Xuất khẩu gạo - Bài toán tính kỹ với doanh nghiệp
Diễn biến thời tiết, thiên tai phức tạp trên toàn cầu đe dọa đến an ninh lương thực của nhiều quốc gia là một trong những yếu tố chính tác động đến thị trường và giá gạo xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2011.
Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sản lượng và nhu cầu tiêu thụ lúa gạo toàn cầu năm 2011 sẽ tăng. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp vốn là đặc điểm của thị trường lúa gạo thế giới nhiều năm nay và việc cần theo dõi sát và nhanh nhạy để quyết định xuất khẩu với giá có lợi nhất vẫn là một bài toán cần tính kỹ với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn từ việc mở cửa thị trường xuất khẩu gạo.
Dư địa thị trường lớn
Đó là nhận định của ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA về thị trường lúa gạo năm 2011. Theo ông Phong, tình hình thị trường lúa gạo từ nửa cuối năm 2010 có nhiều diễn biến bất ngờ, như Indonesia liên tiếp trong 2 năm (2008, 2009) không nhập khẩu gạo nhưng đến năm 2010 lại nhập đến 1,5 triệu tấn gạo của Việt Nam.
Tương tự là Bangladesh trong năm 2010 nhập tổng cộng 400.000 tấn gạo, vượt ngoài tính toán từ đầu năm. Trong năm nay, hai thị trường này dự kiến có thể sẽ nhập khoảng 700.000 tấn gạo của Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số thị trường truyền thống như Philippines cũng có những thay đổi về chính sách lương thực nên nhu cầu của thị trường này cũng thay đổi.
Theo thống kê của VFA, tính đến hết tháng 1/2011, lượng gạo các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu là hơn 1,5 triệu tấn, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng hợp đồng đăng ký trong tháng Một cũng đạt ở mức cao, chủ yếu là 2 hợp đồng tập trung với Malaysia và Indonesia, chiếm trên 300.000 tấn.
Xuất khẩu gạo tháng Một của cả nước đạt trên 485.000 tấn, cao hơn kế hoạch dự kiến là 350.000-400.000 tấn. Đây là tháng đầu năm có số lượng giao hàng cao nhất từ trước đến nay. Về trị giá cũng đạt ở mức cao do giá xuất khẩu bình quân tăng nhiều.
Trong tháng 2/2011, lượng gạo xuất khẩu cũng tăng do nguồn cung dồi dào vì các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân sớm. VFA dự kiến xuất khẩu gạo quý I sẽ đạt 1,6 triệu tấn; quý II có thể xuất 2,24 triệu tấn.
“Năm nay dư địa thị trường xuất khẩu gạo khá lớn, thị trường gạo thế giới sẽ không có khó khăn trong khâu tiêu thụ. Tuy nhiên, chưa thể mạo hiểm ký hợp đồng lớn vì thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động, cần theo dõi sát. Mặc dù sản lượng lúa năm nay được dự kiến sẽ tăng, nhưng các doanh nghiệp không nên quá lo lắng mà bán tháo bán đổ như các năm trước. Hiện nay, VFA cũng chỉ mới ký hợp đồng cho 2 tháng đầu năm.” - ông Phong nhấn mạnh.
Để chuẩn bị cho đợt thu hoạch lúa Đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ rộ vào tháng Ba, tháng Tư tới, VFA đã kiến nghị Chính phủ cho phép mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân, thời gian thực hiện bắt đầu từ 1/3 và kết thúc vào ngày 15/4. Dự kiến lượng gạo mua tạm trữ sẽ được VFA phân bổ cho 65 doanh nghiệp, tăng hơn 10 doanh nghiệp so với năm 2010 nhằm mở rộng địa bàn mua và giá mua là theo giá thị trường.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện lúa Đông Xuân đầu vụ đang được giá. Những ngày sau Tết Tân Mão, giá lúa dao động trong khoảng 5.500-6.000 đồng/kg, trong khi qua khảo sát, giá thành sản xuất từ 3.000-3.200 đồng/kg, đảm bảo mức lợi nhuận cho nông dân khoảng 40%.
Đối phó với cạnh tranh
Nhu cầu thị trường lớn, xuất khẩu đang được giá, tuy nhiên VFA dự báo trong năm nay các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn từ việc mở cửa thị trường xuất khẩu gạo.
Nếu như trước đây, để bảo hộ ngành sản xuất trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài phải liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước trong thu mua, xuất khẩu lúa gạo thì từ năm 2011 với việc tuân thủ cam kết WTO về mở cửa thị trường lúa gạo, các doanh nghiệp nước ngoài có thể trực tiếp tham gia vào thị trường lúa gạo Việt Nam.
Thị trường thu mua, xuất khẩu lúa gạo của các doanh nghiệp trong nước vốn đã nhiều cạnh tranh, nay lại đối phó với sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài muốn “chen chân” vào thị trường này.
Xét về năng lực thị trường, vốn, chỉ có những doanh nghiệp lớn mới có thể cạnh tranh, còn phần lớn doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đều thua thiệt so với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, trong số hơn 260 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trên thị trường lúa gạo Việt Nam hiện nay chỉ có hơn 30 doanh nghiệp là những nhà xuất khẩu chuyên nghiệp, còn lại là những công ty kinh doanh thời vụ, nhỏ lẻ.
Một khó khăn khác mà các doanh nghiệp gạo đối diện là tình trạng thiếu vốn. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài vay được nguồn vốn có 4,5% thì các doanh nghiệp trong nước phải vay mức 16,5%, sự chênh lệch này là một bất lợi trong cạnh tranh.
Để đối phó với làn sóng cạnh tranh này, ông Trương Thanh Phong cho rằng giải pháp cơ bản là các doanh nghiệp cần thiếp lập, xây dựng vùng nguyên liệu, tạo sự gắn bó mật thiết với nông dân, tạo thành những chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Đây cũng là mô hình nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang xây dựng, trong đó vụ Đông Xuân 2010-2011, Tổng Công ty Lương thực miền Nam đã ký hợp đồng bao tiêu 10.000ha lúa của nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long./.
Vietnam +
|