Thứ Sáu, 14/01/2011 06:09

Ngân hàng ACB bán USD giá chợ đen

Sau khi NH Nhà nước mạnh tay dẹp nạn ngân hàng bán USD vượt trần quy định cho doanh nghiệp, tới lượt các khách hàng cá nhân bị bắt chẹt, bị ép mua USD bằng giá chợ đen, dù nhu cầu hoàn toàn chính đáng.

Nhận được điện của con gái từ Mỹ nhắn chuyển 4.000 USD tiền học phí cho năm học mới, ngày 10.1, chị M. (nhà tại Ngõ Chợ, phố Khâm Thiên, Hà Nội) mang theo giấy tờ cần thiết như hộ khẩu, chứng minh nhân dân, thư nhập học của con gái gửi về qua Ngân hàng Á Châu (ACB) - chi nhánh Khâm Thiên làm thủ tục.

Với đầy đủ những giấy tờ trên, như mọi khi chị vẫn nghĩ mình được mua USD đúng với giá niêm yết (19.500 đồng/USD) của ngân hàng. Tuy nhiên,  giao dịch viên thông báo, giá USD chị phải mua là 20.970 đồng/USD.

Thấy mức chênh lệch lên tới gần 1.500 đồng/USD, nhẩm tính 4.000 USD sẽ phải nộp thêm gần 6 triệu đồng, chị mới hỏi lại ngân hàng, thì nhận được lời giải thích ngắn gọn: “Ngân hàng đang khan USD”, và tư vấn thêm, nếu chị không chịu có thể ra ngoài thị trường “chợ đen” khảo giá, mua mang về ngân hàng để chuyển khoản.

Sau khi tham khảo ngoài chợ đen, thấy giá từ 21.000 đến hơn 21.000 đồng/USD, lại sợ con gái không kịp nộp học phí hạn cuối vào ngày 15.1, chị đành cắn răng mua và nghe theo sự hướng dẫn của ngân hàng.

Với khoản tiền 4.000 USD, tỷ giá 20.970 đồng/USD tổng số tiền chị phải nộp khoảng gần 84 triệu đồng (chưa tính phí chuyển tiền). Nhưng điều kỳ lạ là nhân viên này không ghi số tiền, cùng mức tỷ giá như đã thông báo vào phiếu thu mà yêu cầu chị ký tên vào 2 phiếu thu, một phiếu thu ghi số tiền nộp 4.000 USD, tỷ giá 19.500 đồng/USD (tương đương 78 triệu đồng) và phiếu thu còn lại ghi phí chuyển khoản 314,54 USD cũng với mức tỷ giá trên (tương đương hơn 6 triệu đồng). Tổng mức tiền chị phải nộp hơn 84 triệu đồng.

Theo Tổng giám đốc một ngân hàng lớn tại Hà Nội, việc “hô biến” mức tỷ giá từ trần thành giá chợ đen của các nhân viên trên là cố tình ép buộc, bắt chẹt khách hàng. Còn việc ngân hàng đưa ra 2 phiếu thu, một ghi phí chuyển, một ghi tổng tiền nộp với tỷ giá 19.500 đồng/USD, theo ông một là các nhân viên tự móc ngoặc với nhau để “ăn chặn” tiền của khách hàng, hai là để hợp thức hóa tránh sự kiểm tra của NH Nhà nước.

Việc bán USD vượt giá trần, không thua kém giá chợ đen đối với khách hàng có nhu cầu chính đáng như chị M., theo một chuyên gia ngân hàng thì đây là hành vi cố tình vi phạm những quy định về quản lý ngoại hối của Nhà nước. Bởi theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối 2005, cũng như hướng dẫn tại Nghị định số 160/2006/NĐ-CP, đối với các khách hàng có nhu cầu mua USD đi du học, khám chữa bệnh, du lịch… có đầy đủ giấy tờ chứng minh, ngân hàng phải thực hiện việc bán USD và bán đúng với giá niêm yết do NH Nhà nước quy định.

Đã đến lúc NH Nhà nước cần phải có sự can thiệp để bảo vệ quyền lợi của người dân, những người có nhu cầu mua ngoại tệ một cách chính đáng, hợp pháp; đồng thời cần có những biện pháp kiểm tra, giám sát thật chặt các giao dịch này.

Anh Vũ

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   EVNTelecom: Dịch vụ 3G chỉ đạt hơn 1% kế hoạch doanh thu (12/01/2011)

>   Ngày 19/1 sẽ công bố kết quả bầu Tổng bí thư (11/01/2011)

>   Sổ đỏ để trong ngân hàng... vẫn mất (11/01/2011)

>   EVN đang ở “chân tường”! (11/01/2011)

>   Bắt tạm giam Phó giám đốc Agribank chi nhánh 3 (11/01/2011)

>   Ông bầu Đoàn Nguyên Đức: “Tôi không đốt tiền, phá bóng đá” (10/01/2011)

>   Khi Tổng giám đốc Vinashin... nổi cáu (10/01/2011)

>   ACB không phủi trách nhiệm (08/01/2011)

>   Facebook từng thâu tóm... hụt Twitter năm 2008 (04/01/2011)

>   Thế giới còn lại gì trong kỷ nguyên Internet? (31/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật