Thứ Sáu, 07/01/2011 11:48

Việt Nam thiếu “cẩm nang” phát triển bền vững

Việt Nam vẫn đang "say" với các con số tăng trưởng mà chưa có những tiêu chuẩn về phát triển bền vững. Nhưng chúng ta cần thận trọng để không đi vào con đường phát triển bằng mọi giá,

Không "đóng cửa, bật điều hòa, viết chính sách"

"Phát triển bền vững chưa xứng tầm với yêu cầu đề ra," Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Hội đồng phát triển bền vững Quốc gia khẳng định như vậy tại hội nghị Phát triển bền vững toàn quốc diễn ra tại Hà Nội ngày 6/1.

Những năm qua, Việt Nam mới chỉ tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, chuyển dịch kinh tế chưa đồng đều, chất lượng kém. Bên cạnh đó là một loạt vấn đề như tái nghèo, mất cân bằng giới tính, chăm sóc sức khỏe người dân bất cập, giáo dục còn nhiều hạn chế. Khai thác khoáng sản còn gặp nhiều vi phạm và gặp khó khăn trong quản lý. Đặc biệt, chúng ta chưa ban hành được bộ tiêu chí về phát triển bền vững...

Ông Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh: "Tăng trưởng bền vững là điều kiện cần cho phát triển bền vững về kinh tế và kinh tế cũng là trục quan trọng nhất của phát triển bền vững".

Ông Bá cho rằng, vai trò, trách nhiệm và chất lượng của các cơ quan công quyền phải nâng mình lên, không để tình trạng "đóng cửa bật điều hòa nhiệt độ viết chính sách" như hiện nay thì sẽ không thể bền vững được.

Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách tài khóa, nghiên cứu bỏ dần chế độ khoán thuế; có chế tài chính đủ mạnh để xử lý những trường hợp vi phạm; đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng những doanh nghiệp, cá nhân trốn thuế, gian lận nộp thuế. Đồng thời, nghiên cứu, cơ cấu lại các loại thuế nhằm tạo nguồn nuôi dường doanh nghiệp phát triển, kích thích doanh nghiệp phát triển bền vững; giảm đối tượng thuộc diện miễn, giảm thuế.

Sản xuất, tiêu dùng bền vững

Ông Lê Quang Được - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho rằng: Sản xuất bền vững nhấn mạnh tới cân đối của bên cung, nhằm cải thiện các hoạt động môi trường trong các ngành kinh tế chủ chốt, như công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, du lịch, và giao thông. Tiêu dùng bền vững hướng tới bên cầu, tìm cách thỏa mãn nhu cầu cơ bản hàng hóa và dịch vụ và cải thiện cuộc sống - theo cách có thể giảm gánh nặng lên sức chịu tải của trái đất.

Định hướng phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020

- Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững

- Chuyển đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo

hướng thân tihện môi trường

- Thực hiện "công nghiệp hóa sạch"

- Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

- Phát triển bền vững các vùng và địa phương

Còn ông Trần Hồng Việt - Tổng Giám đốc Du lịch Sài Gòn bày tỏ: Kinh tế bền vững không tách ra khỏi môi trường, nên mình phải có cẩm nang trên tất cả các ngành và hãy nghĩ về con cháu chúng ta sau này. Vì vậy, Chính phủ nên giao cho các ngành soạn thảo một cẩm nang phát triển bền vững cho riêng mình trên cơ sở phát triển bền vững quốc gia.

"Nếu mỗi khách sạn dùng đèn tiết kiệm điện và giảm công suất tiêu thụ thì chúng ta sẽ có thể tiết kiệm được rất nhiều," ông Việt chia sẻ.

Đại diện Liên hiệp quốc tại Việt Nam, ông John Hendra cho rằng UNDP sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển bền vững. Ông cũng bày tỏ một thực tế, Việt Nam chưa đạt được mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ như: khí thải cao, nước sạch thấp...

"Trồng rừng, hướng tới nền công nghiệp xanh và sạch hơn, giảm khí thải nhà kính, chống ô nhiễm, phát triển mô hình kinh tế xanh, công nghệ hiện đại là giải pháp tối ưu cho vấn đề này" - ông John Hendra chia sẻ.

Cốt lõi là tài chính bền vững

Ông Đào Văn Hùng - Phó Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng tài chính bền vững là cốt lõi của nền kinh tế bền vững. Gần đây khủng hoảng dày hơn, ảnh hưởng đến đời sống của nền kinh tế nhiều hơn, nhất là tần suất của lạm phát nhiều và đôi khi chúng ta hy sinh tăng trưởng để ổn định vĩ mô.

"Năm 2011 là năm xác định ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, chứ không phải tăng trưởng," ông Hùng nhấn mạnh.

Nhiều người cho rằng trong khủng hoảng vừa qua chúng ta khá thành công nhưng điều này không đồng nghĩa là hệ thống tài chính không có vấn đề. Ví dụ như vừa qua tỷ lệ nợ xấu nhiều. Vì vậy, cần tăng cường kiểm soát của Ngân hàng trung ương với các định chế tài chính trong thời gian tới.

Còn ông Lê Hải Vương - Viện chiến lược và chiến sách Tài chính thì quả quyết "Chính phủ nên tạo ra nền tài chính quốc gia mạnh và hiệu quả, minh bạch hơn".

Bà Jennifer Sara, đại diện Word Bank cho rằng: Không thể tách rời ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường trong sự phát triển kinh tế.

Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị trong năm 2011 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành Định hướng phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện phát triển bền vững giai đoạn 2011-2015, ban hành bộ chỉ tiêu phát triển bền vững để theo dõi, giám sát và đánh giá vấn đề này.

Trần Đông

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   VN tăng trưởng nhanh nhưng chỉ số kinh tế tri thức thấp (07/01/2011)

>   Việt Nam cần mô hình phát triển kinh tế thích hợp (06/01/2011)

>   Lạm phát 2010, nhìn từ các góc độ giá (06/01/2011)

>   Chính thức khánh thành nhà máy lọc dầu Dung Quất (06/01/2011)

>   Nguy cơ dừng thi công Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (05/01/2011)

>   Muốn hội nhập thành công, VN cần quy hoạch trí tuệ (06/01/2011)

>   Việc cần làm và không nên làm (06/01/2011)

>   Việt Nam là nền kinh tế mới nổi đáng chú ý (05/01/2011)

>   Hàn Quốc sẽ khai thác đất hiếm ở Việt Nam? (05/01/2011)

>   Dự án FDI lớn nhất năm 2010: Tiếp cận “ẩn số” Nam Hội An (05/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật