Xăng dầu có khả năng tăng trên dưới 3.000 đồng/lít
Giá xăng dầu sẽ tăng ngay trong ngày 24/2 với mức tăng trên dưới 3000 đồng/lít, một nguồn tin từ Liên bộ Tài chính- Công Thương cho biết.
Mức điều chỉnh giá xăng dầu sẽ tăng lên tới 15-20% so với giá hiện nay. Các mức tăng cụ thể sẽ sớm được Liên bộ Tài chính- Công Thương công bố trong hôm nay, 24/2.
Đây là quyết định mong đợi nhất cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu hiện nay. Nguyên nhân nhìn thấy rõ là các doanh nghiệp đã lỗ nặng do thời gian ghìm giá kéo dài quá lâu. Trong đó, xăng lỗ khoảng 3.000 đồng/lít, dầu dầu diesel lỗ cao nhất tới hơn 3.500 đồng/lít.
Do đó, mức tăng trên dưới 3000 đồng/lít tùy loại xăng dầu được cho là có thể đủ bù lỗ cho các doanh nghiệp.
Theo Petrolimex công bố, tính tới ngày 22/2, giá bình quân 30 ngày của xăng thành phẩm A92 là 106,3 USD/thùng, diesel: 115,3 USD/thùng, dầu hỏa 116,4USD/thùng và dầu matdut đã là 583,12USD/tấn.
Giá thế giới tăng cao đã kéo giá cơ sở của các mặt hàng xăng dầu đều tăng rất mạnh, vượt cách xa so với giá bán lẻ hiện nay. Trong đó, nếu xét về giá trị tuyệt đối, giá cơ sở xăng A92 hiện cao nhất, mặc dù thuế nhập khẩu là 0% nhưng giá cơ sở lên tới 19.342 đồng/lít, tăng 17,9% so với bán lẻ.
Các mặt hàng còn lại, tuy giá trị tuyệt đối thấp hơn nhưng tỷ lệ % vượt so với giá bán lẻ là cách biệt nhất. Ví dụ như dầu diesel, giá cơ sở là 18.653 đồng/lít, cao hơn 26,3% so với giá bán hiện hành. Dầu hỏa có mức tăng tới 25,3% và dầu madut cũng có giá cơ sở cao hơn 23% so với giá bán lẻ.
Trong khi đó, sau nhiều lần tăng mức sử dụng Quĩ bình ổn xăng dầu lên 5-6 lần so với mức trích lập, từ đầu tháng 2, Quỹ bình ổn xăng dầu đã cạn kiệt. Quyết định tăng tỷ giá USD sau đó đã gây sức ép lớn lên giá mặt này. Như Petrolimex đã bị phát sinh hơn 1000 tỷ đồng vì tỷ giá.
Cách đây 3 năm, ngày 21/7/2008, giá xăng dầu cũng đã phải điều chỉnh tăng ở mức kỷ lục sau khi bị kìm giá lâu, với mức từ 2.000 - 6.100 đồng/lít,kg. Trong đó, giá xăng A92 tăng tới 4.500 đồng/lít, từ 14.500 đồng lên 19.000 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng mạnh nhất tới 6.100 đồng/lít từ 13.900 đồng/lít lên 20.000 đồng/lít.
Tuy nhiên, mức tăng tới 15-20% là rất cao. Để giảm áp lực lạm phát, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ nên xem xét cắt giảm bớt một số chi phí như phí xăng dầu, giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biêt, định mức chi phí kinh doanh hay lợi nhuận định mức. Điều này nhằm chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất.
Phạm Huyền
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|