Thứ Ba, 15/02/2011 23:25

Sản xuất lúa gạo năm nay ra sao?

Trước tình hình giá lương thực thế giới đang tăng trong khi vụ lúa đông xuân trong nước bắt đầu cho thu hoạch và Hiệp hội lương thực (VFA) chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, TBKTSG Online đã phỏng vấn PGS.TS Bùi Bá Bổng – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn xoay quanh việc sản xuất và kinh doanh lúa gạo của Việt Nam năm 2011.

TBKTSG Online: Thưa Thứ trưởng, dự báo của ông về tình hình sản xuất nông nghiệp và riêng lúa gạo năm 2011 ra sao?

 Thứ trưởng Bùi Bá Bổng: Năm 2011, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp thấy rõ nhất sẽ là hạn - khu vực bị ảnh hưởng là các tỉnh miền Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL; và giá vật tư đầu vào tăng. Ảnh hưởng do bão lụt gây ra khó dự báo trước. Nguy cơ dịch bệnh, như đối với cây lúa, rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, bệnh lùn sọc đen… vẫn còn cao.

Tuy nhiên, sản lượng của hầu hết nông sản theo hướng gia tăng. Đối với sản xuất lúa gạo, dự báo sản lượng năm 2011 sẽ đạt 39 - 39,5 triệu tấn lúa, thấp hơn một ít so với năm 2010 là năm được mùa (39,8 triệu tấn). Nếu thời tiết thuận lợi, không loại trừ khả năng đạt 40 triệu tấn là đỉnh cao sản lượng lúa từ trước đến nay.

Đến thời điểm hiện tại, sản xuất lúa vụ đông xuân trong cả nước, vụ lúa quan trọng nhất trong năm, có thể nói là thuận lợi, trong đó ở ĐBSCL bắt đầu vào thu hoạch, lại thêm một vụ trúng mùa; ở miền Bắc, tuy bị ảnh hưởng bởi đợt rét hại kéo dài nhưng đang gieo cấy ở thời vụ tốt nhất.

Sản lượng gạo xuất khẩu cả nước phụ thuộc vào sản lượng lúa ở ĐBSCL; có thể nói đến nay chúng ta đã nắm chắc 10 triệu tấn lúa của vụ đông xuân, đủ cung cấp 3 triệu tấn gạo để xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm. Vụ hè thu và thu đông – mùa, sẽ có thêm trên 10 triệu tấn lúa; tổng cộng ở ĐBSCL cả năm sẽ đạt trên 20 triệu tấn lúa. Vì vậy xuất khẩu gạo năm 2011 dự kiến đạt 6 - 6,5 triệu tấn.

Liệu giá lương thực đang cao trên thế giới có ảnh hưởng tới Việt Nam không và Bộ NN & PTNN sẽ làm gì?

Giá lương thực trên thế giới tăng cao, ít có khả năng ảnh hưởng lớn đến tăng giá gạo tại Việt Nam, đặc biệt không tạo ra những cơn sốt giá, vì nguồn cung gạo nước ta cho thị trường nội địa rất dồi dào và rải đều cho cả năm. Hơn nữa, khủng hoảng lương thực thế giới trong năm 2011 dù được nhận định là một nguy cơ nhưng nhiều đánh giá cho rằng sẽ không xảy ra như năm 2008 vì chính phủ của nhiều nước có chuẩn bị tốt hơn, nhất là biện pháp chống đầu cơ lương thực.

Đối với Bộ NN & PTNT, trước khả năng xảy ra khủng hoảng lương thực thế giới, trước mắt trong năm 2011 là giữ vững sản xuất lương thực để đảm bảo nguồn cung, đặc biệt là lúa gạo, trong đó đối phó hiệu quả với thiên tai, thời tiết bất thuận và dịch bệnh.

Khủng hoảng lương thực thế giới còn là thử thách và nguy cơ của thế giới trong nhiều năm tới vì vậy nhiệm vụ của bộ là chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện, củng cố sản xuất lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, trong đó đặc biệt là đảm bảo mục tiêu về bảo vệ quỹ đất lúa (giữ 3,8 triệu héc ta đến năm 2020 trong đó có 3,2 triệu héc ta đất lúa hai vụ); tiếp tục đầu tư hạ tầng và ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng.

Ngoài ra, bộ tham gia cùng các bộ, ngành và địa phương để đề xuất các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho nông dân trồng lúa từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch đất lúa toàn quốc đến năm 2020 và Nghị định về quản lý đất lúa; hai văn bản pháp quy quan trọng này sẽ được ban hành trong năm 2011.

Riêng với chuyện xuất khẩu gạo năm 2011, Thứ trưởng có ý kiến gì?

Có bốn yếu tố mới ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo trong năm 2011. Một là sự bắt đầu tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài vào xuất khẩu gạo theo cam kết WTO. Đây là vấn đề được thảo luận nhiều lần ở Chính phủ trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Hồi đó cũng có các ý kiến phân vân nhưng Thủ tướng đồng ý quan điểm của Bộ Thương mại và Bộ NN & PTNT là nên mở cửa thị trường gạo vì xét toàn diện có lợi cho nông dân và đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam phải thật sự vươn lên, nâng cao sức cạnh tranh của mình. Tuy nhiên vì là năm đầu tiên, nên tác động của mở cửa thị trường gạo không lớn.

Thứ hai là xuất khẩu gạo sẽ chịu sự điều chỉnh của Nghị định 109 mới ban hành về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó quy định quan trọng nhất là xuất khẩu gạo là hoạt động kinh doanh có điều kiện.

Ba là, số lượng kho tồn trữ lúa gạo trong thời gian qua được tăng cường.

Và thứ tư là xuất khẩu gạo có thể đẩy mạnh mà không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia vì trước mắt đã có thể thấy được một vụ lúa đông xuân thắng lợi.

Dự báo nhu cầu của thị trường gạo thế giới năm 2011 khoảng 30 triệu tấn, thị phần của Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20-22%.

Thưa Thứ trưởng, việc tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu thường là không tốt. Có giải pháp nào khắc phục một cách căn cơ hay không?

Tồn tại lớn nhất trong xuất khẩu gạo là tiêu thụ lúa hè thu cho nông dân ở ĐBSCL, trong đó cao điểm là vào tháng 8 và tháng 9. Do điều kiện thu hoạch trong mùa mưa trong khi hầu hết nông dân không có điều kiện phơi sấy, tồn trữ, kể cả doanh nghiệp cũng thiếu điều kiện này nên việc tiêu thụ gạo chậm dẫn đến tồn đọng, đẩy giá lúa xuống thấp, nông dân thiệt hại.

Để khắc phục, Bộ NN & PTNT đang chỉ đạo rà soát lại thời vụ của vụ lúa hè thu ở ĐBSCL để tăng lượng lúa thu hoạch trong tháng 7, giảm lúa thu hoạch trong tháng 9 (tháng mưa nhiều) đồng thời đối với diện tích lúa hè thu năng suất thấp, bấp bênh có thể giảm bớt hoặc chuyển sang lúa thu đông, thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với khâu sau thu hoạch lúa cho nông dân và doanh nghiệp để tăng phương tiện phơi sấy và tồn trữ lúa.

Trong việc mua gạo tồn trữ, theo ông làm sao để cho cả doanh nghiệp và nông dân cùng có lợi?

Chính sách hỗ trợ tiêu thụ lúa cho nông dân khi lúa hàng hóa tồn đọng và giá lúa xuống thấp là cần thiết. Tuy nhiên, ngoài phần hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thu mua, có thể xem xét hỗ trợ cho các hộ nông dân tự phơi sấy, bảo quản lúa được vay vốn với lãi suất hỗ trợ (ví dụ trong thời hạn 3 tháng).

Nếu áp dụng cơ chế hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và nông dân tồn trữ lúa trong thời điểm tiêu thụ khó khăn sẽ tăng hiệu quả, quy mô tồn trữ, làm giảm sức ép giá lúa rớt và điều hòa được lượng gạo xuất khẩu theo hướng có lợi.

Huỳnh Kim thực hiện

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Ngành điều sẽ nhập khẩu 450.000 tấn nguyên liệu (15/02/2011)

>   Giá lúa diễn biến ngược chiều (15/02/2011)

>   Ấn Độ: Sản lượng cao su thiên nhiên tăng nhẹ (14/02/2011)

>   5 yếu tố làm tăng giá gạo (14/02/2011)

>   Giá cà phê vượt ngưỡng 41.000 đồng/kg (12/02/2011)

>   Giá cao su thiên nhiên thế giới tăng nhanh (11/02/2011)

>   Mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (11/02/2011)

>   Xuất khẩu gạo trong tháng đầu năm đạt mức cao (10/02/2011)

>   Đường dồi dào, giá vẫn cao (10/02/2011)

>   Braxin có thể trở thành nước tiêu thụ cà phê số 1 thế giới vào 2012 (09/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật