Vụ gián điệp ở Renault, Trung Quốc phản bác mạnh
Hôm qua (11/1), Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chính thức bác bỏ những cáo buộc cho rằng, Trung Quốc đứng đằng sau vụ gián điệp công nghiệp tại tập đoàn Renault.
* Ai đứng sau vụ gián điệp chấn động nước Pháp?
Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Chúng tôi đã ghi nhận những thông tin liên quan… Những cáo buộc đó là vô căn cứ và vô trách nhiệm. Phía Trung Quốc không thể chấp nhận những cáo buộc đó”.
Theo báo chí Pháp, tuyên bố trên của phía Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh cả Chính phủ Pháp lẫn lãnh đạo tập đoàn Renault chưa hề đưa ra cáo buộc chính thức nào rằng quốc gia châu Á này có dính líu tới nghi án.
Trước đó một ngày, phụ trương kinh tế của nhật báo Le Figaro đã đưa lên trang nhất bài viết có tựa đề “Trung Quốc đã tiến hành do thám Renault như thế nào?”.
Tờ báo dẫn những tiết lộ từ các cuộc điều tra tư nhân cho hay, hai trong số ba viên chức cao cấp của Renault có tài khoản tại các ngân hàng Thụy Sĩ và Lichtenstein, mà nơi cung cấp tiền là một công ty Trung Quốc.
Tại Lichtenstein, người ta đã phát hiện được 150.000 Euro, còn tài khoản tại Thụy Sĩ có 500.000 Euro.
Một nguồn tin giấu tên cho hay, số tiền này đến từ một doanh nghiệp Trung Quốc, có trụ sở tại Bắc Kinh, mang tên Power Grid Corporation. Đây là một công ty lớn trong lĩnh vực phân phối điện.
Theo Le Figaro, khoản tiền trên bị nghi là được dùng để trả công cho những người đánh cắp bí mật của Renault, rất có thể đã được chuyển qua một loạt các cơ sở trung gian tại Thượng Hải và Malta.
Đó cũng là lý do khiến nhân vật số 2 của Renault Patrick Pélata đưa ra nhận định với Le Monde cuối tuần qua về nghi vấn có sự tham gia của các đường dây bất hợp pháp mang tính quốc tế. Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn của Le Figaro, Renault đã không đưa ra bất cứ một bình luận nào về chuyện này.
Tờ Le Figaro cho rằng, hiện tại, các nghi vấn xung quanh vụ Trung Quốc mua chuộc các viên chức cao cấp của Renault để chiếm đoạt các bí mật công nghiệp vẫn chưa sáng tỏ. Theo tờ này, sở dĩ hơn một tuần nay, Renault chưa có động tĩnh gì bởi có ý xử lý nội bộ, không muốn làm lớn chuyện.
Về nguyên tắc, tình báo Pháp chỉ vào cuộc sau khi nơi bị hại đệ đơn yêu cầu điều tra tư pháp. Theo Le Figaro, chắc chắn Renault sẽ phải làm việc này trong những ngày tới. Trên thực tế, ban đầu hãng xe hơi hàng đầu nước Pháp đã muốn giải quyết việc này trong nội bộ để không làm to chuyện.
Cách đây ba tháng, sau khi nhận được tố cáo, một mặt, Renault đã ủy nhiệm cho ủy ban quy chế lao động của công ty, có quan hệ chặt chẽ với Cơ quan tình báo nội địa, thu thập các thông tin.
Mặt khác, thay vì nhờ cậy đến cơ quan điều tra của nhà nước, Renault đã thuê một tổ chức tư, chuyên điều tra về các vụ tham nhũng. Kết quả điều tra khiến tất cả phải bàng hoàng sửng sốt.
Hôm 6/1, Pháp khẳng định nước này đã trở thành mục tiêu "chiến tranh kinh tế" mà bằng chứng là vụ rò rỉ thông tin mật của hãng Renault liên quan công nghệ sản xuất ôtô điện, niềm tự hào của ngành sản xuất ôtô của Pháp trong tương lai.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Pháp Eric Besson cho rằng, thuật ngữ "chiến tranh kinh tế" chưa đủ mạnh để diễn tả sự bất bình của nước này đối với vụ bê bối tại Renault. Còn theo hãng tin AFP, vụ án gián điệp công nghiệp này nghiêm trọng chưa từng thấy ở hãng Renault và được ví như một trận động đất.
Ba viên chức cao cấp tình nghi làm gián điệp đã bị hãng cho tạm nghỉ việc từ ngày 3/1 vừa qua, trước khi các thông tin được báo chí công bố gây chấn động, và trước khi hãng có các tiếp xúc chính thức với Cơ quan tình báo nội địa.
Nhật báo Le Parisien cho hay, cả ba người kể trên đều nắm giữ những vị trí then chốt của tập đoàn. Người thứ nhất là Michel Balthazar, 56 tuổi, một trong 30 thành viên của ban lãnh đạo tập đoàn.
Balthazar tốt nghiệp kỹ sư trường Đại học Lyon, vào Renault năm 1980, từng giữ nhiều vị trí quan trọng trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc phòng thiết kế các dòng xe hơi mới của hãng vào năm 2006. Hai năm sau, ông vào ban lãnh đạo tập đoàn và được coi là người đáng tin cậy của Tổng giám đốc Carlos Ghosn.
Người thứ hai là Matthieu Tenenbaum vào Trung tâm công nghệ của tập đoàn từ năm 1997. Hiện nay, ông là Phó giám đốc dự án xe hơi điện. Ông cũng là người quảng cáo xe điện Twizy của Renault tại triển lãm thế giới xe hơi 2011 ở Paris.
Cuối cùng là Gérard Rochette, cánh tay mặt của Balthazar, phụ trách phòng nghiên cứu. Ở vị trí này, ông Rochette nắm được những công nghệ mới nhất của tập đoàn.
Theo Le Figaro, vấn đề hiện nay còn để ngỏ là các thông tin nào đã được chuyển đi qua đường dây tình báo công nghiệp này. Giám đốc bộ phận quản lý của Renault khẳng định, hiện không có bất cứ một thông tin quan trọng nào về công nghệ bị tiết lộ ra ngoài.
Ông cũng nói rõ, các thông tin về cấu trúc của các bộ điện dự trữ, của khâu lắp ráp, của động cơ và bộ phận nạp điện… đã không bị lộ, là điều khiến hãng rất yên tâm. Tuy nhiên, một nguồn tin hoàn toàn khác đã cho Le Figaro biết rằng: Hiện nhà sản xuất Renault còn chưa có được một cái nhìn rõ ràng về toàn thể các thông tin có thể đã bị đánh cắp.
Xét trên phương diện pháp lý, cho đến nay, các thông tin mà các cuộc điều tra tư nhân thu được không mang lại các bằng chứng vững chắc.
Luật sư của ông Matthieu Tenenbaum, một trong ba nghi phạm, khẳng định rất mạnh rằng các lời buộc tội của Renault khiến thân chủ của ông đang vô cùng khổ sở, vì hoàn toàn không hiểu được nguyên nhân của việc kết tội này.
Ba nghi phạm gián điệp đã được Renault triệu lên để chuẩn bị cho việc sa thải. Tại Renault, vụ việc vẫn còn gây chấn động, bởi nghi phạm phó giám đốc 33 tuổi là một người đang nằm trong số có triển vọng thăng tiến đặc biệt.
Tờ Le Figaro cho rằng, vụ việc này chỉ có thể thực sự sáng tỏ khi Cơ quan tình báo nội địa trực tiếp vào cuộc, tiến hành tạm giam và khám xét tại Trung tâm kỹ thuật của Renault và những địa điểm cần thiết khác.
Xe hơi chạy bằng năng lượng điện 100% không thải khí CO2 độc hại làm thay đổi khí hậu trái đất là một chương trình đầy tham vọng của liên doanh Renault - Nissan.
Renault là hãng xe hơi lớn hàng thứ hai ở Pháp, còn hãng xe hơi Nissan là một thành viên của Tập đoàn Nissan Nhật Bản nhưng hoạt động độc lập dưới quyền Tổng Giám đốc Carlos Ghosn của Renault từ năm 2008.
Liên doanh đã đầu tư hơn 4 tỷ Euro vào chương trình sản xuất 4 dòng xe điện của Nissan và 4 dòng xe điện của Renault từ nay đến năm 2012 với kỳ vọng trở thành nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới.
Diệp Anh
TBKTVN
|