Đông Nam Á: Bàn đạp để Trung Quốc "tấn công" châu Á?
Dự án trung tâm thương mại tại Bangkok trị giá 1,5 tỉ USD và đường sắt cao tốc xuyên Đông Nam Á đã cho thấy rõ ràng ý đồ của Trung Quốc sử dụng khu vực này như là bạn đạp để tăng cường sự hiện diện kinh tế nước này trên toàn châu Á.
Đông Nam Á đang trở thành bàn đạp để Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của nền kinh tế nước này trên toàn châu Á. Dự án trung tâm thương mại bán sỉ khổng lồ tại Thái Lan trị giá 1,5 tỉ đô la mới đây vừa được các nhà đầu tư Trung Quốc công bố chính là diễn biến mới nhất của sự việc.
Trung Quốc định đưa Bangkok trở thành trung tâm tái xuất chính cho toàn bộ khu vực ASEAN với dân số 580 triệu người.
Khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2010, đa số các mặt hàng nhập khẩu vào Trung Quốc và ASEAN có thuế suất bằng 0. Điều này tạo tiền đề cho một dòng chảy tự do của hàng hóa giữa Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và Cộng đồng Kinh tế ASEAN - khối kinh tế sẽ gây ấn tượng vào năm 2015.
Sau cuộc suy thoái và khủng hoảng nợ ở Mỹ và châu Âu, bước đi hợp lý cho Trung Quốc là tìm kiếm những thị trường mới phát triển có thể hấp thu sản lượng công nghiệp lớn của họ. Đông Nam Á là khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh. Vì vậy, Trung Quốc sẵn sàng đầu tư khoản tiền lớn để thâm nhập sâu vào ASEAN, khu vực đang dần trở thành thị trường đơn nhất.
Đồ may mặc, trang sức, phụ tùng ô tô, thực phẩm và đồ chơi là những mặt hàng sẽ được tái xuất từ Thái đến các thị trường ASEAN khác thông qua trung tâm thương mại tại Bangkok. Theo China Daily, trung tâm có diện tích 700.000 m2, tương đương với 100 sân bóng đá.
Trước đó, Trung Quốc đã công bố chương trình đường sắt cao tốc đầy tham vọng kết nối với một số quốc gia ở Đông Nam Á. Xuất phát từ tỉnh Vân Nam ở phía nam Trung Quốc, tàu cao tốc với tốc độ trên 200km/h sẽ nhanh đến Lào, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam, Campuchia và Singapore.
Dự kiến, chặng đầu tiên của hàng trăm km đường sắt cao tốc sẽ bắt đầu xây dựng ở Lào trong năm nay với chi phí ước tính là 600 tỷ bạt. Chặng này sẽ được kết nối với tuyến đường sắt cùng loại ở phía nam Trung Quốc.
Chặng thứ hai sẽ bắt đầu từ tỉnh Nong Khai ở phía Bắc Thái Lan và kết thúc ở Bangkok. Người Trung Quốc đang thúc giục nhà chức trách Thái Lan nhanh chóng đồng ý dự án liên doanh trên đất Thái. Đoạn Nong Khai - Bangkok sẽ kết nối với đoạn đường sắt ở Lào tại biên giới hai nước.
Từ Bangkok, tuyến đường được mở rộng sang hướng nam đến Malaysia và cuối cùng là Singapore. Từ phía nam Lào, các tuyến đường bổ sung đang được lên kế hoạch để dẫn đến Campuchia và Việt Nam nhằm liên kết các thành phố lớn ở Đông Dương phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa.
Một tuyến đường sắt cao tốc khác sẽ chạy từ phía nam Trung Quốc đến Myanmar và kết thúc ở thành phố cảng phía nam nước này.
Do đó, Trung Quốc dường như trở thành người hưởng lợi chính của quá trình hội nhập kinh tế ở Đông Nam Á. Các thành phố lớn ở ASEAN lục địa nối với nhau qua hệ thống đường sắt cao tốc.
Các nhà chức trách Thái Lan đang tìm kiếm để có ít nhất 60% cổ phần trong liên doanh đường sắt cao tốc trên đất Thái để đảm bảo rằng chính quốc gia này chịu trách nhiệm kiểm soát hoạt động của mạng lưới này tại đây.
Trong khi có rất nhiều cơ hội khi Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động ở các nước láng giềng nhỏ hơn, mối nguy hại có thể làm nản lòng họ. Ví dụ như một số doanh nghiệp Thái lo sợ rằng dùng Bangkok làm trung tâm tái xuất chính cho hàng hóa Trung Quốc sẽ gây nhầm lẫn cho khách nước ngoài về sản phẩm của Thái Lan cũng như khiến họ lo ngại về chất lượng sản phẩm. Dòng hàng hóa Trung Quốc đổ vào thị trường ASEAN sẽ gây thiệt hại cho các nhà sản xuất bản địa do họ thiếu lợi thế kinh tế theo quy mô, điều khiến Trung Quốc có thể giảm thiểu giá thành sản xuất.
Lan Dung (Theo The Nation)
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|