Thứ Bảy, 11/12/2010 11:59

Vốn nóng “chê” thị trường trái phiếu

Trong khi nhiều nền kinh tế trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc… đang chật vật ngăn dòng vốn nóng đổ vào, thì Việt Nam lại ở thái cực ngược lại.

Ghi nhận của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), nơi quy tụ 60 DN thành viên là các ngân hàng thương mại, các công ty quản lỹ quỹ, CTCK lớn như: BIDV, Citibank, HSBC, Deutsche Bank, Dragon Capital… cho thấy, tuy đang “khát” cơ hội giải ngân, nhưng hiện Việt Nam chưa phải là nơi tìm đến của dòng vốn nóng. Nguyên nhân của tình trạng này phần nào được sáng tỏ qua cuộc trao đổi giữa ĐTCK với ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA.

Nếu so với các nước trong khu vực, kinh tế vĩ mô của Việt Nam không “đẹp” bằng. Ngoài lý do này, còn nguyên nhân nào khác khiến dòng vốn nóng “chê” thị trường trái phiếu của Việt Nam không, thưa ông?

Trong quá trình phục hồi kinh tế hậu khủng hoảng, gần đây, dòng vốn nóng của châu Âu, Mỹ tìm cách đổ vào các nền kinh tế mới nổi, mà châu Á là trọng tâm. Trong bối cảnh đó, nhiều nước như Thái Lan, Hàn Quốc… đã phải tìm cách kiểm soát dòng vốn nóng đổ vào cho phù hợp với khả năng hấp thụ nhằm đề phòng gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Trong khi đó, dòng vốn này vẫn chưa tìm đến Việt Nam, bởi tuy các chỉ số vĩ mô cơ bản năm 2010 khá tốt, nhưng nếu đi sâu phân tích các chỉ tiêu về lạm phát, cán cân xuất nhập khẩu, tỷ giá… thì nền kinh tế Việt Nam có một số điểm chưa thuận lợi cho các nhà đầu tư so với các nền kinh tế trong khu vực. Trong khi đồng tiền của hầu hết các nước trong khu vực đều lên giá so với USD, thì VND có xu hướng ngược lại.

Thêm vào đó, lạm phát cao làm cho lãi suất chịu áp lực tăng lên, cán cân xuất nhập khẩu tiếp tục mất cân đối khá lớn… Trong khi đó, thị trường trái phiếu gắn rất chặt với diễn biến kinh tế vĩ mô, nên những yếu tố “chưa đẹp” trên làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam so với các nước đang phát triển khác như Thái Lan, Indonesia, Philippines… trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu nói riêng, thị trường vốn nói chung.

Vậy khả năng thu hút dòng “vốn nguội” vào thị trường trái phiếu thì sao, theo ông?

Kinh nghiệm của nhiều nền kinh tế cho thấy, nếu kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng bền vững thì sẽ từng bước tạo ra sức hấp dẫn đủ lớn để biến nhiều dòng “vốn nóng” thành “vốn nguội”, nghĩa là giữ chân được nhà đầu tư ở lại lâu hơn với thị trường vốn, còn không thì ngược lại.

Ngoài vấn đề kinh tế vĩ mô, các nhà đầu tư nước ngoài còn quan tâm đến điều gì ở thị trường trái phiếu Việt Nam khi cân nhắc đầu tư?

Đã là nhà đầu tư thì lợi nhuận so sánh thường là mục tiêu số một khi họ đưa ra quyết định giải ngân vào bất kỳ thị trường trái phiếu nào.

Ngoài yếu tố trên, điều nhà đầu tư quan tâm và so sánh khi lựa chọn thị trường đầu tư là mức độ an toàn xét trên góc độ xếp hạng tín nhiệm, mức độ phát triển của thị trường về quy mô giao dịch, khả năng thanh khoản, cơ sở hạ tầng giao dịch, hệ thống pháp lý và chi phí kinh doanh có cạnh tranh không…

Vì vậy, muốn tăng khả năng cạnh tranh để thu hút nhà đầu tư, thì cùng với nỗ lực thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, đưa nền kinh tế phát triển theo chiều sâu, chúng ta cần nghiên cứu xây dựng một chiến lược phát triển thị trường trái phiếu tổng thể với lộ trình và mục tiêu ưu tiên cụ thể trên các mặt vừa nêu.

Trước mắt, VBMA sẽ làm gì để góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn Việt Nam, trong đó có thị trường trái phiếu?

Tuy còn nhiều hạn chế, nhưng dưới con mắt của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, thị trường trái phiếu Việt Nam còn rất tiềm năng do dư địa cho thị trường phát triển còn lớn. Phản ánh của nhiều nhà đầu tư cho thấy, tuy nhu cầu đầu tư vào Việt Nam khá lớn, nhưng họ rất ít có cơ hội nắm bắt thông tin đa dạng, cập nhật về thị trường trái phiếu. VBMA đang nỗ lực cùng với các cơ quan chức năng giải toả nút thắt này.

Cụ thể, để giúp nhà đầu tư nhận diện rõ nét hơn cơ hội đầu tư vào thị trường vốn Việt Nam, dự kiến ngay trong tháng 1/2011, VBMA sẽ tổ chức Hội nghị các nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu Việt Nam với lời mời tham gia của đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước, các cơ quan quản lý.

VBMA hy vọng, những thông tin hữu ích mà các nhà đầu tư có được từ diễn đàn này, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2011 vững chắc hơn, sẽ tạo ra một tín hiệu tích cực về dòng vốn ngoại chảy vào thị trường trái phiếu và cả thị trường cổ phiếu.

Hữu Hòe

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Huy động vốn trái phiếu chính phủ đạt thấp (09/12/2010)

>   Ngày 10/12, VBMA sẽ tổ chức hội nghị thường niên đầu tiên (07/12/2010)

>   Ông chẳng bà chuộc (06/12/2010)

>   Ngày 15/12/2010, ngày ĐKCC hưởng lãi trái phiếu VEC10803 (05/12/2010)

>   Ngày 13/12/2010, ngày ĐKCC hưởng lãi trái phiếu VEC10804 (05/12/2010)

>   Ngày 13/12/2010, ngày ĐKCC hưởng lãi trái phiếu VEC10804 (05/12/2010)

>   Đấu thầu 3,000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ vào ngày 9/12 (03/12/2010)

>   Techcombank chào bán 30 triệu trái phiếu chuyển đổi (03/12/2010)

>   SBS tiếp tục phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ (02/12/2010)

>   Trái phiếu vàng: Không thể là giải pháp dài hạn (01/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật