Thứ Bảy, 19/02/2011 14:57

Kiểm toán chi phí, tránh lợi dụng tăng giá

Theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, năm 2011 là năm rất khó khăn; nếu xử lý việc điều chỉnh tăng giá đồng loạt các mặt hàng như xăng dầu, điện, than thì không khéo sức ép tăng lạm phát sẽ rất lớn. Để hạn chế tác động tăng giá không đáng có từ doanh nghiệp, cần kiểm toán chi phí sản xuất của họ.

Lạm phát ít nhất bằng năm 2010

Ngày 11-2, tỷ giá USD/VND được điều chỉnh với mức tăng 9,3%. Dự báo từ 1-3 tới, xăng dầu, điện, than sẽ được điều chỉnh với mức tăng dự kiến khá cao. Ông đánh giá những điều chỉnh này sẽ tác động thế nào đến mặt bằng giá cả và lạm phát năm nay?

Trước Tết, tôi cũng có nói về mức độ lạm phát 7% mà Chính phủ đặt ra trong năm nay. Đây là mục tiêu chính trị và mong muốn của Chính phủ.

Năm nay, tính tổng thể, sức ép lạm phát sẽ cao hơn năm ngoái; chống đỡ lạm phát cũng khó hơn. Năm ngoái, sức ép lạm phát từ nước ngoài vào do nhiều mặt hàng tăng giá, còn năm nay sức ép từ bên trong ra.

Đây là điểm rất khác so với những năm trước. Đây cũng là năm giới hạn của độ lùi về thời gian, không lùi được nữa do giá cả các mặt hàng đầu vào như than, điện, xăng dầu đã chạm kịch trần mức chịu đựng của doanh nghiệp. Vấn đề là tăng giá ở mức độ nào và thời điểm nào.

Tính nhẩm, tỷ giá lên làm tăng CPI thêm 2%; than, điện có điều chỉnh cũng làm CPI cao hơn; xăng dầu có điều chỉnh thì còn cao hơn nữa. Riêng nhóm những mặt hàng tăng giá và có thể tăng giá cũng vượt mức tăng CPI 7%, chưa tính việc gia tăng tín dụng và sức ép lạm phát gia tăng từ bên ngoài. Nếu xử lý mức độ gia tăng không khéo thì có nhiều nguy cơ đẩy lạm phát lên hai con số.

Chúng ta từng có bài học năm 2010, khi trong quý 1, điện, than cũng tăng giá đồng loạt, khiến mặt bằng giá tăng cao, đẩy lạm phát quý 1 tới hơn 4,2%. Với năm 2011, có nên điều chỉnh tăng giá điện, than và xăng dầu cùng lúc?

Việc lùi thời điểm tăng giá với các mặt hàng trên là khó tránh, vì cả than, điện, xăng dầu đều đã vượt ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp. Nếu cả điện, xăng dầu, than cùng tăng giá trong quý 1 thì chắc chắn lạm phát của Việt Nam trụ được như năm ngoái (11,75%) đã là may.

Trong trường hợp này, chúng ta phải chấp nhận một mặt bằng giá mới. Chỉ có điều, Chính phủ cần cải tổ, quyết liệt xây dựng thị trường điện, xăng dầu cạnh tranh hơn nữa, bởi hiện các doanh nghiệp vẫn còn độc quyền nhập, phân phối.

Chỉ có như vậy mới tạo sức ép cạnh tranh, để doanh nghiệp có được mức chi phí thấp nhất, giá thành sản phẩm thấp. Cho các doanh nghiệp nước ngoài vào để cạnh tranh, tiến tới giá cả các mặt hàng này tại Việt Nam tiệm cận giá thế giới, tránh những cú sốc tăng giá như hiện nay.

Hạn chế tác động bằng kiểm toán giá thành

Vậy làm sao để kìm giá, hạn chế thấp nhất những tác động gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh?

Khi tăng giá, sẽ kéo theo lạm phát. Như vậy, những đối tượng nhạy cảm bị tác động đầu tiên chính là những người làm công, ăn lương, người nghèo. Bởi vậy, song song với tăng giá, Chính phủ cần có những giải pháp đi kèm, để không ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội.

" Do chi phí sản xuất không được kiểm toán, nên chi phí của doanh nghiệp không được công khai, minh bạch. Vì vậy, doanh nghiệp kêu bán lỗ nhưng người dân không biết thực hư thế nào. Bởi thế, khi tăng giá rất cần được kiểm toán chi phí sản xuất, để công khai, minh bạch cho dân biết..." - TS Nguyễn Minh Phong

Ví dụ, khi tăng giá điện, không nên tăng giá vài chục kWh đầu tiên. Có chính sách hỗ trợ với đối tượng hưu trí, gia đình chính sách. Các địa phương và các bộ, ngành cần có chính sách tăng dự trữ, trợ giá hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm để giúp giữ được giá, tránh gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Ông dự báo lạm phát năm nay như thế nào?

Hiện nay, cả điện, xăng dầu và than chưa có mức tăng giá cụ thể, nên khó dự đoán. Tuy nhiên, kể cả có mức tăng cụ thể cũng khó đoán. Tăng 10% giá điện thì không thể tính tăng 10% giá các mặt hàng khác được, vì tỷ lệ điện trong giá thành khác nhau. Các mặt hàng khác cũng vậy.

Hiện ở ta, cơ quan chức năng không xây dựng những chuỗi số hay đề án có những con số minh bạch, được kiểm toán. Đáng nhẽ, Chính phủ phải giao cho Bộ Tài chính xây dựng các chuỗi số để tính tỷ trọng và tác động tương ứng của việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu.

Ví dụ, tăng 1% giá điện thì về nguyên tắc sẽ tăng lạm phát ra sao. Đây là căn cứ rất quan trọng để xác định mức độ điều chỉnh và tính toán tác động của nó khi quyết định tăng giá. Hiện tất cả các chuỗi số đó không có. Ngay cả việc kiểm toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp cũng không có.

Bởi thế, khi các doanh nghiệp kêu bán giá lỗ so với giá thế giới, nhưng chi phí thực tế của doanh nghiệp không được khai báo, đặc biệt là không có kiểm toán và chả ai biết là bao nhiêu cả. Đây là cái rất dở. Vì vậy, theo tôi, việc tính toán khi tăng giá các mặt hàng ảnh hưởng thế nào đến giá trong nước cũng rất khó.

Bá Kiên - Phạm Tuyên

tiền phong

Các tin tức khác

>   Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Thị trường sẽ ổn định trở lại (18/02/2011)

>   TS. Cao Sỹ Kiêm: “Kìm không được thì phải dùng bài cuối cùng” (18/02/2011)

>   Giám đốc doanh nghiệp kiểm toán không phải góp vốn (17/02/2011)

>   Ông Bùi Kiến Thành: Làm tài chính phải biết đồng tiền đi về đâu (13/02/2011)

>   Nợ nước ngoài có lãi suất cao tăng mạnh (27/01/2011)

>   Nhiều cách chuyển lợi nhuận ra ngoài (23/01/2011)

>   Trả giá cho hành chính hóa các công cụ thị trường (23/01/2011)

>   Citigroup: Dự trữ ngoại hối Việt Nam giảm còn 13.6 tỷ USD (21/01/2011)

>   Moody’s sẽ nâng triển vọng tín nhiệm Việt Nam? (19/01/2011)

>   Mạnh tay hơn với vi phạm về kế toán (19/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật