đường, cà phê giảm (25/02/2011)

>   Xuất khẩu gạo 2011: Thách thức không nhỏ (24/02/2011)

>   Philippines sẽ mua 660.000 tấn gạo Việt Nam (24/02/2011)

>   Doanh nghiệp xuất khẩu phải báo cáo gạo tồn kho (23/02/2011)

>   Giá cà phê vượt ngưỡng kỷ lục năm 1995 (23/02/2011)

>   Khủng hoảng lương thực ảo tái diễn? (23/02/2011)

>   Xuất khẩu gạo đạt trên 300 triệu USD (22/02/2011)

>   Giá cà phê Robusta trên thị trường quốc tế thu hút DN Việt Nam (17/02/2011)

>   Xuất khẩu gạo - Bài toán tính kỹ với doanh nghiệp (17/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật