Thứ Tư, 19/01/2011 09:52

“Chỉ hội nhập kinh tế thuần túy là không đủ”

“Rất mong Đại hội kỳ này tìm ra được điểm hợp lý để cân đối giữa cải cách thể chế và tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam”, ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Invest Consult Group, bày tỏ nhân cuộc trò chuyện với VnEconomy, trong dịp Đại hội Đảng XI diễn ra tại Hà Nội.

Xin hỏi quan điểm của ông về một số vấn đề kinh tế - xã hội then chốt tại Việt Nam. Trước hết, ông đánh giá như thế nào về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới?

Tôi cho rằng, 5 năm tới sẽ có nhiều bước ngoặt, nhiều thay đổi, do đó để đánh giá cả 5 năm là một việc khó. Tuy nhiên, có thể chia 5 năm ấy làm hai giai đoạn: giai đoạn đầu tiên là giai đoạn trước phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ và phương Tây, có lẽ nó ở vào khoảng 2-3 năm đầu tiên của 5 năm tới. Sau đó mới nói đến giai đoạn thứ hai.

Nói gì thì nói, tương lai của nền kinh tế Việt Nam sẽ phải phụ thuộc nhiều vào sự hồi phục của kinh tế quốc tế, trong đó chủ yếu là các nền kinh tế phương Tây và Hoa Kỳ, khi đây đang là thị trường chủ yếu của các sản phẩm của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, trong 2-3 năm tới, nền kinh tế Việt Nam chưa nhìn thấy sự phát triển thoả mãn kỳ vọng của chúng ta về phát triển kinh tế. Như vậy, lý do thứ nhất là lý do thị trường.

Lý do thứ hai là Đại hội Đảng lần thứ XI. Rất mong Đại hội kỳ này tìm ra được điểm hợp lý để cân đối giữa cải cách thể chế và tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta cơ cấu nền kinh tế Việt Nam trong những điều kiện không thuận lợi lắm về thế chế, và cái đó làm cho chúng ta không đạt được ý mình muốn, làm cho chúng ta phải trả giá cho một số sự cố về kinh tế, ví dụ như vụ Vinashin.

Tuy nhiên, tái cấu trúc kinh tế lần này không thể chỉ bằng nhiệt tình cách mạng được. Có thể nói, Thủ tướng và Chính phủ đã khai thác hết tính năng động của mình trong việc cấu trúc và phát triển nền kinh tế đến 2010. Bây giờ đã đến một pha khác, pha ấy đòi hỏi tính năng động của toàn bộ hệ thống chính trị chứ không phải tính năng động của riêng Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ nữa.

Vì thế, việc cải cách thể chế và tái cấu trúc nền kinh tế nên được tiến hành đồng bộ. Trong những phát biểu đầu tiên của các quan chức của Chính phủ cũng đã xuất hiện những ngôn từ như thế này rồi, và trong dự thảo các cương lĩnh hoặc các bình luận về dự thảo đó cũng xuất hiện những yếu tố như thế. Ví dụ, chúng ta thay từ “hội nhập kinh tế” bằng từ “hội nhập”. Trong dự thảo cương lĩnh cũng nói hội nhập quốc tế, chứ không nói hội nhập kinh tế quốc tế nữa.

Điều ấy phản ánh rằng, Bộ Chính trị, ban lãnh đạo cao cấp của Đảng, Thủ tướng Chính phủ và ban lãnh đạo cao cấp của Chính phủ nhận thấy, nếu chỉ hội nhập kinh tế thuần túy thì chúng ta sẽ không gặt hái được những kết quả có chất lượng tích cực đối với sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Cho nên, tôi cho rằng, lý do thứ hai để dự báo về tương lai kinh tế Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc vào việc chúng ta xác nhận một quy mô cải cách thể chế tích cực hơn, nhưng phải phù hợp với năng lực xã hội, cũng như năng lực phát triển kinh tế xã hội.

Thứ nhất, chúng ta muốn phát triển kinh tế thì chúng ta phải phát triển nguồn nhân lực. Giai đoạn 5 năm vừa rồi là giai đoạn chúng ta sử dụng tiền vốn một cách rất ào ạt. Chúng ta có thể phê phán việc phát triển kinh tế theo chiều rộng mà không chú ý theo chiều sâu, nhưng chúng ta quên mất rằng có muốn phát triển theo chiều sâu thì xã hội của chúng ta cũng không đủ năng lực để thực hiện. Bởi vì toàn bộ hệ thống giáo dục, đào tạo của chúng ta còn lạc hậu so với đòi hỏi tự nhiên của sự phát triển kinh tế.

Thứ hai, hệ thống pháp luật của chúng ta chưa đủ chất lượng để điều chỉnh một nền kinh tế có chiều sâu. Bất kỳ nền kinh tế có chiều sâu nào cũng phải được bảo trợ bởi một hệ thống pháp luật, mà hệ thống pháp luật ấy ngoài việc thoả mãn độ an toàn cho việc quản lý xã hội, nó còn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng là bảo vệ một cách nghiêm cẩn toàn bộ sở hữu của các lực lượng xã hội và sở hữu kết quả sản xuất, kinh doanh của các lực lượng xã hội. Hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay chưa có được chất lượng như vậy.

Cho nên, song song với việc cải cách giáo dục và đào tạo để tăng cường nguồn nhân lực, chúng ta phải cải cách thể chế, phải xây dựng hệ thống pháp luật và tính có hiệu lực của hệ thống pháp luật, để bảo vệ cảm hứng của xã hội đối với việc đầu tư và phát triển kinh tế. Còn nhiều yếu tố khác nữa mà tôi không thể nói hết được. Nhưng hai yếu tố như thế là cần thiết.

Trong các nút thắt về cơ sở hạ tầng hiện nay, theo ông, nút thắt nào là quan trọng nhất và cần được tháo gỡ ngay?

Người ta thấy một quốc gia hấp dẫn hay không hấp dẫn trước hết là cơ sở hạ tầng giao thông và phát triển đô thị. Đây là một quá trình nhân tạo hoàn toàn. Vì là quá trình nhân tạo cho nên nó rất dễ chủ quan, muốn nó cân bằng thì phải tìm ra được sự đồng thuận có tính chất xã hội rộng lớn đối với hệ thống cơ sở hạ tầng là giao thông và đô thị. Không nên cưỡng bức các đô thị và không nên cưỡng bức giao thông. Giao thông và đô thị là hai yếu tố chủ quan tác động mạnh mẽ nhất trên quy mô lớn nhất vào sự ổn định của môi trường tự nhiên.

Thứ hai là chúng ta phải xây dựng một nền công nghiệp Việt Nam, nền công nghiệp hoàn toàn Việt Nam, chứ không nên tự biến mình thành công xưởng của thế giới. Đấy là việc vô cùng khó, nó là đối tượng của triết học chứ không phải chỉ là đối tượng của kinh tế học vĩ mô. Bởi cơ sở hạ tầng có giá trị kinh tế, cơ sở hạ tầng có giá trị xã hội, cơ sở hạ tầng có giá trị triết học là ba loại cơ sở hạ tầng khác nhau. Nếu chúng ta chỉ chú ý đến cơ sở hạ tầng như một yếu tố kinh tế thuần túy thì sẽ thất bại.

Chúng ta có thể lóa mắt trước sự sang trọng của một số quốc gia hay trước sự hoàn chỉnh đến mức đẹp đẽ của một quốc gia. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng mọi yếu tố cơ sở hạ tầng không chỉ xuất hiện do đòi hỏi của sự phát triển kinh tế, mà còn do đòi hỏi của nguyện vọng sống của con người. Cơ sở hạ tầng tốt nhất là cơ sở hạ tầng phù hợp với khát vọng sống của cư dân.

Phải đưa yếu tố xã hội học, phải đưa yếu tố triết học vào trong quá trình tạo ra chính sách vĩ mô liên quan đến việc tạo ra cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng là cái rất khó thay đổi, nó tạo ra thói quen văn hóa mới của con người, và nó có thể làm hỏng nền văn hóa của chúng ta, nếu yếu tố văn hóa, yếu tố xã hội học, yếu tố triết học không được xem xét đến trong quá trình xây dựng các quy hoạch.

Ông có thể phân tích rõ hơn về việc phải có một nền công nghiệp hoàn toàn Việt Nam?

Tức là nó phải phù hợp với đòi hỏi và khả năng của mình, đó là nền công nghiệp tối thiểu để làm cho con người Việt Nam có thể sống trong điều kiện bên ngoài có đảo lộn, có mưa bão... Nếu chúng ta không xây dựng được một nền công nghiệp tối thiểu để làm nền tảng cho người Việt Nam sống với nhau thì chúng ta sẽ không ổn định được.

Nhưng có vẻ như điều đó khá mâu thuẫn với các chủ thuyết hiện nay, đặc biệt trong môi trường toàn cầu hóa?

Toàn cầu hóa là sự hội nhập của các nền kinh tế chứ không phải là sự biến mất của các nền kinh tế. Cho nên nền kinh tế có những đặc trưng của mình, có những yếu tố của mình, có những yếu tố tối thiểu của mình là tiền đề để hội nhập.

Nghĩa là trước tiên là chúng ta phải tồn tại, còn để phát triển mạnh thì chúng ta sẽ hội nhập?

Đúng. Tôi đã có bài viết gọi là “Lý thuyết về hai nền kinh tế”. Nhiều người không đồng ý với tôi thuật ngữ này, nhưng tôi buộc phải dùng, đó là nền kinh tế bản thể, tức là nền kinh tế của mình. Chúng ta phải có nền kinh tế của mình, để trong điều kiện không ổn định của toàn bộ hệ thống thế giới thì chúng ta vẫn sống được ở mức tối thiểu, đó là điều cực kỳ quan trọng.

Sự tác động vào nền kinh tế nông nghiệp, nền kinh tế lúa nước, canh tác bằng việc lấy đất để công nghiệp hóa, có thể làm cho chúng ta mất đi tính bản thể. Một chiếc cần cẩu muốn quay được trên cao và cẩu vật nặng lên thì nó phải có một đối trọng ở đâu đó. Chúng ta không dỡ đối trọng của nền kinh tế của mình để hội nhập. Nhưng chúng ta thiếu, chúng ta ít, chúng ta nghèo, cho nên toàn bộ nghệ thuật của hoạt động quản lý vĩ mô chính là nhấc các đối trọng từ khu vực này sang khu vực kia như thế nào để tạo ra sự cân bằng tại chỗ của các trạng thái của nền kinh tế.

Kim Thái

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Đà Nẵng cấp phép đầu tư cho 4 doanh nghiệp Nhật (19/01/2011)

>   ANZ: Lạm phát đe dọa đến ổn định kinh tế Việt Nam (19/01/2011)

>   Tạo sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế (19/01/2011)

>   Việc chuyển đổi kinh tế của Việt Nam còn hạn chế (18/01/2011)

>   Tổng giám đốc được dùng xe công giá 850 triệu đồng (18/01/2011)

>   TS.Lê Xuân Nghĩa: Ẩn số lớn của lạm phát 2011 là giá thực phẩm (18/01/2011)

>   Thu hút FDI: Bắt đầu từ “biết mình” (18/01/2011)

>   Đón dòng vốn đầu tư Nhật (18/01/2011)

>   Có phải “đầu tư không dẫn tới lạm phát”? (17/01/2011)

>   TPHCM: 8 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 (17/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật