Thứ Hai, 10/01/2011 11:20

Làm ăn với Mỹ phải biết lobby

Làm ăn với Mỹ phải biết lobby, nếu không doanh nghiệp trong nước sẽ khó có khả năng tiên đoán những hậu quả không lường được, cũng sẽ không có khả năng trở tay một cách bài bản và có hiệu quả khi bị gây sự từ những nhóm đặc quyền ở Mỹ.

LTS: Ngày 15/1/2011 tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, Công ty Vietnam Report và Báo VietNamNet tổ chức Lễ công bố 500 DN lớn nhất Việt Nam và diễn đàn CLB 500 doanh nghiệp lớn nhất, với sự tham gia của Stephen M. Walt - Giáo sư chuyên ngành Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Harvard. Ông sẽ có phần trình bày về "Doanh nghiệp và hoạt động vận động hành lang (lobby)".

Diễn đàn kinh tế Việt Nam (VEF) xin đăng lại bài viết của TS. Trần Sĩ Chương - thành viên Hội đồng cố vấn của VEF liên quan đến đề tài này.

Từ ngày lập quốc, những cha đẻ của nước Mỹ đã hình dung một xã hội dân chủ trong đó tiếng nói của người dân phải được chuyển tải một cách đầy đủ nhất đến chính quyền. Một trong những công thần lập quốc của nước Mỹ là ông James Madison (sau này trở thành Tổng thống thứ tư của Mỹ vào năm 1809) là người phổ biến cái thuyết "bàn tay vô hình" trong chính trường, tương tự như thuyết bàn tay vô hình trong kinh tế thị trường của Adam Smith.

Theo ông, thì chính trường cũng như thương trường, nếu thông tin được lưu hành tốt thì cung sẽ gặp cầu, chính trường sẽ ổn định vì Nhà nước có đủ thông tin (và yêu cầu, áp lực từ dân) để biết và cung được cái gì dân cầu. Từ đó, vai trò của lobbyist (tạm dịch là người vận động hành lang) trong chính trường Mỹ được xem là cần thiết như vai trò của những người làm dịch vụ thông tin, tiếp thị, môi giới, trung gian... trong thương trường.

Người lobbyist ở Mỹ có thể đại diện bất cứ một cá nhân, tập thể, chính trị, xã hội, kinh tế, thương mại nào, kể cả những cá nhân, tập thể Chính phủ nước ngoài, chỉ với điều kiện là họ đăng ký minh bạch với chính quyền Mỹ. Phần lớn những người lobby là những quan chức hồi hưu, những chuyên viên từng làm việc ở Quốc Hội, một số luật sư có kinh nghiệm chuyên ngành (của thân chủ họ).

Những người lobby có tên tuổi lớn thường là những cựu bộ trưởng, thủ trưởng, tướng lãnh (sao nào cũng có), cố vấn, trợ lý của tổng thống, dân biểu, thượng nghị sĩ đã từng nắm những chức vụ chủ chốt ở Quốc Hội, ngay cả những cựu Tổng giám đốc Cục Tình báo TƯ Mỹ.

Tại sao cần đến hoạt động lobby?

Khi đã có các quan hệ chính trị, thương mại, kinh tế, xã hội là tất sẽ có nhiều vấn đề phức tạp, xung đột từ những tranh chấp quyền lợi đơn thuần, hoặc từ những cảm nhận sai lệch, những sự hiểu lầm khó tránh được và thường xảy ra, đặc biệt là khi hai bên có sự khác nhau trong văn hóa xã hội, chính trị, cách làm ăn. Nói chung, tính công bằng của người Mỹ theo nghĩa tốt nhất là khá cao.

Tuy nhiên, nhiều người nước ngoài thường ngộ nhận điều này vì thấy người Mỹ luôn nói theo luật, sống theo luật nên họ cứ ngỡ rằng làm việc với người Mỹ chỉ cần nói lý là đủ.

Công bằng đối với người Mỹ có nghĩa "sòng phẳng" nhiều hơn là "đúng" theo nghĩa đạo đức. Nghĩa là, nếu tôi đẩy được anh làm chuyện gì mà anh đồng ý, dù không thật sự hài lòng, hoặc anh bị tòa xử thiệt hại cho anh vì anh không có người biện hộ tốt, thì cũng là "fair" (sòng phẳng), mặc dù anh có thể "bị" phải đồng ý.

Như vậy, thì dù khi chính quyền Mỹ có áp lực từ Hiệp hội Thủy sản Mỹ (trực tiếp hoặc gián tiếp qua các dân biểu của họ), lấy lý do nào đó để ngăn chặn một nước XYZ nào đó đưa tôm, cá vào Mỹ, mà nếu nước xuất khẩu không có tiếng nói và một phần lực mạnh mẽ thì sẽ bị thiệt thòi và đó là chuyện của anh. Nguyên tắc này áp dụng cho cả người Mỹ với nhau.

Chính trường Mỹ tương đối minh bạch, nhưng hệ thống vận hành lại chằng chịt, phức tạp, không phải lúc nào cũng công bằng. Trong lĩnh vực chính trị, ngay cả những nước thân thiện với Mỹ và có văn hóa gần gũi với Mỹ như Anh, Pháp, Đức, Úc cũng phải cần chuyên gia lobby để vận động thường xuyên với chính khách Mỹ.

Ở Á châu, các nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng phải có một đội lobby hùng hậu ở Mỹ. Chính quyền Đài Loan nhờ có lobby giỏi mới có được sự hậu thuẫn trong chính giới Mỹ để giúp họ quản lý được nhiều vấn đề cực kỳ phức tạp trong quan hệ tay ba giữa họ với Mỹ và Trung Quốc.

Trong mười năm qua, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều cho nhu cầu hiểu biết về người Mỹ đồng thời thực hiện các hoạt động lobby rất tinh vi ở Mỹ. Do vậy Trung Quốc có được một quan hệ tương đối tốt và ổn định với nước này, mặc dù quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đã đến mức rất lớn và cực kỳ phức tạp.

Hoạt động lobby ở Mỹ, tuy là hợp pháp, công khai nhưng giá trị chính của nó là ở những hoạt động "hậu trường", vì các cuộc gặp gỡ, hoạt động giữa chính phủ và chính phủ thường có giá trị rất giới hạn. Các chính khách khi gặp nhau thường phải giữ kẽ, ít cởi mở, phải theo bài và không quan chức nào muốn bị xem là vì áp lực trực tiếp của một chính phủ nước khác mà phải thay đổi chính sách. Cho nên những nước khôn khéo biết làm việc với Mỹ thường cật lực lobby chính trường Mỹ và đã thương lượng dàn xếp được một tính thế tối ưu trước khi họ gặp nhau chỉ để chính thức hóa câu chuyện.

Hệ thống vận hành quyền lực

Cơ quan quyền lực cao nhất và mạnh nhất ở Mỹ là Quốc hội, gồm có Hạ viện với 435 Dân Biểu (DB), nhiệm kỳ hai năm và Thượng viện với 100 Thượng nghị sĩ (TNS), nhiệm kỳ sáu năm. Hiến pháp Mỹ quy định nhiệm kỳ hai năm cho dân biểu là để các vị này luôn bị áp lực phải phục vụ dân vì phải đi năn nỉ dân bầu lại cho mình hai năm một lần. Vai trò của Thượng nghị sĩ là để cân bằng những đòi hỏi, nhu cầu quá đáng từ Hạ viện vì các TNS không bị áp lực tranh cử nặng nề như các dân biểu. Quyền lực của Quốc hội phần lớn dựa trên vai trò hiến định là làm luật (từ nhu cầu, nguyện vọng của dân) và chuẩn chi ngân sách Nhà nước.

Do Quốc hội Mỹ nắm hầu bao nên cơ quan này có quyền và ảnh hưởng, chi phối mọi hoạt động của Hành pháp. Tổng thống có muốn làm gì mà Quốc hội không duyệt thì cũng không xong. Tổng thống có ký hiệp định gì với ai mà Quốc hội không duyệt thì cũng không có hiệu lực. Quốc hội muốn gì, nếu không có ảnh hưởng lớn đến an ninh quyền lợi chiến lược của quốc gia, thì phía hành pháp thường cũng xuôi theo. Quốc hội là cái cửa để doanh nghiệp, tập thể, hội đoàn tác động trực tiếp để can thiệp cho quyền lợi của họ.

Một cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ là ông Thomas O'Neil đã nói một câu bất hủ: "Chính trị là việc địa phương" ("All politics is local"). Ý nghĩa của câu nói này là các dân biểu bị áp lực trực tiếp và thường xuyên từ cử tri của mình, và phải ưu tiên phục vụ đòi hỏi của họ. Nếu không thì sẽ thất cử, khi ấy cho dù người dân biểu có mục tiêu phục vụ lý tưởng tốt đến đâu cũng không có đất để hoạt động.

Chính vì vậy mà bất cứ một doanh nghiệp, hiệp hội, đoàn thể nào cũng có thể đòi hỏi người dân biểu của mình áp lực chính trị với các cơ quan hành pháp để đòi cho được quyền lợi về phía mình.

Tại đất nước này khi có xung đột quyền lợi thì một trong những nguyên tắc chính để tạo cân bằng và ổn định chung là thương lượng, qua đó hy vọng tìm được sự nhượng bộ của cả hai bên, mỗi bên có lợi một ít, không bên nào được lợi hết hoặc thiệt hết. Khi hai bên không thể tự giải quyết ổn thỏa thì mới "đụng trận" đem nhau ra tòa hay để cho một phía thứ ba đứng ra giải quyết giùm. Đây là giải pháp cuối cùng vì rất tốn kém chi phí cũng như thời gian.

Cho nên vai trò người lobby ở đây rất quan trọng: giúp thân chủ tránh được những đối đầu không cần thiết và chỉ đến khi không còn đường giải quyết nữa mới nói đến vấn đề tranh tụng. Muốn đối thủ của mình chịu nhượng bộ thì mình phải tạo được cái thế chính trị, cái lực (thực hoặc ảo) để đối thủ phải cân nhắc, chịu thương lượng trước khi "ra tay". Đó là nghệ thuật của lobby. Muốn có được cái thế lực cần thiết để thủ thân thì cần phải có một chiến lược lobby ở tầm quốc gia (về mặt chính trị) và ở tầm doanh nghiệp / hiệp hội (về mặt kinh tế thương mại).

Dù tốn kém cũng phải làm

Đầu tư vào các hoạt động lobby khá tốn kém nhưng đây là phương pháp ngừa bệnh và giảm đau. Cho nên dù có tốn kém nhưng còn rẻ hơn nhiều so với chi phí chữa bệnh. Kinh nghiệm của các nước làm lobby hữu hiệu với Mỹ là dùng các chuyên gia lobby có kinh nghiệm và thế lực ở Mỹ.

Người nước ngoài khó có kiến thức, quan hệ, tư cách và pháp nhân cần thiết để tiếp cận dễ dàng với chính giới Mỹ. Những chuyên gia này đã chi trả những phí "lót đường" hợp pháp để khi gõ cửa thì được người ta mời vào. Và họ cũng là người có phương tiện và khả năng "có qua có lại" để có được ảnh hưởng với các dân biểu. Những nước thường gặp trở ngại trong quan hệ với Mỹ là những nước chủ quan, không chịu đầu tư nghiêm túc để hiểu người Mỹ và biết cách vận hành của hệ thống quyền lực của họ hoặc đặt quá nhiều trách nhiệm và kỳ vọng vào khả năng của các viên chức ngoại giao ở sứ quán của mình.

Trên thực tế, hầu hết các viên chức ngoại giao sứ quán có kiến thức không sâu về nước mà mình đang làm việc, đơn giản là do nhiệm kỳ của họ chỉ có ba hoặc bốn năm. Mặc dù phần lớn đều có một số chuẩn bị cơ bản trước khi nhận nhiệm vụ nhưng họ không đủ khả năng (kể cả vấn đề ngoại ngữ) để tự tin và năng nổ xông vào chính trường Mỹ (ngoài nhiệm vụ ngoại giao truyền thống).

Trong tất cả các sứ quán Á châu ở Mỹ, chỉ có Singapore là có một đội ngũ nhân viên tương đối nhỏ nhưng có khả năng cao trong quan hệ với nước sở tại vì họ được đào tạo chuyên về Mỹ, có khả năng giao tiếp tốt. Nhờ vậy họ có được sự tự tin để "mòn gót giày" trên các hành lang Quốc hội thay vì thụ động ngồi trong văn phòng sứ quán như phần lớn nhân viên của các sứ quán khác. Thế mà, Singapore vẫn có một nhóm chuyên gia lobby để giúp họ "bắt mạch" nhịp đập của chính trường Mỹ, hoạch định kế hoạch chiến lược, duy trì những quan hệ ưu tiên trong chính giới Mỹ.

Trong phạm trù kinh tế thương mại, nếu muốn làm ăn trên quy mô lớn và lâu dài với Mỹ thì cần phải có một chiến lược và kế hoạch, chương trình lobby cụ thể với Mỹ. Phần lớn doanh nghiệp trong nước chưa có thói quen làm việc với luật sư và chuyên gia lobby vì không thấy được những hiệu quả rõ ràng trước mắt.

Nếu vai trò của người luật sư là cần thiết trong làm ăn với Mỹ thì vai trò của người lobby cũng quan trọng không kém, vì họ là người giúp ngừa những căn bệnh lớn có tầm chiến lược và giúp giảm đau, chóng hồi phục khi bị bệnh. Kinh nghiệm làm ăn với Mỹ của một số doanh nghiệp trong nước mấy năm qua có thể cho thấy khá rõ vấn đề này.

Trong quan hệ song phương giữa hai nước, quyền lợi chính trị và kinh tế có nhiều lĩnh vực tương đồng do đó nên có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp/hiệp hội với nhà nước để chia sẻ thông tin, chi phí hỗ trợ nhau trong công tác lobby để tạo nên một cái thế lớn hơn. Các hiệp hội ngành nghề và các hiệp hội doanh nghiệp nên xem đây là vấn đề ưu tiên trong quan hệ làm ăn với Mỹ để hợp lực tạo cái thế cho hoạt động lobby ở Mỹ khi cần.

Không có phương tiện lobby thì doanh nghiệp trong nước sẽ không có khả năng tiên đoán những hậu quả không lường được, cũng sẽ không có khả năng trở tay một cách bài bản và có hiệu quả khi bị gây sự từ những nhóm đặc quyền ở Mỹ. Lobby ở Mỹ là một vấn đề mà nếu không biết lo xa tất sẽ có buồn gần. Cái giá phải trả sẽ rất lớn, từ những thiệt hại cụ thể đến những hệ quả lâu dài hơn.

Trần Sĩ Chương

Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần

Các tin tức khác

>   Trung Quốc: Thặng dư thương mại thu hẹp còn 13.1 tỷ USD (10/01/2011)

>   10 trung tâm mua sắm “khủng” nhất thế giới (08/01/2011)

>   Trung Quốc sẽ mở trung tâm thương mại khổng lồ tại Thái Lan (07/01/2011)

>   Tập đoàn Boeing bội thu đơn đặt hàng máy bay (07/01/2011)

>   Doanh nghiệp Mỹ sính lao động ngoại (07/01/2011)

>   “Tỷ giá Nhân dân tệ không quyết định thương mại Trung-Mỹ” (06/01/2011)

>   Doanh thu sòng bạc Macau đạt kỷ lục (05/01/2011)

>   Năm 2011: Trung Quốc tiếp tục soán ngôi Mỹ về lĩnh vực chế tạo (04/01/2011)

>   Brazil: Thặng dư thương mại xuống mức thấp nhất (04/01/2011)

>   Hàng không toàn cầu phục hồi mạnh mẽ trong 2010 (04/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật