Thứ Tư, 23/02/2011 17:06

Vì sao Libya khiến thị trường dầu mỏ căng thẳng?

(Vietstock) - Libya là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đầu tiên bị nhấn chìm trong các cuộc bạo loạn chính trị đang lan rộng khắp Bắc Phi và Trung Đông. Nhà đầu tư lo sợ rằng tình trạng hỗn độn trong khu vực sẽ khiến giá dầu tiếp tục leo thang.

* Thế giới đối mặt nguy cơ khủng hoảng dầu lửa

* Giá dầu “phi” hơn 9% lên mức cao 2 năm rưỡi

Diễn biến của giá dầu thô tương lai tại Mỹ (đường màu đỏ) và dầu Brent tại Anh (đường màu xanh) từ ngày 24/12/2010 đến 21/02/2011. Nguồn: CNN Money

Giá dầu tăng vọt hơn 9% vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Ba và chỉ còn cách mốc 100 USD/thùng gần 2 USD sau khi tiến 6% trong ngày thứ Hai. Giá dầu leo thang mạnh sau khi các cuộc biểu tình dữ dội tại thủ đô Tripoli của Libya cướp đi sinh mạng của hơn 200 người vào cuối tuần qua.

Sự náo loạn trên là một phần của làn sóng biểu tình chống Chính phủ bắt đầu tại Tunisia vào đầu năm nay và lan sang Ai Cập cũng như các quốc gia khác trong khu vực.

Libya chỉ chiếm khoảng 2% sản lượng dầu thô của thế giới nhưng lại là một nước sản xuất dầu lớn trong khu vực. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong năm 2010, nước này sản xuất khoảng 1.65 triệu thùng/ngày và trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn thứ ba tại châu Phi. Bên cạnh đó, hàng ngày nước này còn cung cấp hàng trăm ngàn thùng khí tự nhiên và các sản phẩm xăng dầu hóa lỏng khác.

Ngoài ra, Libya còn đứng đầu về nguồn dự trữ dầu khí chưa được khai thác. Theo Tạp chí Oil and Gas Journal, hiện dự trữ dầu của nước này ở vào khoảng 44 tỷ thùng, mức cao nhất tại châu Phi.

Ngược lại, theo IEA, Nga sản xuất 10.1 triệu thùng/ngày, trong khi Mỹ sản xuất 9.8 triệu thùng/ngày. Là nước đang theo dõi hạn ngạch sản xuất của Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Ả Rập Xê-út sản xuất khoảng 8.57 triệu thùng/ngày. Các số liệu trên bao gồm dầu từ ethanol, khí tự nhiên hóa lỏng và các sản phẩm khác.

Được biết, hiện thế giới tiêu thụ khoảng 87.5 triệu thùng dầu/ngày.

Tỷ lệ xuất khẩu dầu mỏ của Libya tới các quốc gia trên thế giới

Nguồn: IEA

Lệnh cấm vận của Liên hiệp quốc (UN) kể từ năm 1992 đã không cho phép các công ty dầu lớn của phương Tây hoạt động tại Libya sau khi các nhân viên tình báo của nước này dính líu đến vụ đánh bom máy bay Pan Am số hiệu 103 vào năm 1988 khiến 270 thiệt mạng. Do lệnh cấm vận trên nên đa số các nguồn dự trữ dầu và khí tự nhiên của Libya hầu như chưa được khai phá.

Đến năm 2004, các lệnh cấm vận này được dỡ bỏ sau khi Libya cho biết đã hủy chương trình hạt nhân và hợp tác thành công trong vụ Pan Am. Năm 2006, Mỹ chính thức đưa Libya ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố. Các động thái trên đã mở đường cho các khoản đầu tư mới vào lĩnh vực dầu khí của nước này.

Bà Ann Wyman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Trung Đông và Bắc Phi của Nomura Securities cho rằng dù Libya chỉ đóng góp một phần nhỏ vào sản lượng dầu của thế giới, nhưng đà tăng vọt của giá dầu cho thấy mối lo ngại rằng cuộc khủng hoảng Libya có thể lan rộng sang các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác.

Cụ thể, bà cho biết các chuyên viên giao dịch đang dõi theo tình hình tại Bahrain và lo ngại rằng các cuộc biểu tình chống Chính phủ tại nước này có thể lây lan sang miền Đông Ả Rập Xê-út.

Dù việc tạm ngừng hoàn toàn hoạt động sản xuất dầu tại Libya là điều không thể, nhưng bà Wyman cảnh báo tình hình vẫn còn rất bất ổn và có thể còn bất ổn hơn nếu nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi bị phế truất.

Theo một số nhà phân tích và tổ chức trong ngành, nước này đã cắt giảm sản lượng một mỏ dầu và có khả năng tiếp tục tạm ngưng hoạt động của một số mỏ dầu khác.

Báo cáo được tổ chức nghiên cứu toàn cầu IHS Global Insight cho thấy mỏ dầu Nafoora đã cắt giảm sản lượng do đình công.

Thêm vào đó, theo thông tin trên trang web của IHS Global Insight, bộ tộc al-Zuwayya tại miền Đông Libya đang đe dọa gián đoạn nguồn cung dầu nếu Chính phủ tiếp tục đàn áp dã man các cuộc nổi dậy của dân chúng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia và tổ chức khác lại cho rằng đà tăng vọt của giá dầu có thể hơi quá đà.

Nhà kinh tế Julian Jessop từ Capital Economics cho rằng: “Dù Libya là một thành viên của OPEC, nhưng nước này vẫn là một thành viên tương đối nhỏ”. Ông cho biết thêm, sản lượng dầu của Libya xếp ở vị trí thứ 9 trong danh sách 12 thành viên OPEC.

Ông nói: “Về cơ bản, bất kỳ sự thiếu hụt nào trên các thị trường toàn cầu cũng sẽ được giải quyết thông qua việc Ả Rập Xê-út gia tăng sản lượng”. Theo ông, hiện Ả Rập Xê-út đang sản xuất ít hơn 3 triệu thùng/ngày so với công suất ước tính.

Theo ông Jessop, đà gia tăng của giá dầu kể từ mùa hè năm 2010 chủ yếu là do nhu cầu ngày càng mạnh trên toàn thế giới, hơn là do căng thẳng chính trị và các vấn đề về nguồn cung.

Ông thừa nhận rằng giá dầu cao có thể tiếp tục gây sức ép nặng nề lên một số nền kinh tế châu Âu, “nhưng đối với nền kinh tế toàn cầu thì vấn đề này hoàn toàn có thể kiểm soát được”.

Phạm Thị Phước (Theo CNN Money)

Các tin tức khác

>   Thế giới đối mặt nguy cơ khủng hoảng dầu lửa (23/02/2011)

>   Giá dầu “phi” hơn 9% lên mức cao 2 năm rưỡi (22/02/2011)

>   Thị trường xăng dầu đang “méo mó” (22/02/2011)

>   Trung Quốc tăng giá xăng dầu (21/02/2011)

>   Bộ Công thương: 'Nguồn xăng dầu vẫn bảo đảm cung ứng đầy đủ' (20/02/2011)

>   Không thiếu ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu (19/02/2011)

>   Chưa thể điều chỉnh giá xăng dầu ngay (19/02/2011)

>   Việt Nam sẽ nhập khí thiên nhiên hóa lỏng từ năm 2012 (18/02/2011)

>   Xăng đã lỗ gần 3.000 đồng một lít (18/02/2011)

>   15 nước có trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới (18/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật