Thứ Năm, 24/02/2011 15:57

Không thể cắt “ý kiến ngoại trừ” trong báo cáo kiểm toán

Kiểm toán chỉ đưa ra ý kiến độc lập về chuyên môn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa họp cho ý kiến xung quanh dự thảo Luật Kiểm toán độc lập. Một trong nhiều nội dung được bổ sung vào Dự thảo là phải quy định rõ những nội dung trọng yếu của báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán của DN không được ngoại trừ khi xác định trách nhiệm của cơ quan kiểm toán.

Điều này đang gây ra những ý bức xúc từ các công ty kiểm toán (CTKT) và bản thân DN niêm yết.

Ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho biết, hiện có khoảng 60 - 65% BCTC được chấp thuận toàn phần, 1 - 2% CTKT đưa ra ý kiến không chấp nhận hoặc từ chối đưa ra ý kiến, phần còn lại (gần 40%) đưa ra ý kiến ngoại trừ. Trong ý kiến ngoại trừ có nhiều nội dung trọng yếu.

Theo ông Mai, có nhiều nguyên nhân khiến CTCK phải ngoại trừ khi thực hiện kiểm toán BCTC. Trước hết là CTKT bị giới hạn về thời gian kiểm toán (không đủ thời gian kiểm toán nên ngoại trừ). Khi gặp vấn đề khúc mắc, kiểm toán viên (KTV) yêu cầu DN cung cấp thông tin, nhưng DN không cộng tác thì CTKT phải ngoại trừ. Ba là quan điểm giữa KTV và lãnh đạo DN không đồng nhất về một vấn đề thì KTV cũng phải ngoại trừ.

Theo ghi nhận của ĐTCK, nhiều NĐT và thành viên thị trường cho rằng, với quy định CTKT không được ngoại trừ một số nội dung trọng yếu sẽ làm cho chất lượng BCTC tốt hơn. Việc KTV đưa ra ý kiến ngoại trừ dễ dàng hơn ý kiến chấp thuận và đỡ tốn thời gian công sức kiểm tra, đối chứng… Tuy nhiên, theo nhiều CTKT, định lượng những nội dung nào là trọng yếu trong BCTC của DN mà CTKT không được ngoại trừ là việc không đơn giản. Đó là chưa kể chuẩn mực kiểm toán hiện nay và thông lệ quốc tế đều cho phép KTV được phép ngoại trừ trong BCTC kiểm toán.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc CTKT AASC cho rằng, nếu quy định như vậy sẽ không thể làm được vì hai lý do. Một là, chuẩn mực kiểm toán hiện hành theo chuẩn quốc tế, nếu Việt Nam thay đổi thì tự tách ra trong khi hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế quốc tế. Hai là, hiện nay có quá nhiều điểm khác nhau giữa thực tiễn và quy định (những vấn đề phát sinh từ thực tiễn hoạt động của DN nhưng chưa được quy định, khi kiểm toán DN phải ngoại trừ), khác nhau ngay tại các quy định về cùng một vấn đề của cơ quan nhà nước, khác nhau về quan điểm giữa CTKT và DN được kiểm toán và CTKT buộc phải đưa ra ý kiến ngoại trừ trước mỗi vấn đề đó. Trong trường hợp Luật quy định như vậy thì cũng không thể liệt kê những vấn đề được xem là trọng yếu và không trọng yếu để CTKT không được ngoại trừ.

Ông Phan Xuân Vạn, Tổng giám đốc CTKT AAC nói một cách hình ảnh: "Khi kiểm toán, CTKT như bác sĩ và DN là bệnh nhân. Bác sĩ không thể nói DN này khỏe mạnh khi họ mang nhiều bệnh ở trong người. Kiểm toán không phải là người quyết định mọi thứ, mà chỉ đưa ra ý kiến độc lập về chuyên môn. Khi sử dụng BCTC, NĐT, cơ quan quản lý cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng (nội dung ngoại trừ, nguyên nhân dẫn đến ý kiến ngoại trừ đó, đánh giá tác động của ý kiến ngoại trừ đến BCTC của DN)". Theo ông Vạn, từ thực tiễn hoạt động kiểm toán có rất nhiều vấn đề phát sinh, nếu Luật quy định CTKT không được ngoại trừ (ngay cả những vấn đề không trọng yếu) thì không thể ra được báo cáo kiểm toán.

Dưới góc độ DN niêm yết, ông Nguyễn Trung Kiên, Kế toán trưởng CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong nhận xét, hiện nay, số lượng CTKT hạn chế và số DN có nhu cầu kiểm toán lớn nên việc các KTV không có thời gian, cơ hội tham gia vào các sự kiện của DN là điều dễ hiểu. Trong trường hợp này thì KTV có thể đưa ra ý kiến ngoại trừ. Tuy nhiên, những nội dung trọng yếu, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của DN thì CTKT phải sử dụng các biện pháp để khẳng định vấn đề đó.

Ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc CTCP Thủy sản Minh Phú cho rằng, giữa DN và CTKT đôi khi không có sự thống nhất về một vấn đề. Đơn cử như vấn đề trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. CTKT cho rằng cần trích lập, nhưng DN lại bảo không vì dự đoán giá sẽ lên trong thời gian tới. Trong trường hợp như vậy, CTKT sẽ đưa ra ý kiến ngoại trừ và nói rõ vì sao lại ngoại trừ. Nếu CTKT không được ngoại trừ thì sẽ là một khó khăn đối với họ trong quá trình hành nghề. Bản thân DN cũng có cái khó nếu tuân thủ theo quy định này, vì có những vấn đề đặc thù, DN có những quan điểm khác với CTKT.

Một chuyên gia kiểm toán cho biết, theo Chuẩn mực kiểm toán số 700, căn cứ kết quả kiểm toán, KTV đưa ra một trong các loại ý kiến về BCTC: ý kiến chấp nhận toàn phần; ý kiến chấp nhận từng phần; ý kiến từ chối (hoặc ý kiến không thể đưa ra ý kiến); ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược). Nếu Luật Kiểm toán độc lập tới đây quy định CTCK không được đưa ra ý kiến ngoại trừ trọng yếu (ý kiến chấp nhận từng phần), CTCK buộc phải đưa ra những ý kiến khác "nặng" hơn (không chấp nhận hoặc ý kiến từ chối) sẽ càng khiến NĐT, người sử dụng báo cáo kiểm toán không yên tâm.

Ông Mai đề xuất, thay vì hạn chế CTKT đưa ra ý kiến ngoại trừ, cơ quan quản lý cần có chế tài đối với các DN niêm yết. Chẳng hạn, những DN có báo cáo kiểm toán bị ngoại trừ không được phát hành cổ phiếu tăng vốn hoặc bao nhiêu năm có báo cáo ngoại trừ sẽ bị hủy niêm yết. Bởi lẽ, chất lượng BCTC kiểm toán ra sao phụ thuộc chủ yếu vào việc các DN cung cấp tài liệu, thông tin, hợp tác với CTKT như thế nào.

Thanh Đoàn

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Kiểm toán chi phí, tránh lợi dụng tăng giá (19/02/2011)

>   Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Thị trường sẽ ổn định trở lại (18/02/2011)

>   TS. Cao Sỹ Kiêm: “Kìm không được thì phải dùng bài cuối cùng” (18/02/2011)

>   Giám đốc doanh nghiệp kiểm toán không phải góp vốn (17/02/2011)

>   Ông Bùi Kiến Thành: Làm tài chính phải biết đồng tiền đi về đâu (13/02/2011)

>   Nợ nước ngoài có lãi suất cao tăng mạnh (27/01/2011)

>   Nhiều cách chuyển lợi nhuận ra ngoài (23/01/2011)

>   Trả giá cho hành chính hóa các công cụ thị trường (23/01/2011)

>   Citigroup: Dự trữ ngoại hối Việt Nam giảm còn 13.6 tỷ USD (21/01/2011)

>   Moody’s sẽ nâng triển vọng tín nhiệm Việt Nam? (19/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật