Đưa vàng vào sàn chứng khoán?
Chính phủ đã gửi một thông điệp sẽ cấm kinh doanh vàng vật chất để ổn định tâm lý người dân, chống đầu cơ và tạo điều kiện đưa nguồn vốn đang tích lũy dưới dạng vàng vật chất vào sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia và những người làm việc trong lĩnh vực vàng vật chất, điều này khó khả thi vì chưa có giải pháp cụ thể, cũng như rất khó để có thể xóa bỏ được thói quen kinh doanh vàng vật chất đã tồn tại từ lâu trong xã hội.
|
Hình ảnh các sàn vàng quen thuộc trước đây |
Trên quan điểm cá nhân, người viết xin đưa ra một giải pháp kèm theo khi thực hiện việc cấm kinh doanh vàng vật chất để đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả người dân, các công ty kinh doanh vàng vật chất hiện tại và quản lý nhà nước.
Có bốn vấn đề cần giải quyết khi thực hiện việc cấm kinh doanh vàng vật chất. Thứ nhất, là làm sao đưa toàn bộ lượng vàng vật chất có trong dân chúng vào kho quản lý tập trung do nhà nước quản lý. Thứ hai, các công ty kinh doanh vàng bạc vật chất đã được cấp phép vẫn thực hiện được chức năng kinh doanh của mình. Thứ ba, cách thức giao dịch mua bán vàng sẽ diễn ra như thế nào? Thứ tư, cần có một số quy định đưa ra để quản lý thị trường vàng.
Nên coi vàng là một sản phẩm tài chính giống như cổ phiếu và cách thức quản lý giao dịch có nhiều điểm giống như giao dịch của cổ phiếu trên thị trường hiện nay. Trước hết cần phải tạo ra một sàn giao dịch cho hoạt động mua bán vàng, và nên sử dụng sàn UPCoM tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) hiện tại và bổ sung thêm hai mã là XAU (vàng) và XAG (bạc) trên sàn UPCoM để tận dụng hệ thống quản lý sẵn có.
Sở dĩ chọn sàn giao dịch này là vì tính chất đặt lệnh của sàn UPCoM phù hợp với cách đặt lệnh của vàng hơn sàn niêm yết. Các công ty kinh doanh vàng vật chất sẽ phải đầu tư công nghệ giống như các công ty chứng khoán hiện tại nhưng chỉ phục vụ mua bán hai mã “cổ phiếu đặc biệt” là vàng và bạc.
Khi đó, các công ty kinh doanh vàng có thể thực hiện đồng thời hai chức năng, tự doanh và môi giới, trước đây kinh doanh vàng vật chất thì các công ty này chỉ thực hiện tự doanh.
Khách hàng muốn đầu tư vàng, bạc sẽ phải mở tài khoản giao dịch tại các công ty kinh doanh vàng, các tài khoản tiền của khách hàng sẽ được quản lý tại ngân hàng (tương tự quy định quản lý tiền của khách hàng đầu tư kinh doanh chứng khoán).
Vàng vật chất sẽ được lưu ký tại trung tâm lưu ký chứng khoán nhưng được quản lý thực tại kho dự trữ chung của Ngân hàng Nhà nước. Các hoạt động mua bán vàng của nhà đầu tư sẽ đặt lệnh thông qua công ty kinh doanh vàng.
So với việc quản lý thị trường chứng khoán thì quản lý thị trường vàng cần bổ sung thêm các quy định để quản lý hoạt động mua bán vàng như: cấm sử dụng đòn bẩy (vì thực tế mua bán vàng vật chất cũng không sử dụng đòn bẩy) để tránh hiện tượng đầu cơ, thời gian giao dịch có thể phải kéo dài hơn so với thời gian giao dịch UPCoM hiện tại, cho phép mua và bán trong cùng một phiên, các công ty kinh doanh vàng phải thực hiện việc báo cáo thường xuyên lên Ngân hàng Nhà nước.
Người dân hiện đang có vàng vật chất khi có thể mở tài khoản tại công ty kinh doanh vàng và yêu cầu các công ty này thực hiện việc lưu ký vàng để việc mua bán vàng người dân sẽ thuận lợi hơn, không ảnh hưởng tới tài sản cất trữ hiện nay của họ.
Như vậy, với giải pháp này sẽ tạo điều kiện cho việc quản lý thị trường vàng của nhà nước thuận lợi hơn, các công ty kinh doanh vàng có điều kiện mở rộng hoạt động và khách hàng, xã hội tiết kiệm chi phí quản lý, lưu thông, chi phí bảo vệ..., đồng thời, vẫn tận dụng được hệ thống giao dịch chứng khoán hiện tại sẵn có để quản lý vàng và bạc, không tốn kém đầu tư thêm, nhanh chóng đưa giao dịch vàng tài khoản vào hoạt động.
Nguyễn Hồng Hải
TBKTVN
|