Thứ Sáu, 07/01/2011 13:55

Kinh tế Việt Nam đầu năm 2011: Thay đổi năm bản lề cho ngũ niên mới

Nhìn lại kinh tế năm 2010, khi tốc độ tăng trưởng GDP 6,78% và mặc dù có những bất ổn về mặt vĩ mô, nhưng nhiều người cho rằng, đây chỉ là những khó khăn tài chính nhất thời và tình hình sẽ dễ dàng được cải thiện trong năm mới.

Nhìn lại kinh tế năm 2010, khi tốc độ tăng trưởng GDP 6,78% và mặc dù có những bất ổn về mặt vĩ mô, như lạm phát tăng trở lại hai con số, tỷ giá biến động mạnh, lãi suất hỗn loạn, có thời điểm tăng vọt lên 19-20%, chứng khoán cuối năm kém sôi động, nhưng nhiều người cho rằng, đây chỉ là những khó khăn tài chính nhất thời và tình hình sẽ dễ dàng được cải thiện trong năm mới.

Kỳ I: Thực trạng kinh tế: những bất ổn vĩ mô

Nếu phân tích kỹ, những mất cân bằng trên không chỉ do những nguyên nhân ngắn hạn, mà bắt nguồn từ nhiều năm do chính sách đầu tư công cao, kém hiệu quả, chính sách tiền tệ hướng về tăng trưởng số lượng cao, nhưng thiếu bền vững, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao.

Chính vì vậy, đầu năm nay, Việt Nam đang phải đối phó với một khúc quanh quan trọng về chính sách, tương tự như năm 1986-1988 (thời điểm thực hiện đường lối đổi mới để tăng tổng cung, dẹp các chính sách bao cấp để theo đuổi các chính sách kinh tế thị trường). Hiện tại, sau hai thập niên thay đổi, Việt Nam đang gặp các vướng mắc tương tự như Trung Quốc. Thực trạng này đòi hỏi phải cương quyết hơn khi áp dụng các biện pháp để giảm tổng cầu và thay đổi cấu trúc tổng cung, tập trung nâng cao vai trò của doanh nghiệp, của khu vực kinh tế tư nhân.

Nếu để các bất cân bằng vĩ mô hiện tại kéo dài thêm 1-2 năm nữa thì có thể khiến tình hình tài chính xấu đi. Lúc đó, các chính sách điều chỉnh bắt buộc có thể đẩy lùi tăng trưởng và khiến Việt Nam tụt hậu thêm so với khu vực Đông Nam Á, cũng như rất khó khăn trong việc đạt mục tiêu đến năm 2020, cơ bản trở thành nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Cơn bão tài chính hiện nay không chỉ do các yếu tố khó khăn ngắn hạn, mà thực chất bắt nguồn từ vài năm nay do các chính sách nội tại. Đó là:

Tăng trưởng GDP chậm lại từ năm 2008 với các nguyên nhân do khủng hoảng thế giới bên ngoài và thiếu ổn định vĩ mô bên trong:  Sau nhiều năm tăng trưởng khá cao, kể từ năm 2008 (điểm khởi đầu của khủng hoảng kinh tế toàn cầu), kinh tế Việt Nam cũng không là ngoại lệ khi GDP giảm còn 6,2%; năm 2009 chỉ còn 5,2%; năm 2010 phục hồi ở mức 6,78%. Tính bình quân, trong 3 năm (2008-2010), tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã giảm dưới mức 7% của thập niên trước đó.

Vốn đầu tư FDI đăng ký giảm mạnh, tuy vốn thực hiện được duy trì. Nhìn toàn cảnh thế giới sau khủng hoảng, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn là nơi có tỷ lệ sinh lời cao và có tiềm năng phát triển tốt trong tương lai. Nhờ đó, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam ngay trong năm khủng hoảng 2008 lại tăng đáng ngạc nhiên. Tuy vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2009 giảm mạnh, nhưng vốn thực hiện vẫn xấp xỉ năm 2008. Năm 2010, vốn FDI vào Việt Nam có giảm, nhưng vốn thực hiện vẫn tăng. Nguyên nhân khiến vốn FDI đăng ký sụt giảm là sự mất cân bằng vĩ mô, đặc biệt là do tỷ giá VND/USD biến động mạnh trong 3 năm qua.

Lạm phát tăng cao từ năm 2007 do mức cung tiền tăng quá cao so với tăng trưởng danh nghĩa: Từ năm 2007, lạm phát tăng nhanh là vấn đề khiến các nhà hoạch định kinh tế Việt Nam phải đau đầu tìm cách giải quyết. Nguyên nhân chính là do từ năm 2005 đến 2010, cung tiền và tín dụng đã tăng quá mạnh so với GDP danh nghĩa. Ngoài ra, chính sách tài khóa với các đặc điểm chi tiêu công và nợ công tăng nhanh, ưu đãi các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả…, cũng tác động tới tình trạng lạm phát. Sau một loạt thay đổi về chính sách vĩ mô, từ kích cầu (năm 2007-2008) sang kiềm chế lạm phát (năm 2009), đã cho kết quả khả quan là lạm phát giảm xuống 6,9% (so với mức xấp xỉ 20% năm 2008). Tuy nhiên, do việc nới lỏng tiền tệ từ giữa năm 2010 để đạt mức tăng trưởng mục tiêu 6,5%, nên áp lực lạm phát trở lại mạnh mẽ từ đầu quý IV và CPI đã tăng đến 11,75% trong năm 2010.

Thâm hụt thương mại và cán cân vãng lai thêm trầm trọng do nhập siêu. Thực trạng này xảy  ra bởi cơ cấu sản xuất thiếu kỹ nghệ phụ trợ, trong đó xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu và thiết bị. Cán cân vãng lai năm 2009 không thay đổi nhiều, trong khi cán cân thương mại lại thâm hụt gần 8 tỷ USD so với năm 2008 cho thấy thu nhập từ bên ngoài trong năm 2009 đã giảm đáng kể so với năm 2008. Điều này phù hợp khi tình hình kinh tế thế giới vẫn đang khó khăn và phục hồi chậm, nên lượng kiều hối cũng như thu nhập từ đầu tư không được như mong muốn. Tình trạng này tiếp diễn trong năm 2010.

Áp lực tỷ giá. Lạm phát luôn cao, cán cân thanh toán thiếu hụt và dự trữ ngoại hối xuống thấp từ năm 2008 đến nay đã tạo áp lực lên tỷ giá VND/USD (khiến VND mất giá trên 30% so với USD tính từ năm 2005 đến nay). Điều này gợi nhớ về tình hình thị trường ngoại hối tháng 5/2008, khi  đó, Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Tài chính đã phải nhóm họp để thông báo rằng, dự trữ ngoại hối trong nước đủ để xử lý các diễn biến của thị trường ngoại hối và sau đó thông qua các biện pháp quan trọng để ổn định tình hình tài chính. Đến nay, công chúng đang chờ những thông báo tương tự và các biện pháp để ổn định thị trường tài chính.

Đầu tư tăng cao, nhưng hiệu quả kém khiến việc giảm các khoản chi tiêu công cũng như thất thu ngân sách trở nên cấp thiết. Hệ số ICOR luôn cao gắn liền với tỷ lệ đầu tư/GDP quá cao cùng mức tăng nhanh của nợ công là những đặc điểm nổi bật của nền kinh tế trong 5 năm qua (xem bảng). Lĩnh vực tài chính với sức hút mạnh mẽ các luồng vốn bên ngoài ồ ạt đổ vào giai đoạn 2007-2008, đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể của chính luồng tiền này trong hai năm 2009 và 2010.

Thực tiễn cho thấy, khi rủi ro tiềm ẩn bùng phát, thì cũng là lúc các nhà đầu tư, các nhà quản lý kinh tế có thể rút ra bài học kinh nghiệm và có cơ hội nhìn lại những sai lầm, thiếu sót của mình.

Kỳ II: Biện pháp ổn định tỷ giá và khôi phục trạng thái cân bằng kinh tế vĩ mô

TS. Phạm Đỗ Chí

đầu tư

Các tin tức khác

>   Những “thông điệp” kinh tế đầu năm  (07/01/2011)

>   Nhật Bản sẽ cấp vốn ODA cho lĩnh vực vũ trụ tại Việt Nam (07/01/2011)

>   Việt Nam thiếu “cẩm nang” phát triển bền vững (07/01/2011)

>   VN tăng trưởng nhanh nhưng chỉ số kinh tế tri thức thấp (07/01/2011)

>   Việt Nam cần mô hình phát triển kinh tế thích hợp (06/01/2011)

>   Lạm phát 2010, nhìn từ các góc độ giá (06/01/2011)

>   Chính thức khánh thành nhà máy lọc dầu Dung Quất (06/01/2011)

>   Nguy cơ dừng thi công Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (05/01/2011)

>   Muốn hội nhập thành công, VN cần quy hoạch trí tuệ (06/01/2011)

>   Việc cần làm và không nên làm (06/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật