Khi thả nổi giá xăng theo thị trường
Bấy lâu bấm bụng chịu cảnh bòn mót từng đồng ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu về bán lấy nội tệ, với cái giá mà "càng bán nhiều càng lỗ nhiều" thì đố ai mà chịu mãi được.
Tăng giá như thế cũng "chưa là gì"?
Sau bao gìn dứ, đắn đo, cuối cùng thì sáng ngày 24/2/2011, giá xăng dầu cũng đã được Bộ Tài chính điều chỉnh để bám sát giá thị trường thế giới hơn. Đồng thời, cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 địa phương triển khai Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, với 7 nhóm giải pháp về thực hiện chính sách tài chính-tiền tệ thắt chặt, thận trọng, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội...
Việc tăng giá xăng lần này là việc chẳng thể đặng đừng vì đã tới ngưỡng chịu đựng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nước ta. Bấy lâu nay họ bấm bụng chịu cảnh bòn mót từng đồng ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu về bán lấy nội tệ, với cái giá mà "càng bán nhiều càng lỗ nhiều" thì đố ai mà chịu mãi được.
Hơn nữa, ấm ức còn ở chỗ cứ phải "khoanh tay đứng nhìn" những dòng vàng đen mà mình è cổ nhập về lại bị "mua đắt bán rẻ" thẩm lậu qua biên giới láng giềng, do giá xăng dầu của Việt Nam trong thời gian dài ở mức giá trên 16.000 đồng/lít, chênh lệch tới 1/3 lần so với mức giá từ 24.000 - 26.000 đồng/lít ở Thái Lan, Lào, Trung Quốc...Với mức tăng vừa được cho phép, từ 17-24%. Cụ thể, giá xăng tăng 2900 đ/lít, giá dầu diesel 0,05S tăng 3550 đ/lít, dầu hỏa tăng 3100đ/lít và mazut No2B (3,5S) tăng 2110 đ/kg, thì dù còn thua xa với mức giá thị trường thế giới đã tăng từ 34 - 40% so với giá hiện hành, và đang ở mức cao nhất trong suốt 28 tháng qua, song không biết "các bác" doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thấy vừa lòng và bớt được gánh nặng 'trách nhiệm xã hội " đè nặng lên vai mình và ngày càng quá sức chịu đựng của cả doanh nghiệp, lẫn Nhà nước.
Theo Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Ninh, mức tăng giá kể trên "cũng chưa là gì" vì chưa thể cắt lỗ cho các doanh nghiệp, khi mà giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang đà tăng mạnh. Riêng trong năm 2010, tổng lỗ do không điều chỉnh giá xăng dầu theo thị trường thế giới đã lên đến khoảng 16,4 ngàn tỷ đồng.
Các cơ quan chức năng lãnh trọng trách kiểm soát, điều hành giá xăng dầu cũng không thể "mắng át" hoặc mũ ni che tai trước cảnh các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu "làm mình làm mẩy", "kêu như cháy đồi" đòi tăng giá bán ra khi giá mua trên thị trường thế giới đã vượt lên mức cao nhất trong hơn 28 tháng trở lại đây trước quá nhiều các sức ép mới về kinh tế và chính trị thế giới.
Vẫn biết và tin lời Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, lần điều chỉnh giá xăng dầu lần này được tiến hành với nguyên tắc nhà nước chưa thu thuế, người kinh doanh xăng dầu chưa có lãi. Đồng thời với việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu, Nhà nước sẽ thực hiện chủ trương hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách có thu nhập thấp", nhưng ưu tư vẫn trĩu nặng trong mắt bao ngườidân nghèo, đối tượng có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương trong xã hội. Chả ai dám chắc sau bao lần tăng giá kiểu này mới có giá cả thị trường trong bối cảnh chưa có cạnh tranh thị trường thực sự trong ngành kinh doanh xăng dầu.
Để nền kinh tế "bớt sốc"
Thực tế cho thấy, để việc điều hành giá xăng dễ được đồng thuận và hiệu quả xã hội cao, nhất là không gây sốc cho nền kinh tế, gây thiệt hại cho NSNN, cho doanh nghiệp, cũng như người dân trước những biến động rất nhanh của thị trường xăng dầu thế giới, đặc biệt để thúc đẩy hành trình tiến tới giá cả thị trường cho ngành xăng dầu như mục tiêu Chính phủ đặt ra, thiết nghĩ cần chú ý có thêm những động thái chính sách cần thiết tạo sự đồng bộ và cơ sở khoa hoc cho việc tăng giá xăng dầu.
Trước hết, cần công khai và kiểm toán sự chính xác của "ma trận" và "thiên la địa võng" các con số tự kê, tự giải trình, liên quan đến chi phí thực tế "đầu vào", các nghĩa vụ tài chính với NSNN và lợi nhuận định mức tối thiểu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để có căn cứ hợp lý xác định mức điều chỉnh giá xăng dầu bán ra của các doanh nghiệp này. Đây sẽ là giá cơ sở để các doanh nghiệp này làm mốc tối thiểu để cộng hoặc trừ thêm các mức tăng giảm thực tế của giá xăng dầu thế giới, và họ được phép chủ động thông báo và giải trình, cũng như thực hiện việc tăng, giảm giá bán ra xăng dầu theo sát giá thị trường thế giới, có tham chiếu giá của sản phẩm xăng dầu của nhà máy Dung Quất...
Khi đó, các cơ quan chức năng Nhà nước sẽ "nhàn" hơn, điều hành hợp lý hơn theo cơ chế thị trường, không can thiệp vào quá trình ra quyết định này của các doanh nghiệp, mà chỉ giám sát các chỉ số cấu thành giá cả liên quan đến xăng dầu, cũng như có chế tài nghiêm khắc răn đe và xử lý các vi phạm từ phía các doanh nghiệp .
Đặc biệt, cần sớm đẩy nhanh tiến trình tự do hóa kinh doanh xăng dầu, tách hoạt động kinh doanh xăng dầu ra khỏi nhiệm vụ chính trị của yêu cầu dự trữ bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Chỉ khi đó mới có giá cả thị trường cho xăng dầu. Đồng thời, khi đó giá cả xăng dầu cũng trở nên minh bạch và dễ dự báo hơn.
Nguyễn Minh Phong
TUẦN VIỆT NAM
|