Thứ Sáu, 03/12/2010 11:41

Thuế nhập khẩu ôtô, xe máy sắp tới sẽ thế nào?

Theo cam kết tại Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam sẽ phải công bố lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đến 2015/2018 trước ngày 17/11/2011. Lần này, ôtô chở người dưới 30 chỗ và xe máy rất được quan tâm.

Theo quy định của Hiệp định ATIGA (có tên gọi trước đây là CEPT/AFTA), các nước được miễn thực hiện nghĩa vụ cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng thuộc danh mục loại trừ (GE) của ASEAN vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ sức khỏe con người và động thực vật, bảo vệ các sản phẩm có giá trị về nghệ thuật, lịch sử và khảo cổ. Khi xây dựng danh mục các mặt hàng thực hiện ATIGA, Việt Nam đã đưa mặt hàng ôtô và xe máy (theo danh mục hàng hóa chung của ASEAN phiên bản 2007, các mặt hàng này gồm 47 dòng thuế ôtô chở người dưới 30 chỗ - nhóm 8702, 8703 và xe máy - nhóm 8711) vào danh mục loại trừ nhằm mục đích bảo hộ sản xuất trong nước và đảm bảo thu ngân sách. Tuy nhiên...

Không còn được loại trừ!

Tại Hội nghị Hội đồng AFTA lần thứ 20 (năm 2006), Việt Nam đã cam kết sẽ chuyển các mặt hàng ôtô chở người và xe máy từ Danh mục loại trừ hoàn toàn (GEL) vào thực hiện ATIGA, thuế quan sẽ được xóa bỏ vào năm 2015, có linh hoạt đến 2018. Theo quyết định của Hội nghị Hội đồng AFTA lần thứ 21 (năm 2007), thì năm 2008, Việt Nam phải ban hành văn bản pháp lý về việc đưa mặt hàng ôtô xe máy vào thực hiện ATIGA. Do vậy, các mặt hàng này đã được đưa vào cắt giảm thuế từ 2008 để thực hiện cam kết trong ASEAN. Tuy nhiên, hiện nay lộ trình giai đoạn 2014 - 2018 vẫn chưa được công bố.

Cắt giảm ra sao ?

Thực tế lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan trong ASEAN đối với mặt hàng ôtô xe máy giai đoạn 2008-2018 đã được dự kiến từ khá lâu. Ngày 31/3/2008, Bộ Tài chính đã có công văn (số 3634/BTC-HTQT) lấy ý kiến các bộ ngành liên quan và Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) về lộ trình giảm thuế nhập khẩu ôtô xe máy.

Tại công văn nêu trên, Bộ đã đưa ra 2 phương án:

Phương án 1: Thuế suất CEPT sẽ được duy trì ở mức thuế suất MFN hiện hành (năm 2008) cho đến hết năm 2013 (đối với ôtô) và năm 2012 (đối với xe máy) - đây là thời hạn cam kết cuối cùng trong WTO đối với các mặt hàng này. Sau đó sẽ giảm dần xuống 0% vào 2018.

Phương án 2: Thuế suất CEPT sẽ giảm đều từ mức thuế suất MFN hiện hành (2008) xuống 0% vào 2018.

Quan điểm của Bộ Tài chính là chọn Phương án 1 (đối với cả ôtô và xe máy) nhằm đảm bảo duy trì sự bảo hộ cao nhất cho đến 2010 (phù hợp với cam kết WTO) để thực hiện cam kết, nhưng ít ảnh hưởng nhất đến thị trường và sản xuất trong nước. Các bộ, ngành cũng đã nhất trí lựa chọn phương án 1. Riêng VAMA không có sự đồng thuận trong nội bộ. 9 thành viên lựa chọn phương án 1; trong khi 6 thành viên đưa ra các phương án khác. Tuy nhiên các phương án này đều nhất trí thời điểm xóa bỏ thuế quan là vào năm 2018, chỉ khác ở mức cắt giảm thuế giai đoạn 2011-2015.

Trên cơ sở tham gia ý kiến của các bộ ngành, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 36/2008/QĐ-BTC về việc ban hành Biểu thuế CEPT/AFTA giai đoạn 2008-2013, trong đó thuế suất CEPT đối với mặt hàng ôtô xe máy được thực hiện theo phương án 1, cụ thể là mức thuế suất CEPT được giữ ở mức 83% (bằng thuế MFN) đến hết năm 2010, giảm xuống 70% vào 2011 và 60% vào 2013. Lộ trình các năm sau (2014-2018) vẫn chưa được công bố.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt lộ trình giảm thuế đối với 47 mặt hàng ô tô xe máy trong ASEAN giai đoạn 2014-2018 theo phương án 1 (xem bảng).

Cam kết của Việt Nam đối với mặt hàng ôtô xe máy trong các thỏa thuận thương mại

* Trong WTO, Việt Nam cam kết mức thuế suất ràng buộc cuối cùng từ 52%-70% đối với ôtô tùy theo từng dòng xe, thời gian thực hiện từ 7 đến 12 năm (2014-2019). Đối với xe máy, mức thuế suất ràng buộc cuối cùng là 60%-65%-70%-75% tùy theo từng loại.

* Trong FTA ASEAN - Trung Quốc: các mặt hàng ôtô chở người xe máy đều thuộc danh mục nhạy cảm cao. Thuế suất cam kết cuối cùng là 50% vào 2018.

* Trong các FTA khác của Việt Nam (ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Úc - New Zealand, ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản): các mặt hàng này đều thuộc danh mục nhạy cảm cao (cắt giảm một phần thuế quan) hoặc danh mục loại trừ (không phải cam kết cắt giảm).

Hương Viên

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu gas xuống 2% (03/12/2010)

>   Thu ngân sách 11 tháng vượt chỉ tiêu cả năm 2010 (02/12/2010)

>   Đủ kiểu gian lận (02/12/2010)

>   Chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua căn hộ được nộp thuế 2% (01/12/2010)

>   Giảm 5% thuế nhập khẩu xăng dầu (01/12/2010)

>   Bội chi 3 quý đầu năm chỉ bằng 0,46% GDP (01/12/2010)

>   Kho bạc từ chối chi hàng trăm tỷ đồng (01/12/2010)

>   Siết chặt hoàn thuế với doanh nghiệp báo lỗ (30/11/2010)

>   Đề xuất giảm thuế NK ôtô chở người: VAMA không “kêu” mới lạ! (26/11/2010)

>   Hoàn thuế nhập khẩu xe: Cần công bằng (24/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật