Thứ Sáu, 14/01/2011 15:49

Gamesa sống khỏe nhờ biết cách… chiều Trung Quốc

Gamesa, tập đoàn sản xuất turbine và các thiết bị sản xuất điện gió lớn thứ 3 thế giới của Tây Ban Nha (xét theo doanh thu), chỉ sau Vestas (Đan Mạch) và General Electric (Mỹ) đang gặt hái nhiều thành công trong các dự án đầu tư của mình ở Trung Quốc.

Trong năm 2010 vừa qua, gần 50% trong tổng doanh thu 4,4 tỷ USD của Gamesa có được là từ thị trường Trung Quốc. Một trong những bí quyết chính dẫn đến thành công của Gamesa là biết chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương, chính sách của Chính phủ Trung Quốc đối với doanh nghiệp (DN) nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực phong điện. Hơn thế nữa, thậm chí, ngay cả khi phát hiện Chính phủ Trung Quốc có biểu hiện vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan đến tỷ lệ nội địa hoá thiết bị sản xuất điện gió, Gamesa vẫn “kiên định” sách lược là… mần thinh, không khiếu nại, với mục tiêu “một điều nhịn là… chín điều lành”. Nhờ vậy, công việc bán hàng của Gamesa không bị ảnh hưởng.

Nói cho thật khách quan và sòng phẳng, thì cho dù doanh thu của Gamesa ở Trung Quốc tăng, nhưng trên thực tế thị phần lại bị teo lại đáng kể. Nếu năm 2005, Gamesa nắm 35% thị phần cung cấp turbine và thiết bị sản xuất điện gió ở Trung Quốc, thì nay chỉ còn là 3%. Dù thị phần bị thu hẹp, song do thị trường điện gió của Trung Quốc có tiềm năng và sức tiêu thụ rất lớn, nên hiện vẫn có tới gần 50% sản phẩm của Gamesa được bán ra tại đây.

Nhiều nhà phân tích nhận xét, Gamesa được Trung Quốc ghi nhận là một trong những DN nước ngoài có nhiều đóng góp trong việc giúp đỡ, chuyển giao công nghệ cho các DN nước này. Cụ thể, Gamesa đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho 500 DN Trung Quốc trong 5 năm qua. Nhờ đó, các DN Trung Quốc đã nhanh chóng vươn lên và hiện đã chiếm lĩnh được 85% thị phần thiết bị sản xuất điện gió ở thị trường nội địa.

Không chỉ có vậy, các DN Trung Quốc còn được ưu đãi đủ đường, nào là được vay vốn với lãi suất ưu đãi ở mức rất thấp (vì đây là lĩnh vực được đặc biệt ưu tiên phát triển do hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường), được thuê đất với giá ưu đãi, rồi cũng gặp thuận lợi trong đấu thầu các dự án của các tập đoàn năng lượng Trung Quốc. Chính vì thế, các DN sản xuất turbine điện gió của Trung Quốc hiện chiếm tới 50% thị phần toàn cầu (có tổng trị giá ước tới 45 tỷ USD/năm).

Ông Han Junliang, Giám đốc điều hành (CEO) Công ty Sinovel, DN sản xuất turbine điện gió lớn nhất Trung Quốc hiện nay đã bày tỏ tham vọng đưa công ty trở thành DN sản xuất turbine điện gió lớn nhất thế giới vào năm 2015. Ông này cũng thừa nhận, Gamesa đã tận tình và “vô tư” giúp đỡ Sinovel vào những năm đầu.

Ông Jorge Calvet, Chủ tịch kiêm CEO Gamesa cho rằng, Gamesa đã đi đúng hướng khi tận tình giúp đỡ các DN Trung Quốc.

“Nếu như chúng tôi không làm, thì chắc chắn một DN nước ngoài khác cũng sẽ làm thay chúng tôi. Vậy nên xét cho cùng, ở đây cũng chẳng có gì phải lấy làm tiếc hay hối hận cả. Hơn nữa, một khi bạn đã có ý định làm ăn lâu dài ở đây, thì bạn phải làm tròn mọi cam kết của mình ”, ông Jorge Calvet lập luận.

Gamesa xuất thân là công ty chế tạo cơ khí thông thường không có gì nổi trội ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, do lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, nên ngay từ năm 1994 Gamesa đã nhảy vào lĩnh vực sản xuất turbine điện gió, một lĩnh vực hết sức mới mẻ vào thời điểm đó không chỉ ở Tây Ban Nha, mà cả ở hầu hết các nước trên thế giới.

Ngày 4/7/2005, Ủy ban Đổi mới và Phát triển quốc gia Trung Quốc đã ban hành Chỉ thị 1204 quy định, các cơ sở sản xuất điện gió của nước này phải mua thiết bị, turbine có tỷ lệ nội địa hóa ít nhất là 70% (các chi tiết, linh kiện phải được sản xuất ở Trung Quốc).

Thực ra, quy định này là không phù hợp với quy định chung của WTO, song Gamesa không muốn khiếu nại, vì ngại gặp rắc rối trong làm ăn sau này.

Chính bà Joanna I. Lewis, giáo sư luật Đại học Georgetown (Mỹ) được Chính phủ Trung Quốc mời tư vấn về chính sách về năng lượng điện gió cũng đã cảnh báo Trung Quốc rằng, chỉ thị này đã vi phạm quy định của WTO. Giờ đây, sản phẩm của Gamesa có tới 95% tỷ lệ nội địa hóa, vượt xa quy định của Trung Quốc.

Năm ngoái, bang Ontario (Canada) cũng bắt chước Trung Quốc đưa ra quy định rằng, thiết bị của dự án điện gió phải có tỷ lệ 25% nội địa hoá và của dự án điện mặt trời là 50%. Sau đó, Nhật Bản và nhiều nước khác đã lớn tiếng phản đối, doạ kiện lên WTO, nên chính quyền bang này phải huỷ quyết định.

Hiện Mỹ cũng là thị trường lớn của Gamesa và cũng không yêu cầu cao về tỷ lệ nội địa hoá, song Gamesa vẫn sử dụng tới 50% thiết bị được sản xuất tại Mỹ, phần còn lại được nhập khẩu từ nhà máy đặt tại... Thiên Tân (Trung Quốc).

Trung Hiếu (Theo báo chí nước ngoài)

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Ai là nữ doanh nhân số 1 thế giới năm 2010? (13/01/2011)

>   Cuộc chiến 'tỷ phú' giữa Bloomberg và Forbes (12/01/2011)

>   Những khó khăn của kinh tế Mỹ trong năm 2011 (11/01/2011)

>   15 công ty bị dân Mỹ “tẩy chay” năm 2010 (09/01/2011)

>   Doanh nhân Mỹ Latinh lạc quan nhất về năm 2011 (05/01/2011)

>   1,5 triệu người Mỹ phá sản trong năm 2010 (05/01/2011)

>   Giá đồng sẽ tăng gấp đôi trong năm 2011 (04/01/2011)

>   WB nhận định về nguy cơ tác động FDI vào châu Á (04/01/2011)

>   Forbes chọn 10 công ty uy tín nhất thế giới 2010 (31/12/2010)

>   Nam Phi chính thức được mời gia nhập nhóm BRIC (25/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật