Thứ Tư, 23/02/2011 06:08

Khủng hoảng lương thực ảo tái diễn?

Nhân triển lãm nông nghiệp hàng năm tại Paris (Pháp) khai mạc từ ngày 19-2 đến cuối tháng, báo chí và các hãng truyền thông quốc tế một lần nữa nêu bật sự kiện rất đáng lo ngại về tình trạng giá lương thực ngày càng tăng với các hàng tít lớn: “Nông nghiệp: Cõi thần tiên mới của giới đầu cơ”; “Giá tăng vọt, hành tinh nông nghiệp đảo điên”. Mạng tin Hồng Công (Trung Quốc) Asia Sentinel ngày 21-2 đặt nghi vấn: nguy cơ khủng hoảng lương thực nghiêm trọng đến đâu? Bao nhiêu phần trong đó là tâm lý hốt hoảng và thị trường bị thao túng?

Hình ảnh cũ

2 tuần trước, Indonesia thông báo sẽ tăng kho dự trữ lương thực lên 2 triệu tấn với lý giải rằng vì cả thế giới tăng dự trữ nên họ cũng phải làm vậy. Nó gợi lại hình ảnh năm 2007, khi các nước xuất khẩu gạo “cửa đóng then cài” với thế giới, đẩy giá gạo từ 300 USD/tấn lên 1.100 USD/tấn trong vòng chỉ 6 tháng trước khi giá rơi xuống khoảng 550 USD/tấn thì thế giới nhận ra thực tế rằng không có cuộc khủng hoảng gạo nào cả.

Trong năm ngoái, giá lúa mì đã tăng 74% còn giá bắp tăng 92%. Các hãng tin nêu lại việc giá ngũ cốc trên thế giới hầu như tăng gấp đôi trong vòng vài tháng và kéo theo là giá các loại thực phẩm cũng tăng đang gây xáo trộn nền kinh tế nông nghiệp trên cả hành tinh.

Hai năm 2007-2008, nguy cơ thiếu lương thực trên quy mô toàn cầu làm giá cả tăng gấp đôi dẫn đến bạo động ở khoảng 30 quốc gia. Nhưng khi nguy cơ thiếu hụt lương thực được đẩy lùi lúc gần đến vụ mùa hè năm 2008, giá cả lại xuống và hơn thế, các quốc gia xuất khẩu còn bán rẻ ngũ cốc của họ. Thế nhưng hiện nay thì khác, giá không những không hạ mà còn có thể tăng lên.

Các tờ báo đều nhận định thời tiết là “thủ phạm” đáng kể gây tác động tâm lý và giới đầu cơ gạo là nhân tố chính trong việc đẩy giá tăng liên tục.

Báo Pháp, tờ L’Humanite cho biết, về dự trữ xuất khẩu hiện nay, 60% nằm trong tay Mỹ. Canada và Australia bị thiên tai còn tại một số quốc gia Bắc Âu, chất lượng mùa màng kém trong lúc các nước Arập từ Ai Cập, Algeria, Jordan, Iraq, Libya cho đến Saudi Arabia… đã mua lúa mì nhiều hơn dự kiến. Mùa màng Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu.

Ngoài ra, truyền hình thường xuyên đưa những hình ảnh lũ lụt ở Australia, hạn hán ở Trung Quốc… làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các nước và tạo điều kiện cho giới đầu cơ trục lợi.

Thời tiết khắc nghiệt góp phần gây tâm lý hoang mang về thiếu lương thực.

Không thiếu lương thực

Thực tế, dù các hình ảnh đầy khắc nghiệt nhưng thời tiết không ảnh hưởng quá nặng nề đến các vụ mùa như vậy. Theo số liệu cung cấp bởi một hãng nghiên cứu chuyên về hàng hóa (trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc), vụ mùa của Australia dự kiến vẫn đạt khoảng 24,4 triệu tấn, vụ mùa của Argentina được cho là sẽ vượt ước tính, vụ mùa của Kazakhstan đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán nhưng xuất khẩu vẫn có thể vượt dự kiến vì quốc gia này còn tới 3,5 triệu tấn dự trữ.

Khảo sát thực hiện bởi FAO và các tổ chức khác cho thấy hiện vẫn có đủ lương thực trên khắp thế giới. Ở nhiều nước châu Phi, WB chỉ ra rằng bắp, lúa và khoai mì đều có vụ mùa đáng hài lòng, tạo được nguồn thay thế trong nước cho gạo và lúa mì nhập khẩu ở một số quốc gia.

Hiện Việt Nam cũng như Thái Lan đều có vụ mùa tốt và theo WB “Các nền tảng nguồn cung ở thị trường gạo vẫn vững mạnh”.

Tờ L’Humanite cho rằng để đối phó với nạn đầu cơ, biện pháp hữu hiệu nhất là chính phủ tung ra thị trường một phần dự trữ quốc gia dành đề phòng mùa màng thất bát. Đồng thời phải nhanh chóng hợp tác quốc tế trong sản xuất nông nghiệp nhằm tăng sản lượng, từ đó ổn định giá cả và dự phòng những bất trắc do hiện tượng thời tiết bất thường gây ra.

Việt Anh

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu gạo đạt trên 300 triệu USD (22/02/2011)

>   Giá cà phê Robusta trên thị trường quốc tế thu hút DN Việt Nam (17/02/2011)

>   Xuất khẩu gạo - Bài toán tính kỹ với doanh nghiệp (17/02/2011)

>   Xuất khẩu cà phê: Doanh nghiệp ngoại sẽ "bức tử" nội? (17/02/2011)

>   Giá cà phê lập kỷ lục mới: 41.700 đồng/kg (17/02/2011)

>   Ấn Độ ngưng xuất khẩu bắp và khô đậu nành sang VN (17/02/2011)

>   WB: Giá thực phẩm đang ở “mức nguy hiểm” (16/02/2011)

>   Sản xuất lúa gạo năm nay ra sao? (15/02/2011)

>   Ngành điều sẽ nhập khẩu 450.000 tấn nguyên liệu (15/02/2011)

>   Giá lúa diễn biến ngược chiều (15/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật