Nguy cơ dừng thi công Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Việc Bộ Tài chính từ chối bảo lãnh phát hành trái phiếu công trình của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) không chỉ làm lỡ tiến độ Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình mà còn ảnh hưởng tới mô hình thí điểm về đầu tư đường cao tốc sau 5 năm triển khai.
Dự án cao tốc gặp khó
Thông tin Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình gặp khó khăn về vốn do Bộ Tài chính từ chối tiếp tục bảo lãnh Trái phiếu công trình (TPCT) do VEC phát hành được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng đưa ra tại cuộc họp Đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN hồi cuối tháng 12/2010 đã làm “rúng động” nhiều nhà thầu tham dự.
Cần phải nói thêm rằng, tổng mức đầu tư (TMĐT) Dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ sau 2 lần điều chỉnh là 8.974 tỷ đồng, bao gồm cả chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng, lãi vay trong quá trình huy động. Trong khi đó, ngoài 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ được Chính phủ cấp cho VEC nhưng được lại được đưa thẳng vào chi phí xây dựng công trình, toàn bộ vốn đầu tư cho Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình còn lại được huy động thông qua kênh phát hành TPCT dưới sự bảo lãnh của Bộ Tài chính.
Từ khi khởi công công trình tới nay, VEC mới phát hành được 2 đợt với tổng số tiền là 1.400 tỷ đồng. Sau đó do lãi suất huy động tăng cao, Dự án buộc phải sử dụng vốn ứng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Theo tìm hiểu của baodautu.vn, những thông tin bất lợi về tài chính của Dự án không chỉ dừng ở đây. Tại văn bản số 17387/BTC-TCNH ngày 21/12/2010, Bộ Tài chính đã khẳng định bằng văn bản là “dừng bảo lãnh phát hành trái phiếu dự án” và yêu cầu VEC “tự tìm kiếm nguồn vốn hợp pháp khác” cho Dự án. Trong khi đó, khả năng ứng tiếp vốn từ nguồn ngân sách nhà nước cho Dự án từ nay đến hết tháng 6/2011 là điều rất khó khăn.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng không chấp thuận đề xuất của VEC về việc bảo lãnh cho doanh nghiệp này được vay vốn thương mại của các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế, có lãi suất bình quân thấp hơn lãi suất phát hành trái phiếu trong nước cũng như trả nợ toàn bộ phần lãi và gốc vay đến hạn cho số vốn TPCT đã phát hành trong thời gian VEC chưa phát hành được trái phiếu do vướng thủ tục bảo lãnh..
“Khả năng VEC tự huy động nguồn vốn khác vào thời điểm này là điều không thể”, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định trong văn bản mà Bộ GTVT báo cáo khẩn cấp với Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, nguyên nhân của khiến Bộ Tài chính dừng bảo lãnh phát hành trái phiếu là do hệ số nợ trên vốn điều lệ của VEC hiện đã vượt ít nhất 3 lần giới hạn huy động (tối đa 3 lần vốn điều lệ) quy định tại Nghị định 199/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ ban hành quy chế quản lý tài chính của Công ty Nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của VEC sẽ còn tăng lên khi doanh nghiệp nòng cốt trong lĩnh vực đầu tư phát triển mạng đường cao tốc này tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án được Chính phủ giao.
Điều đáng nói là tại Quyết định số 1202/QĐ –TTG ngày 10/9/2007 về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách áp dụng các dự án đầu tư do VEC làm chủ đầu tư, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính căn cứ tình hình sản xuất kinh doanh và nhu cầu vốn cho VEC, xem xét bổ sung vốn điều lệ cho VEC theo quy định.
Tuy nhiên trong suốt quá trình hoạt động từ năm 2005 tới nay, không những vốn điều lệ cho VEC chưa bao giờ được cấp đủ, trách nhiệm bảo lãnh TPCT do VEC phát hành cũng không được Bộ Tài chính thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều hệ lụy nguy hiểm
“Mặc dù đây là thông tin rất nhạy cảm nhưng Bộ GTVT thấy cần phải công khai vì quyền lợi của các doanh nghiệp thi công công trình”, ông Dũng chia sẻ.
“Nếu chủ đầu tư không huy động được vốn, chúng tôi chắc chắn sẽ bị “nợ đọng”, một nhà thầu thi công Dự án lo lắng.
Nỗi lo lắng của các nhà thầu là hoàn toàn có cơ sở bởi Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang ở giai đoạn thi công nước rút với nhiều gói thầu xây lắp đang tiến hành trải thảm bê tông nhựa. Chỉ cần chậm thanh toán vài hồ sơ thanh toán, số tiền nợ cho mỗi nhà thầu có thể lên tới vài chục tỷ đồng.
Nếu như các đơn vị thi công lo lắng một thì lãnh đạo VEC còn sốt ruột gấp nhiều lần bởi hệ lụy từ đề xuất của Bộ Tài chính chắc chắn sẽ rất tai hại xét trên nhiều phương diện.
Đầu tiên là việc tiến độ xây dựng công trình cho thời gian dự kiến sẽ thông xe sẽ bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh hầu hết các đơn vị thi công đều “sống” bằng vốn thanh toán của chủ đầu tư thì khi Dự án hết vốn đồng nghĩa với việc tiến độ sẽ lập tức “đứng lại”. Nếu dòng vốn của Dự án “bị gãy”, chắc chắn công trình đường cao tốc dài 56 km, quy mô 4 làn xe từ Cầu Giẽ tới Ninh Bình sẽ không thể thông xe vào tháng 6/2011 như kế hoạch đề ra.
Thứ hai là, phát hành trái phiếu công trình cũng là kênh huy động để trả vốn ứng từ ngân sách nhà nước và đáo hạn, trả nợ lãi vay khi dòng tiền của Dự án chưa đạt trạng thái dương. Việc không huy động được vốn, khả năng đáo nợ các khoản vay trước đây của VEC sẽ không thực hiện được. Điều này rất có thể đẩy VEC vào tình thế rất khó khăn do những hoàn cảnh khách quan gây ra.
“Việc dừng bảo lãnh phát hành TPCT sẽ ảnh hưởng tới việc thí điểm một số cơ chế, chính sách áp dụng cho các dự án đầu tư, khai thác đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư – mô hình được cho là đúng hướng, bước đầu phát huy được hiệu quả sau 5 năm triển khai", ông Dũng đánh giá.
Anh Minh
Đầu tư
|