Ai là nữ doanh nhân số 1 thế giới năm 2010?
Vinh dự này đã thuộc về một người phụ nữ Ấn Độ, bà Indra Nooyi, tổng giám đốc PepsiCo. Bà đứng đầu trong danh sách 50 doanh nhân nữ năm 2010 do Financial Times bình chọn.
Indra Nooyi là một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp đáng kính nhất trên thế giới, không thua kém bất kỳ người phụ nữ quyền lực nhất nào khác. Bà là giám đốc điều hành công ty PepsiCo từ năm 2006, nhưng trên thực tế đã giúp điều hành chiến lược của hãng từ năm 2001, khi bà trở thành chủ tịch và giám đốc tài chính cho tập đoàn.
Nooyi sinh ra ở Chennai, học MBA tại Học viện Quản trị Ấn Độ, và làm việc trong hai năm cho công ty Johnson & Johnson tại Mumbai, trước khi quyết định vượt Đại Tây Dương.
Bà nhớ lại: "Tất cả những gì tôi có là 500 đôla và suất học bổng của Đại học Yale. Tôi có cảm giác của một người nhập cư đến Mỹ năm 1978: Tôi phải làm việc tốt hơn mức bình thường - nếu không làm được thế, tôi sẽ chẳng biết phải đi đâu?" Mỗi ngày, Nooyi nói, bà đều tự nhủ: "Liệu tôi đã đáng là CEO của công ty này hôm nay hay chưa?"
Ông nội bà là người có ảnh hưởng rất lớn đối với bà, giúp bà thấm nhuần hai tư tưởng giản dị: "Trước tiên, nếu bạn được giao cho một công việc, hãy hoàn thành thật tốt. Bạn phải luôn đặt câu hỏi cho bản thân, 'Ta đã làm việc đó với hết sức khả năng của mình hay chưa?'"
"Thứ hai, ông dạy tôi phải biết học tập suốt đời. Đừng bao giờ nghĩ mình đã thành đạt, và hãy nhớ những gì mình không biết còn nhiều hơn rất nhiều những gì mình biết".
Sau khi học xong chương trình thạc sĩ về quản trị công và tư tại Yale, Nooyi gia nhập Tập đoàn Boston Consulting.
Bà ở đó trong sáu năm trước khi vào làm tại Motorola, với cương vị phó chủ tịch kiêm giám đốc chiến lược và hoạch định doanh nghiệp. Sau đó bà trải qua bốn năm với Asea Brown Boveri, công ty điện của Thụy Điển - Thụy Sĩ, trước khi đến Pepsi.
Hữu xạ tự nhiên hương, General Electric cũng rất muốn lôi kéo Nooyi; và Roger Enrico, giám đốc điều hành của Pepsi, đã phải nói rõ với bà, Jack Welch của GE là vị giám đốc điều hành vĩ đại bậc nhất trên thế giới, nhưng PepsiCo thực sự cần bà. Đó là quyết định mang tính bước ngoặt.
Nooyi đến với "gã" khổng lồ đồ uống và thức ăn nhẹ này năm 1994. Làm việc với Enrico, "chúng tôi hình dung ra được PesiCo sẽ như thế nào trong 10 năm tới. Chúng tôi đã tách khỏi các công ty đồ uống đóng chai của chúng tôi", bà giải thích.
Nooyi đã dự đoán trước xu hướng chuyển sang thức ăn có lợi cho sức khỏe hơn và bắt đầu định vị thương hiệu phù hợp với nhu cầu đó. Đóng góp vào chiến lược trên - Pepsi mua lại Tropicana năm 1998 và sau đó Quaker Oats (với giá 13 tỷ USD) năm 2000, bà còn góp công đầu gia tăng trưởng thị phần thương hiệu Gatorade, thức uống thể thao của Pepsi.
Công ty đã giảm 25% lượng natri trong bánh Lay's (ở Anh có tên gọi là Walkers). Hiện tại, "một túi Lay's có ít muối hơn cả một lát bánh mì", bà nói.
Nooyi tổ chức danh mục sản phẩm của Pepsi thành ba nhóm nhãn hiệu nhỏ: thú vị cho bạn (Pepsi, Doritos); tốt hơn cho bạn (Diet Pepsi, bánh nấu); và tốt cho bạn (Tropicana, Naked, Quaker Oats). Bà giải thích: "Lối sống đã thay đổi và chúng tôi phải điều chính lại sản phẩm của chúng tôi".
Nooyi bổ sung, tới năm 2011, bánh Lay's sẽ được sản xuất 100% từ nguyên liệu tự nhiên. Công ty cũng sẽ chú trọng hơn tới các biện pháp trồng trọt bền vững, với các mục đích như làm giảm lượng nước sử dụng khi trồng khoai tây.
Báo cáo kết quả mỹ mãn trong Quý ba, Nooyi cũng tuyên bố thành lập một đơn vị mới chịu trách nhiệm phát triển các sản phẩm dinh dưỡng mới, sử dụng hoa quả, rau, ngũ cốc và sữa.
"Việc thành lập Đơn vị Dinh dưỡng toàn cầu này là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm tăng doanh thu từ kinh doanh thực phẩm và đồ uống dinh dưỡng của chúng tôi lên từ khoảng 10 tỷ USD hiện tại lên 30 tỷ USD vào năm 2020", Nooyi phát biểu trong một báo cáo vào thời điểm đó. Bà thể hiện rõ điều đó khi nói, "chúng tôi muốn mọi nhân viên hào hứng làm việc mỗi ngày".
Bà nói thêm: "Chúng tôi có một văn hóa có khả năng làm được như vậy, dựa trên sự cạnh tranh một cách xây dựng. Trước đây, khi bạn nói, "hãy di chuyển" họ sẽ di chuyển. Còn giờ thì họ nói: 'Hãy để tôi làm việc này'".
Đảm bảo thực hiện quản trị đa dạng theo hướng tích cực, Nooyi nói, là điều quyết định giúp thu hút những người giỏi nhất. "Chúng tôi xem xét kế hoạch phát triển 10-15 năm cho những người có tiềm năng cao. Kế hoạch này quan tâm tới cả con cái họ, trường học của chúng, công việc của người vợ (hoặc chồng), bố mẹ già - bất cứ điều gì ảnh hưởng khiến họ thấy thoải mái khi làm việc. Như thế chúng tôi tạo dựng cơ hội để họ phát triển sự nghiệp song song với đảm bảo cuộc sống cá nhân của họ".
Trên "mặt trận" cola, Pepsi khá lép vế, công ty phải gắng sức hơn nữa. Nooyi đang phấn đấu. Bà hết sức biết ơn đối với nước Mỹ vì đã cho bà cơ hội, mong muốn một ngày nào đó được tham gia chính phủ để "đền đáp".
Lúc này, bà không còn "được" đi mua sắm cho gia đình hay làm việc vặt, mà đến đâu cũng phải có vệ sĩ đi cùng. Bà bộc bạch: "Tôi ghét như thế. Tôi là một con người bình thường, một người mẹ và một người vợ".
Đình Ngân
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|